Sáng 15-12, Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM, Ban Kinh tế – Ngân sách HĐND TP và Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) TP phối hợp tổ chức Hội thảo “DN khởi nghiệp – Hướng phát triển”.
Các chuyên gia, diễn giả trao đổi ý kiến tại hội thảo. Ảnh: T.Xuân |
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP, thời gian qua, các mô hình khởi nghiệp, các hoạt động hỗ trợ diễn ra ngày càng phong phú thu hút nhiều tổ chức, cá nhân, đặc biệt là các thanh niên sinh viên tham gia khởi nghiệp. Thông qua các trung tâm ươm tạo của TP hỗ trợ, nhiều công ty khởi nghiệp đi vào hoạt động và thương mại hóa các sản phẩm từ các hoạt động ươm tạo.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến tại hội thảo cho rằng, khó khăn cho DN khởi nghiệp hiện nay là việc tiếp cận nguồn vốn đầu tư công nghệ. Bên cạnh đó, các công ty khởi nghiệp chưa có kinh nghiệm quản lý, điều hành công ty cũng như kiến thức về thuế, Luật DN; thiếu thông tin thị trường, định hướng phát triển sản phẩm; cơ sở vật chất chưa đáp ứng được nhu cầu của một trung tâm khởi nghiệp và không gian làm việc của giới khởi nghiệp; chưa có hành lang pháp lý và cơ chế chính sách đặc thù cho các hoạt động cho vay khởi nghiệp, đầu tư khởi nghiệp…
Trước những khó khăn trên, ông Nguyễn Phước Hưng – Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP – cho rằng: TP cần có hệ sinh thái khởi nghiệp, vì đây là nơi có nhiều các cơ quan chức năng hỗ trợ DN về vốn, pháp lý. Bên cạnh đó, Nhà nước cần có cơ chế phối hợp chặt chẽ trong hệ sinh thái khởi nghiệp như cần thành lập ban chỉ đạo, hỗ trợ khởi nghiệp thay vì hiện nay phải giao cho nhiều đầu mối nên khó phát huy hết hiệu quả; cần sớm thành lập Quỹ đầu tư mạo hiểm, hỗ trợ cho các dự án khởi nghiệp khả thi…
Về lĩnh vực vốn, ông Nguyễn Hoàng Minh – Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tại TP – cho biết: Có 4 khó khăn lớn trong tiếp cận vốn ngân hàng của DN khởi nghiệp. Đó là ngân hàng rất khó thẩm định tính hiệu quả của phương án kinh doanh khởi nghiệp; không có tài sản đảm bảo nợ vay; thiếu minh bạch về báo cáo tài chính, tài sản, thuế; các DN khởi nghiệp thường gặp khó khăn về thủ tục pháp lý, chưa có bộ máy điều hành quản trị DN, do đó hạn chế trong hồ sơ pháp lý để ngân hàng cấp tín dụng.
Về các giải pháp, ông Minh đề xuất, cần hỗ trợ cơ chế, quy định pháp luật để thành lập các quỹ đầu tư mạo hiểm, trong đó các ngân hàng có thể góp vốn đầu tư vào các quỹ này, thông qua đó đưa nguồn vốn vay đến với các DN có nhu cầu.
Theo ông Minh, sự xuất hiện các quỹ đầu tư mạo hiểm đáp ứng yêu cầu vốn của DN cũng như chấp nhận các rủi ro cao hơn so với quy định của hệ thống ngân hàng.
“Sự xuất hiện của quỹ đầu tư mạo hiểm có thể giải quyết bài toán về vốn cho các DN khởi nghiệp, đồng thời có thể hỗ trợ, cung cấp tư vấn về các mặt thị trường đầu ra, hồ sơ pháp lý, quản trị DN, kê khai thuế, báo cáo tài chính… để đảm bảo cho các DN có đủ cơ sở để hoạt động hiệu quả”, ông Minh khẳng định.
Ông Minh cũng đề nghị TP cần thành lập các trung tâm chuyên ngành để thẩm định, đánh giá khách quan, cơ sở khoa học về các dự án, các ý tưởng sáng tạo. Cần có cơ chế hỗ trợ hoạt động của các DN khởi nghiệp. Tổ chức các gói tín dụng ưu đãi cho các DN khởi nghiệp trong các lĩnh vực, ngành nghề ưu tiên, các ngành nghề mũi nhọn.
TS. Huỳnh Thanh Điền – Trường ĐH Ngoại ngữ – Tin học TP.HCM – cho rằng: Giải pháp để thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp là cần tạo lập động cơ và ươm tạo các ý tưởng khởi nghiệp. Cụ thể, các chính sách của Nhà nước cần hướng đến tạo lập đầy đủ các thành phần của hệ sinh thái khởi nghiệp, bao gồm các tổ chức hoạt động khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, đến các tổ chức ươm tạo, các tổ chức phụ trợ cho hoạt động của công ty khởi nghiệp. Việc khơi dậy tinh thần khởi nghiệp cần sự tham gia đồng bộ từ phía gia đình, nhà trường, tổ chức xã hội và Nhà nước.
Huy Xuân
Bình luận (0)