Theo đề xuất về chủ trương xây dựng chính sách hỗ trợ học phí cho học sinh tiểu học tư thục và trường công lập tự chủ trên địa bàn TP.HCM được Sở GD-ĐT TP.HCM trình UBND TP, mức hỗ trợ học phí bằng định mức phân bổ chi thường xuyên ngân sách đối với học sinh tiểu học theo nghị quyết của HĐND TP.HCM với nguồn kinh phí hỗ trợ được trích từ ngân sách TP, hỗ trợ trực tiếp theo số tháng thực học tại các cơ sở giáo dục (tối đa không quá 9 tháng/năm). Nếu được thông qua, chính sách hỗ trợ sẽ được thực hiện từ năm học 2021-2022.
Không chỉ là hỗ trợ học phí, hệ thống trường tư thục cần được quan tâm nhiều hơn để không có sự khập khiễng giữa các loại hình trường (ảnh minh họa)
Chính sách hỗ trợ trong đề xuất được đánh giá mang tính tiên phong, nhân văn, không chỉ phù hợp với chính sách pháp luật trong Luật Giáo dục 2019 mà còn thể hiện được quyết tâm tạo sự công bằng trong giáo dục của ngành GD-ĐT TP.
Phù hợp với Luật Giáo dục 2019
Điều 13 về Quyền và nghĩa vụ học tập của công dân trong Luật Giáo dục (sửa đổi, bổ sung) năm 2019 nêu rõ: học tập là quyền và nghĩa vụ của công dân. Mọi công dân không phân biệt dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, giới tính, đặc điểm cá nhân, nguồn gốc gia đình, địa vị xã hội, hoàn cảnh kinh tế đều bình đẳng về cơ hội học tập. Nhà nước thực hiện công bằng xã hội trong giáo dục, tạo môi trường giáo dục an toàn, bảo đảm giáo dục hòa nhập, tạo điều kiện để người học phát huy tiềm năng, năng khiếu của mình. Nhà nước ưu tiên, tạo điều kiện cho người học là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt theo quy định của Luật Trẻ em, người học là người khuyết tật theo quy định của Luật Người khuyết tật, người học thuộc hộ nghèo, cận nghèo thực hiện quyền và nghĩa vụ học tập.
Đáng chú ý, trong Điều 99 Luật Giáo dục 2019 quy định, học sinh tiểu học trong cơ sở giáo dục công lập không phải đóng học phí; ở địa bàn không đủ trường công lập, học sinh tiểu học trong cơ sở giáo dục tư thục được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí, mức hỗ trợ do hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định.
Do đó, việc Sở GD-ĐT TP.HCM đưa ra đề xuất hỗ trợ học phí cho học sinh tiểu học tại các cơ sở giáo dục tư thục, cơ sở giáo dục công lập tự bảo đảm toàn bộ chi phí hoạt động thường xuyên, cơ sở giáo dục công lập tự bảo đảm toàn bộ chi phí hoạt động thường xuyên và chi đầu tư của TP trước hết đã tạo ra tính nhất quán, thống nhất với chính sách của Luật Giáo dục 2019. Đồng thời, tạo ra sự công bằng xã hội trong giáo dục, bình đẳng giữa tất cả các loại hình trường và cho tất cả học sinh tiểu học. Theo Sở GD-ĐT TP, với chính sách hỗ trợ học phí cho học sinh tiểu học trường tư thục và trường công lập tự chủ tài chính, sẽ giúp làm giảm áp lực về tài chính với các gia đình học sinh, có tác động tích cực đến chính sách xã hội hóa và phát triển cơ sở giáo dục ngoài công lập, khuyến khích nhà đầu tư, giảm áp lực về sĩ số học sinh của các trường công lập.
Giảm “gánh nặng” tuyển sinh đầu cấp
Mỗi năm, Q.12 có khoảng 10-12 ngàn học sinh trong độ tuổi vào lớp 1. Con số này có thể dao động, gia tăng theo hàng năm. Chính áp lực về gia tăng dân số cơ học đã khiến Q.12 trở thành “vùng trũng” trong tuyển sinh đầu cấp mà cơ sở vật chất, trường lớp không theo kịp.
Ông Khưu Mạnh Hùng – Trưởng phòng GD-ĐT Q.12 cho biết, toàn quận có 22 trường tiểu học công lập và 5 trường tiểu học ngoài công lập. Với đặc thù là địa bàn tập trung nhiều công nhân, dân lao động, trường tiểu học công lập vẫn luôn là ưu tiên, lựa chọn của phụ huynh. “Trên quan điểm là đảm bảo chỗ học cho tất cả trẻ trong độ tuổi đến trường vì thế áp lực của các trường tiểu học công lập trên địa bàn là rất lớn, có những trường sĩ số lên đến trên 55 học sinh/lớp, gây khó khăn cho giáo viên, nhà trường trong việc dạy trẻ, nhất là khi thực hiện Chương trình GDPT 2018”.
