Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Hỗ trợ học sinh vùng khó vượt vũ môn

Tạp Chí Giáo Dục

Nhiều trường THPT ở địa bàn vùng khó, vùng cao đã quyết định kéo dài thời gian ôn tập tại trường cho học sinh lớp 12 đến cận ngày thi THPT quốc gia 2016 nhằm hướng tới kết quả tốt nhất có thể cho các em.

Một tiết ôn tập cho học viên con em đồng bào thiểu số tại Trung tâm GDTX Hướng Hóa (Quảng Trị)

Những ngày này không khí ôn tập ở những trường THPT thuộc vùng khó tại một số tỉnh miền Trung đang trở nên gấp rút cùng với sự hỗ trợ tận tình của đội ngũ giáo viên.

Thầy Phạm Đình Hảo (Hiệu trưởng Trường THPT Phạm Phú Thứ, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) cho biết: “Do trường nằm ở địa bàn tương đối khó khăn nên chúng tôi đã chủ động tổ chức ôn tập suốt trong tháng 6 cho học sinh lớp 12. Trong khoảng thời gian này, giáo viên bộ môn sẽ cho các em củng cố lại kiến thức, tiếp cận với các phương pháp làm bài thi, giải các dạng đề để làm quen dần. Bên cạnh đó, 15 học sinh con em đồng bào Cơ Tu đang học ở trường, ngoài việc ôn tập trên lớp còn được các giáo viên hướng dẫn tự học buổi tối tại ký túc xá. Đối với những học sinh này, trong năm học, nhà trường cũng đã phân công giáo viên dạy kèm vào các buổi tối trong tuần cho các em. Tuy khá vất vả nhưng giáo viên bộ môn đều rất vui vẻ hỗ trợ học sinh trong khâu ôn tập để các em có cơ hội đạt được kết quả cao hơn, có nhiều sự lựa chọn hơn cho tương lai”.

Trong khi đó, thầy Phan Khôi (Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) cho hay: “Mục tiêu của nhà trường là giúp học sinh nắm vững kiến thức, đạt được số điểm tối đa có thể theo năng lực các em. Do trường nằm ở địa bàn vùng ven thành phố, đời sống kinh tế gia đình của đa số học sinh còn nhiều khó khăn nên việc đầu tư học tập cho con em chỉ ở mức chừng mực. Vì vậy, từ kết quả bài kiểm tra học kì 2, giáo viên chủ nhiệm sẽ chủ động chọn những học sinh còn yếu, có nguy cơ rớt tốt nghiệp để bồi dưỡng thêm kiến thức cơ bản nhằm chống điểm liệt. Mỗi tuần các em được tăng cường thêm 2 tiết/môn. Bên cạnh đó, các giáo viên còn phân loại trình độ năng lực của học sinh để đưa ra phương pháp, chương trình ôn tập phù hợp và chia lớp theo nhóm đối tượng để ôn tập hợp lí”.

“Do học sinh ở địa bàn miền núi đặc biệt khó khăn, được xét tuyển vào lớp 10 nên các em chưa trải qua kì thi có tính chất quan trọng nào. Bởi vậy, trong quá trình ôn tập, giáo viên bộ môn sẽ cho các em tập dượt và tiếp cận với dạng cấu trúc đề thi cũng như rèn luyện dần cách phân chia thời gian hợp lí để tránh bỡ ngỡ khi đi thi”, thầy Lê Văn Thanh (Hiệu trưởng Trường THPT Đakrông 2, Quảng Trị) nói.

Tương tự, tại các trường THPT nằm ở địa bàn miền núi đặc biệt khó khăn của tỉnh Quảng Trị, những ngày này, nhiều trường vẫn rất nghiêm ngặt trong khâu vận động học sinh lớp 12 tới trường, duy trì sĩ số để tổ chức ôn tập cho các em. Thầy Lê Văn Thanh (Hiệu trưởng Trường THPT Đakrông 2, ở xã Tà Rụt, huyện Đakrông) cho biết: “Trường có 102/114 học sinh lớp 12 là con em  đồng bào Vân Kiều và Pa Kô. Để đảm bảo chất lượng học tập, nhà trường đã chủ động lên kế hoạch chi tiết việc ôn tập, củng cố kiến thức cho các em kéo dài suốt tháng 6. Bên cạnh đó, dựa vào kết quả kiểm tra học kì 2, giáo viên chủ nhiệm chủ động phân loại nhóm đối tượng để tổ chức ôn tập sâu sát cho các em. Cụ thể, trường tổ chức ôn tập theo 3 nhóm: lớp ôn tập dành cho học sinh khá, giỏi; lớp chống điểm “liệt” và lớp dành cho học sinh có học lực trung bình khá”. Thầy Thanh cho biết thêm, do học sinh ở địa bàn miền núi đặc biệt khó khăn, được xét tuyển vào lớp 10 nên các em chưa trải qua kì thi có tính chất quan trọng nào. Bởi vậy, trong quá trình ôn tập, giáo viên bộ môn sẽ cho các em tập dượt và tiếp cận với dạng cấu trúc đề thi cũng như rèn luyện dần cách phân chia thời gian hợp lí để tránh bỡ ngỡ khi đi thi. Đồng quan điểm, thầy Phạm Xuân Hảo (Hiệu trưởng Trường THPT A Túc, huyện Hướng Hóa) cho rằng: “Đa số học sinh ở miền núi đều thuộc con em đồng bào thiểu số. Đời sống kinh tế còn khó khăn nên việc duy trì ôn tập trong tháng 6 là cần thiết để tránh tình trạng nghỉ học ở trường, học sinh phải lên rẫy phụ giúp cha mẹ, bỏ dở việc học hành”. Tại hai huyện Hướng Hóa và Đakrông, các trung tâm GDTX cũng tổ chức ôn tập cho học viên lớp 12 trong suốt tháng 6.

Được biết, đối với học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số, các sở GD-ĐT đã kiến nghị với UBND tỉnh hỗ trợ gạo cho các em trong thời gian ở lại trường ôn thi. Ông Hoàng Đức Thắm (Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Trị) cho biết ngoài việc tổ chức ôn tập cho học sinh con em đồng bào thiểu số thì cũng như các năm trước, sở sẽ huy động mọi nguồn lực hỗ trợ xe đưa đón các em đi thi; đồng thời chỉ đạo các trường cắt cử cán bộ đi cùng các em. Còn tại Quảng Nam, lãnh đạo Sở GD-ĐT cho biết đã tiếp nhận và phân bổ hơn 32,1 tấn gạo do UBND tỉnh hỗ trợ cho học sinh khó khăn của 14 trường THPT ở miền núi ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia 2016. Có 100% học sinh lớp 12 các trường THPT thuộc 6 huyện miền núi sẽ được ôn thi miễn phí tại trường, riêng học sinh người dân tộc được hỗ trợ tiền ăn, gạo để ở lại trường ôn tập.

Bài, ảnh: Vĩnh Yên

Bình luận (0)