Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Hồ sơ giảm, cán bộ công chức tham gia chống dịch

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Trong lúc cao điểm phòng chống dịch Covid-19, TPHCM vẫn bố trí một số lượng cán bộ, công chức, viên chức đảm bảo tiếp nhận, xử lý và trả kết quả giải quyết hồ sơ hành chính cho người dân. Dù vậy, nhu cầu giải quyết hồ sơ của người dân rất ít, nên trụ sở cơ quan hành chính nhiều nơi đã được “tạm chuyển công năng”, thành nơi tập kết hàng hóa để phân phối đến người dân.

Trụ sở UBND phường Hiệp Phú  thành nơi tập kết hàng hóa, cán bộ phường trực tiếp vận chuyển nhu yếu phẩm đến người dân. Ảnh: THU HƯỜNG
Trụ sở UBND phường Hiệp Phú thành nơi tập kết hàng hóa, cán bộ phường trực tiếp vận chuyển nhu yếu phẩm đến người dân.

Người dân ít giao dịch 
Bình thường, bộ phận tiếp nhận và giải quyết hồ sơ UBND phường Tam Bình (TP Thủ Đức) nhận khoảng 70 hồ sơ sao y, chứng thực, hộ tịch… mỗi ngày. Từ ngày thực hiện giãn cách xã hội, phải 2 – 3 ngày, phường mới nhận một hồ sơ trực tiếp. Lượng hồ sơ nộp trực tuyến cũng rất ít, 1 tháng nay chỉ nhận, giải quyết 10 hồ sơ.
Theo bà Trần Kim Tuyền, Phó Chủ tịch UBND phường Tam Bình, lượng hồ sơ phường tiếp nhận rất ít, chủ yếu hồ sơ nộp trực tuyến. Phường bố trí cán bộ giải quyết hồ sơ theo ca. Do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên cán bộ, công chức phải tham gia công tác phòng chống dịch. Ở bộ phận tiếp nhận, giải quyết hồ sơ có 7 cán bộ, công chức thì có 2 người trực giải quyết hồ sơ trực tuyến, còn 5 người phục vụ ở các điểm tiêm vaccine, xét nghiệm lấy mẫu nhanh.
Số lượng hồ sơ hành chính ở các nơi khác cũng giảm mạnh. Tại UBND quận 1, mỗi ngày quận chỉ nhận khoảng 4 hồ sơ và trung bình có 25 hồ sơ/tuần, chiếm khoảng 1,5% so với tháng 4. Trong tháng 7, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính của UBND quận 7 cũng nhận khoảng 7% hồ sơ so với tháng 4, tập trung ở lĩnh vực bảo hiểm xã hội.
Tương tự, tháng 6, cổng dịch vụ công trực tuyến tại quận 4 nhận 31 hồ sơ (lĩnh vực kinh tế, lao động và chứng nhận cơ sở đủ điều kiện về an toàn thực phẩm) và tháng 7 nhận được 1 hồ sơ ở lĩnh vực kinh tế. Từ đầu tháng 8 đến nay, quận chưa nhận được hồ sơ nào. Tất cả hồ sơ nhận được trên cổng thông tin trực tuyến, quận đều cử cán bộ phụ trách theo dõi và hoàn thiện để trao trả đến người dân qua đường bưu điện.
Ông Đinh Chí Thịnh, Chánh Văn phòng UBND quận 11, cho biết thêm, thời điểm này, hầu hết người dân trên địa bàn quận không yêu cầu giải quyết thủ tục hành chính. Dù vậy, quận vẫn bố trí cán bộ trực để xác nhận hồ sơ việc ngưng nghỉ của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chi trả trợ cấp lao động cho người dân. Cụ thể, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ của quận có 8 cán bộ, công chức, nhưng hiện nay chỉ bố trí 3 cán bộ trực, số còn lại tham gia công tác phòng chống dịch.
Trụ sở thành “kho chứa hàng” thiết yếu
Giai đoạn nhiều việc nhất, cán bộ nhiều phường, quận phải làm việc 19 – 20 giờ, cũng có khi tăng ca đến 22 giờ, trên tinh thần làm hết việc chứ không làm hết giờ. Thời điểm này, dù lượng hồ sơ hành chính xuống rất thấp, nhưng lãnh đạo nhiều địa phương cho biết, cán bộ, công chức còn căng sức nhiều hơn.
Đặc biệt có nhiều trường hợp cả tháng không về nhà. Tất cả cán bộ, công chức được huy động trực ngày đêm, chăm lo từng bó rau, ký gạo cho người dân để đảm bảo không ai bị đói trong những ngày thực hiện giãn cách.
Theo lãnh đạo các địa phương, hiện số lượng nhu yếu phẩm như rau củ quả… từ mọi nơi đổ về thành phố rất lớn. Hầu hết trụ sở UBND các phường, xã, thị trấn và các quận, huyện trên địa bàn TPHCM – vốn là nơi tiếp công dân, giải quyết thủ tục hành chính thì nay đã trở thành điểm tập kết hàng hóa, nhu yếu phẩm để hỗ trợ cho người dân trên địa bàn.
21 giờ, tại trụ sở UBND phường 13 (quận 4) vẫn sáng đèn. Bên trong, 6 cán bộ, công chức phường đang tất bật phân loại hàng hóa, đóng gói cẩn thận. Mỗi người một việc, ai cũng vội vàng, bởi họ cần hoàn thành trong đêm để kịp sáng hôm sau trao đến tay người dân khó khăn.
Cách đó không xa, trụ sở UBND quận 4 cũng ngổn ngang hàng hóa. Bà Đỗ Thị Hương, Bí thư Đảng ủy phường 13, cho biết, tất cả các phòng tại trụ sở UBND phường đều được trưng dụng làm kho chứa hàng. Từ khu vực ngày thường tiếp công dân, nhận hồ sơ đến các phòng, ban khác đều chất đầy gạo, mì gói, dầu ăn, nước tương, đường, nước mắm, trứng gà, rau củ, trái cây… 
Tại khu vực sảnh chờ của người dân đến làm hồ sơ thủ tục hành chính và văn phòng trụ sở UBND phường Tam Bình, phường Hiệp Phú (TP Thủ Đức) cũng trở thành nơi tiếp nhận, phân phối hàng nhu yếu phẩm cho người dân khó khăn, khu vực cách ly, phong tỏa.
“Cả tháng nay, phòng tiếp nhận và trả hồ sơ của phường trở thành điểm chứa gạo, nước uống, nhu yếu phẩm. Một số anh chị em ở lại trụ sở cơ quan suốt nhiều ngày không về nhà để thực hiện công tác chống dịch”, bà Trần Kim Tuyền, Phó Chủ tịch UBND phường Tam Bình, thông tin.
Hồ sơ hành chính qua bưu điện tăng mạnh
Trong lúc người dân hạn chế đi lại và không nộp hồ sơ trực tiếp tại các công sở, lượng hồ sơ hành chính gửi qua Bưu điện TPHCM tăng mạnh. Trong tháng 6-2021 có 554.000 hồ sơ được tiếp nhận và trả hồ sơ qua bưu điện, nâng tổng hồ sơ phục vụ qua bưu điện trong 6 tháng đầu năm là 3,2 triệu hồ sơ, tăng 20% so với cùng kỳ. Trong 2 tháng giãn cách xã hội, có gần 1 triệu hồ sơ hành chính được gửi, nhận qua đường bưu điện.
 

NHÓM PV (theo SGGP)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)