Năm học 2021-2022, theo thống kê toàn Q.12 cũng có khoảng trên 10 ngàn học sinh trong độ tuổi vào lớp 1. Đây cũng là năm học Chương trình GDPT 2018 tiếp tục được thực hiện ở bậc lớp 2, do vậy áp lực về sĩ số học sinh/lớp, về triển khai học 2 buổi/ ngày cũng gia tăng. Ông Hùng cho rằng, chính sách hỗ trợ học phí nếu được thông qua sẽ phần nào giúp phụ huynh cởi bỏ gánh nặng về áp lực học phí của các trường ngoài công lập, mạnh dạn cho con em mình theo học trường ngoài công lập, từ đó làm giảm áp lực cho trường công và địa phương cho năm học tới.
Hàng năm, Q.Bình Tân có khoảng 13 ngàn học sinh trong độ tuổi vào lớp 1, địa phương này cũng gặp khó trong tuyển sinh đầu cấp. Áp lực về số học sinh đầu cấp, đã khiến quận này phải giảm tối đa số học sinh học 2 buổi/ ngày để đảm bảo đủ chỗ học sinh. “Tỷ lệ học sinh tiểu học học 2 buổi/ ngày trên toàn quận là rất thấp. Nếu được hỗ trợ phần nào học phí cho học sinh tiểu học ngoài công lập sẽ giúp làm giảm áp lực tuyển sinh đầu cấp hàng năm bậc tiểu học trên địa bàn quận, từ đó kéo tăng tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ ngày, nâng cao chất lượng giáo dục, nhất là hiệu quả của Chương trình GDPT 2018”, ông Ngô Văn Tuyên (Trưởng phòng GD-ĐT Q.Bình Tân) chia sẻ.
Không chỉ là hỗ trợ học phí…
Đánh giá đề xuất chính sách hỗ trợ học phí cho học sinh tiểu học ngoài công lập trên địa bàn TP của ngành GD-ĐT TP là một chính sách nhân văn và là một “bước tiến lớn” vì người học, tạo điều kiện để các cơ sở giáo dục ngoài công lập thuận lợi hơn trong việc tuyển sinh…, tuy nhiên nhiều nhà quản lý giáo dục cho rằng, nếu chỉ dừng ở việc hỗ trợ học phí thì hiệu quả giảm áp lực tuyển sinh đầu cấp cũng “chưa chắc đã cao”.
“Bây giờ thử tính toán, nếu được hỗ trợ học phí thì mức hỗ trợ cũng chỉ bằng với học sinh tiểu học công lập, tức là khoảng 70 ngàn đồng/học sinh/tháng. So với tổng chi phí mà phụ huynh phải đóng trong một tháng khi cho con học ở trường tư thục thì con số hỗ trợ này không đáng là bao. Do vậy, nếu chỉ là hỗ trợ học phí thì phụ huynh học sinh vẫn sẽ lựa chọn cho em mình học ở trường công lập”, trưởng phòng GD-ĐT một quận vùng ven nhận định.
Vị này phân tích, hệ thống trường tiểu học công lập dù có thể sĩ số học sinh/lớp đông nhưng cơ sở vật chất đảm bảo, chương trình giáo dục cũng đảm bảo, đội ngũ giáo viên được tập huấn bồi dưỡng thường xuyên để nâng cao tay nghề, mạnh dạn đổi mới đáp ứng với đòi hỏi của Chương trình GDPT 2018…, vì vậy tạo được niềm tin của phụ huynh học sinh. Còn hệ thống trường tiểu học tư thục, hiện nay vẫn chưa thực sự lấy được “niềm tin” của phụ huynh học sinh khi cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên không đồng đều… “Có một thực tế là trường tư thục thường hoạt động theo lợi nhuận nên tối giản các mức chi để bù thu. Nhiều trường tư thục còn thuê giáo viên đã về hưu về dạy để giảm chi phí. Vì vậy, muốn tạo ra sự đồng đều trong giáo dục, để phụ huynh có thể mạnh dạn chọn hệ thống ngoài công lập cho con em mình theo học thì trường ngoài tư thục phải hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, cần được TP hỗ trợ nhiều hơn về cơ sở vật chất, tuyển chọn đội ngũ giáo viên…”, vị này bày tỏ.
Hoan nghênh sự mạnh dạn trong đề xuất của ngành GD-ĐT TP, ông Nguyễn Văn Ngai (nguyên Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM) nhìn nhận, nếu được thông qua, để chính sách nhân văn này phát huy hiệu quả thì cần phân loại đối tượng học sinh được thụ hưởng, tính toán đến mức hỗ trợ ở từng vùng, miền. “Nói là học sinh tiểu học tư thục vậy đối tượng học sinh tiểu học trường quốc tế, trường có yếu tố nước ngoài có được hỗ trợ không. Và mức hỗ trợ đồng đều ở tất cả các địa phương hay là theo vùng miền… Quan trọng hơn cả là đi cùng với sự hỗ trợ học phí, TP cần có sự quan tâm nhiều hơn nữa đến hệ thống các trường tư thục để làm sao giữa các loại hình trường học không có quá nhiều sự “khập khiễng”, có như vậy thì về lâu về dài mới giảm được áp lực trong tuyển sinh đầu cấp”, ông Ngai nhận định.
Đỗ Giang Quân
Bình luận (0)