Du lịch - Thể thaoDu lịch - Khám phá

Hồ nước chết chóc nhất thế giới, đỏ như máu, biến xác động vật hóa đá

Tạp Chí Giáo Dục

Một trong những vùng nước chết chóc nhất thế giới phải kể tới hồ Natron ở Tanzania, nơi khiến hầu hết sinh vật đều sợ hãi không dám tới gần.
Câu chuyện về hồ nước biến động vật vô tình chạm vào nó và hóa đá nghe có vẻ giống như trong thần thoại Hy Lạp. Nhưng thực tế có tồn tại một hồ nước như vậy trên thế giới.
Đó là hồ Natron ở Tanzania (quốc gia thuộc phía đông châu Phi). Đây là một trong những vùng nước chết chóc nhất thế giới, nơi hầu hết sinh vật đều sợ hãi không dám tới gần.
Hồ nước đỏ như màu máu
Đặc điểm nổi bật ở hồ Natron là màu nước đỏ như máu. Màu sắc này do một số loại vi khuẩn đặc biệt tạo nên. Chính màu lạ mắt này đã thu hút rất đông giới nhiếp ảnh gia và du khách từ nhiều nơi đổ về muốn ghi lại khoảnh khắc ấn tượng không đâu có được.
Trên thực tế, hồ Natron vốn là một hồ muối. Điều này có nghĩa là, nước có thể chảy vào trong hồ, nhưng không chảy được ra ngoài. Bởi vậy, nó chỉ có thể thoát ra ngoài bằng cách bốc hơi.
Đây còn là nơi loài hồng hạc kéo về để ghép đôi
Theo thời gian, khi nước bay hơi sẽ để lại nồng độ muối cao cùng nhiều khoáng chất khác. Nguyên lý này tương tự như xảy ra tại Biển Chết hay hồ muối lớn của Utah.
Tuy nhiên, không giống như những hồ khác, nước ở hồ Natron lại có tính kiềm cao do lượng Natron hóa học cao. Điều kiện khắc nghiệt ở hồ nước liên quan tới núi lửa Ol Doinyo Lengai nằm gần đó, phun ra dung nham đổ vào hồ qua mạng lưới suối chảy. Độ pH cao tới 10,5 và ăn da tới mức có thể làm bỏng da, mắt của những động vật không thể thích nghi.
Xác động vật bị bọc muối, hóa đá
Theo nhà sinh thái học David Harper đến từ Đại học Leicester (Anh), những sinh vật không may "sảy chân" rơi xuống hồ sẽ bị bao bọc trong lớp muối và "hóa đá".
Và các chất lắng đọng của natri cacbonat – thứ từng sử dụng trong quá trình ướp xác của người Ai Cập, cũng đóng vai trò như chất bảo quản tuyệt vời cho những con vật không may rơi xuống vùng nước hồ Natron.
Khi mực nước hạ thấp, xác của những động vật này trôi dạt vào bờ. Hầu hết chúng vẫn giữ được hình dáng ban đầu và trên mình phủ một lớp muối dày.
Chỉ duy nhất loài chim hồng hạc vẫn coi hồ Natron là "địa chỉ" quen thuộc. Chúng tới để ghép đôi. Mặc dù vậy, chúng cũng không thể thoát khỏi điều kiện khắc nghiệt của hồ. Nếu không may rơi xuống, hồng hạc cũng trở thành "nạn nhân" bị bọc bằng muối.
Ngoài xác động vật, hồ Natron còn là "nhân chứng" lưu giữ lịch sử 19.000 năm. Theo Tiến sĩ Cynthia Luitkius Pierce, nhà địa chất học đến từ Đại học Appalachian, khi dấu chân in lên lớp bùn, trầm tích khô và cứng lại bảo quản dấu chân. Có những lớp bùn lưu giữ dấu vết của tổ tiên loài người ở thế Canh Tân dọc theo bờ hồ Natron.
Do nhiệt độ cao và nồng độ muối lớn nên du khách muốn tới đây phải tuân thủ theo sự chỉ dẫn từ hướng dẫn viên du lịch để tránh mệt mỏi và mất nước.
NN (theo dantri)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)