Tuần qua, Ban Văn hóa – Xã hội HĐND TP.HCM và các đơn vị liên quan có buổi rà soát về việc lập danh sách cấp giấy khai sinh, mã số định danh, đăng ký thường trú và căn cước công dân đối với các nhóm trẻ em, thanh niên (16-18 tuổi) có hoàn cảnh đặc biệt và nguy cơ trong các cơ sở trợ giúp trẻ em, lớp học tình thương trên địa bàn quận 7…
Ông Nguyễn Minh Nhựt đề nghị xử lý dứt điểm các trường hợp trẻ không có giấy tùy thân
Cha mẹ không giấy tờ nên con cũng không có
Đại diện UBND quận 7 cho biết, tính đến thời điểm hiện tại toàn quận có 24 trường hợp chưa cấp giấy khai sinh, mã số định danh, đăng ký thường trú và căn cước công dân cho trẻ em, thanh niên (16-18 tuổi).
Cụ thể, tại lớp học tình thương Cầu Hàn – Dự án Cầu Hàn được Hội Bảo trợ trẻ em TP.HCM thành lập tháng 6-1997. Xuất phát từ địa bàn có nhiều trẻ em nghèo từ các gia đình nhập cư có hoàn cảnh khó khăn, vào năm học 2023-2024, tại đây có 5 lớp học tình thương từ lớp 1 đến lớp 5 với 55 em học sinh.
Em N.M.K. (học sinh lớp học tình thương Cầu Hàn) là một trong 12 trẻ trên P.Tân Phú chưa có giấy khai sinh, em không có đăng ký tạm trú, không có giấy chứng sinh, cha mẹ em lại không có giấy tờ tùy thân, cho nên không xác định được nguồn gốc, nơi sinh của trẻ, gây khó khăn trong việc làm giấy tờ tùy thân cho em.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc các em chưa có giấy tờ, trong đó nguyên nhân lớn nhất xuất phát từ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, không có nơi ở ổn định, có cha mẹ thuộc diện không có đầy đủ giấy tờ tùy thân nên trẻ cũng không có.
Đoàn khảo sát HĐND TP.HCM thăm và làm việc tại cơ sở Bảo trợ và nuôi dưỡng trẻ mồ côi Long Hoa
Ngoài ra, theo UBND quận 7, do sự di dân tự phát ngày càng nhiều, luôn biến động nên việc cập nhật, quản lý còn chưa kịp thời. Một số gia đình do nhu cầu mưu sinh không quan tâm đến việc làm giấy tờ tùy thân cho trẻ.
Tại cơ sở nuôi dưỡng trẻ mồ côi của chùa Long Hoa (Long Hoa cổ tự), quận 7, TP.HCM hiện tại có 60 em, trong đó có 47 em dưới 18 tuổi, cơ sở may mắn đã giải quyết toàn bộ cho các em đầy đủ mã định danh, giấy khai sinh, đăng ký thường trú và căn cước công dân cho các em đủ tuổi.
Đại diện UBND P.Tân Thuận Tây cũng cho biết, các em có giấy khai sinh, học bạ, hoàn thành tiểu học được chuyển qua trường công. Qua rà soát có 4 em đang được hỗ trợ.
Không thể học lên cấp 2 do không có giấy tờ
Trong bối cảnh nỗ lực nâng cao chất lượng giáo dục cho trẻ em, vấn đề về thiếu giấy tờ cá nhân đã trở thành một trở ngại lớn, đặt ra thách thức đối với việc tiếp cận giáo dục của trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.
Tại buổi khảo sát, ông Phạm Đình Nghinh – Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM cho biết: Trên cơ sở sự đồng ý của UBND quận 7, Hội Bảo trợ trẻ em hiện đang có một dự án hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt gần một năm nay, hội đã hỗ trợ gần 1,2 tỷ đồng về các dịch vụ tiện ích, bảo hiểm y tế, phương tiện học tập và các dịch vụ tiện ích hỗ trợ các em trên địa bàn quận trong việc được tiếp cận giáo dục.
“Tuy nhiên nhiều trẻ không có mã định danh nên cũng không thể hỗ trợ mua thẻ BHYT cho trẻ, nếu không giải quyết được câu chuyện mã định danh và giấy khai sinh cho các em, các em chỉ có thể học ở lớp địa phương, chứ không thể học lên cấp 2 được, gây khó khăn đến việc tiếp cận giáo dục của trẻ”, ông Nghinh lưu ý.
Các giải pháp để thực hiện
UBND quận 7 cho biết sẽ tiếp tục rà soát, lập danh sách cấp giấy khai sinh, mã số định danh, đăng ký thường trú và căn cước công dân đối với các nhóm trẻ em, thanh niên (16-18 tuổi). Những trường hợp đặc biệt, vận động, hỗ trợ tạo điều kiện để người thân của trẻ em, thanh niên ra làm giấy khai sinh, mã số định danh, đăng ký thường trú và căn cước công dân.
Trẻ em tại cơ sở nuôi dưỡng trẻ mồ côi của chùa Long Hoa (Long Hoa cổ tự), quận 7, TP.HCM
Quận sẽ tăng cường tuyên truyền phổ biến Luật Hộ tịch, nội dung và mục tiêu cơ bản của Chương trình hành động quốc gia của Việt Nam về đăng ký và thống kê hộ tịch giai đoạn 2017-2024, Luật Căn cước, Đề án 06…
Ngoài ra, chỉ đạo Ban Chỉ đạo Đề án 6 quận tiếp tục làm tốt công tác chỉ đạo, theo dõi, kiểm tra đôn đốc việc triển khai thực hiện công tác thu thập dữ liệu dân cư, cấp định danh cá nhân, giải quyết cư trú và cấp căn cước công dân đối với các trường hợp thuộc diện nhân khẩu đặc biệt trên địa bàn quận.
Ông Nguyễn Minh Nhựt, Phó Trưởng ban Văn hóa – Xã hội, HĐND TP.HCM, nhấn mạnh: Việc thiếu giấy tờ tùy thân có thể dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng về mặt tâm lý và xã hội cho các em. Không có giấy tờ tùy thân, các em sẽ gặp khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ cơ bản như y tế, giáo dục, và việc làm, gây ra những rào cản lớn trong quá trình hòa nhập cộng đồng. Điều này không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến tương lai của các em mà còn tạo ra gánh nặng lâu dài cho xã hội, đòi hỏi sự can thiệp và chăm sóc đặc biệt từ cộng đồng và các cơ quan chức năng.
Ông Nhựt cũng chỉ rõ rằng việc hỗ trợ cấp giấy tờ tùy thân cho các em là một hình thức chăm sóc trực tiếp cho đối tượng đặc biệt này, giúp các em có điều kiện tốt hơn để phát triển và hòa nhập cộng đồng. Khi các em có giấy tờ tùy thân, sẽ có cơ hội tiếp cận giáo dục, chăm sóc y tế và các quyền lợi khác một cách đầy đủ, tạo tiền đề cho một tương lai tươi sáng hơn. Đồng thời, điều này cũng giúp giảm bớt gánh nặng cho các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc giải quyết các vấn đề phát sinh sau này. Đây không chỉ là trách nhiệm xã hội mà còn là hành động thiết thực nhằm xây dựng một cộng đồng phát triển bền vững và công bằng hơn.
Phạm Thanh
Bình luận (0)