Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Hỗ trợ dân vùng lũ ĐBSCL 3,5 tỷ đồng

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Ngày 7-10, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã quyết định chuyển số tiền cứu trợ từ quỹ cứu trợ trung ương cho ban cứu trợ 8 tỉnh, thành phố ĐBSCL đang bị thiệt hại bởi lũ lụt. Theo đó, tỉnh An Giang được cứu trợ 1 tỷ đồng; Đồng Tháp 700 triệu đồng; Kiên Giang 500 triệu đồng; Tiền Giang, Hậu Giang, TP Cần Thơ mỗi địa phương 300 triệu đồng; Long An 200 triệu đồng; Vĩnh Long 200 triệu đồng. Số tiền trên để hỗ trợ các gia đình có người bị nạn, nhà sập, đổ, trôi hoàn toàn do mưa lũ gây ra.

Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy PCLB Trung ương, tính đến ngày 7-10, lũ ở ĐBSCL đã làm 18 người thiệt mạng, gần 50.700 căn nhà bị ngập, mất trắng 6.553ha lúa, gần 3.170ha hoa màu bị ngập, 646km bờ bao và 775km đường giao thông bị sạt lở…

Bộ đội Quân khu 9 giúp dân gia cố đê bao bảo vệ lúa vụ 3. Ảnh: BÌNH ĐẠI

Tại An Giang, đoạn đê dài khoảng 100m (tuyến bờ Đông kênh Bảy Xã) bị lún nứt, có nguy cơ ảnh hưởng đến vùng sản xuất Tân An – Tân Thạnh (thị xã Tân Châu) khoảng 2.000ha lúa vụ 3 và hoa màu. Nước lũ bên trong và ngoài đê chênh lệch hơn 5m, áp lực rất lớn, gây rò rỉ nước qua đê. Một phần vỉa hè bờ kè bảo vệ cơ quan Tỉnh ủy tại TP Long Xuyên cũng bị sụp lún sâu khoảng 20 – 40cm, kéo dài trên 3m.

Tại Đồng Tháp, trước tình hình nước lũ dồn xuống các địa phương vùng Đồng Tháp Mười, công tác gia cố đê và phòng chống sạt lở đã được triển khai quyết liệt nhằm hạn chế thấp nhất những thiệt hại về người và của. Tuy nhiên, nhiều người dân không chịu di dời. Tại xã Mỹ An Hưng B, huyện Lấp Vò có 116 hộ đang sống trong vùng có nguy cơ sạt lở, cần di dời khẩn cấp. Chính quyền địa phương đã vận động di dời được 34 hộ, số còn lại vẫn chưa chịu di dời.

Ngày 7-10, tại hội nghị Ban Chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh Kiên Giang, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thi cho rằng tình hình rất đáng lo ngại khi lũ tiếp tục dâng cao và diễn biến phức tạp.

Ông Mai Anh Nhịn, Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang thừa nhận, do 8 năm qua không có lũ nên xuất hiện tâm lý chủ quan, không chủ động đối phó, đặc biệt là công tác cung cấp thông tin cho người dân không kịp thời nên dẫn đến thiệt hại lớn.

Đến thời điểm hiện tại, lũ đã làm hư hỏng ống cống trên tuyến quốc lộ N1-Hà Giang, xe 4 bánh không thể lưu thông, nhiều tuyến đê bao tiếp tục bị nước đánh vỡ, gần 20ha mặt nước nuôi trồng thủy sản bị mất trắng, hơn 56km đường giao thông nông thôn và gần 1.200 căn nhà bị ngập sâu trong nước, hơn 400 học sinh phải nghỉ học.

Tại Long An, hiện có hơn 5.600 hộ bị ngập từ 0,4 – 0,5m. Ban Chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh Long An chỉ đạo các huyện vùng lũ khẩn trương vận động, giúp đỡ các hộ dân di dời lên các cụm, tuyến dân cư vượt lũ.

Theo SGGP

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)