Với không ít người đã từng đi xuất khẩu lao động, việc có thể bắt kịp môi trường trong nước sau khi làm việc lâu năm tại nước ngoài không dễ dàng. Vậy, lao động xuất khẩu khi trở về nước có nhận được chính sách hỗ trợ nào không?
Chính sách hỗ trợ lao động xuất khẩu sau khi về nước theo số liệu từ Sở Lao động Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) TP.HCM, số lao động là công dân của TP đi làm việc ở các nước trong 2 năm 2023 và 2024 là 3.772 người. Số người hết hạn hợp đồng hoặc về trước hạn là 984 người. Thị trường được đa số người lao động chọn đi làm việc là Đài Loan, Nhật Bản, Ma Cao, Hàn Quốc.
Về hỗ trợ người lao động sau khi về nước, tại khoản 1 Điều 60 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định: “Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với các bộ, ngành hướng dẫn UBND cấp tỉnh thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động tạo việc làm và khởi nghiệp; kết nối Hệ thống cơ sở dữ liệu về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng với Cơ sở dữ liệu thị trường lao động để người sử dụng lao động, người lao động tiếp cận, khai thác, sử dụng thông tin và tìm kiếm việc làm phù hợp”.
Đối với quy định này, hiện nay Bộ LĐ-TB&XH chưa có văn bản hướng dẫn các địa phương thực hiện. Tuy nhiên, tại TP.HCM, người lao động khi về nước có nhu cầu tự tạo việc làm có thể đề nghị hỗ trợ vay vốn ưu đãi từ nguồn quỹ quốc gia về việc làm. Bên cạnh đó, trung tâm dịch vụ việc làm sẽ thực hiện cung cấp đầy đủ thông tin về thị trường lao động, nhu cầu tuyển dụng của người sử dụng lao động để người lao động lựa chọn việc làm phù hợp với kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm, trình độ nghề nghiệp được tích lũy sau quá trình làm việc ở nước ngoài. Một số doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài cũng có sự chủ động trong việc kết nối việc làm cho người lao động sau khi về nước do có giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm. Đồng thời, người lao động có thể tìm hiểu tại trang thông tin điện tử của Sở LĐ-TB&XH.
Lao động xuất khẩu cần chuẩn bị gì sau khi trở về nước
Theo Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, người lao động khi đi làm việc ở nước ngoài sẽ được rèn luyện các kỹ năng trong quá trình làm việc như vốn ngoại ngữ, tác phong làm việc, kinh nghiệm làm việc. Do đó, khi người lao động quay về nước cần tận dụng những kỹ năng, kiến thức đã làm việc ở nước ngoài để áp dụng hợp lý nếu tham gia vào thị trường lao động trong nước.
Một số nội dung cần chú ý như chuẩn bị các tài liệu chứng minh kinh nghiệm làm việc có được (giấy chứng nhận, thư giới thiệu, chứng chỉ…). Chủ động tham gia các khóa học để cập nhật kiến thức mới hoặc nâng cao trình độ, đặc biệt là các kỹ năng phù hợp với nhu cầu trong nước.
Cùng với đó, lao động xuất khẩu sau khi trở về nước nên nắm bắt xu hướng và yêu cầu mới trong lĩnh vực mà mình đã làm ở nước ngoài khi quay lại thị trường lao động trong nước. Đồng thời, tìm hiểu cách làm việc, phong cách quản lý, và quy trình tại Việt Nam. Xác định mục tiêu nghề nghiệp dài hạn để định hướng phát triển phù hợp. Định vị bản thân khi tham gia làm việc, phát huy điểm mạnh từ kinh nghiệm làm việc ở môi trường quốc tế (như khả năng làm việc trong môi trường đa văn hóa, kỹ năng ngoại ngữ, tư duy kỷ luật).
Cuối cùng, Sở LĐ-TB&XH nhấn mạnh, việc chuẩn bị kỹ lưỡng không chỉ giúp người lao động nhanh chóng thích nghi với thị trường trong nước mà còn tận dụng tối đa lợi thế của mình để phát triển sự nghiệp.
Hiện nay, TP.HCM có 4,8 triệu lao động, chiếm khoảng 51,21% dân số. Trên địa bàn TP hiện có 56 doanh nghiệp và 16 chi nhánh công ty tham gia hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Từ năm 2013 đến tháng 9-2024, các doanh nghiệp có giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài trên địa bàn TP.HCM đã đưa 81.804 người đi làm việc ở nước ngoài. Trong đó, lao động có hộ khẩu TP là 13.453 người, chiếm tỉ lệ 16,45%.
Lao động xuất khẩu khi trở về nước đối mặt với nhiều thách thức trong việc tái hòa nhập môi trường làm việc trong nước. Tuy nhiên, những chính sách hỗ trợ đã và đang được triển khai, dù còn hạn chế, vẫn là nguồn động lực quan trọng giúp họ từng bước thích nghi và phát triển. Từ các chương trình vay vốn ưu đãi, hỗ trợ tìm kiếm việc làm đến việc kết nối với các cơ hội đào tạo và nâng cao kỹ năng, người lao động có thể tận dụng những lợi thế này để xây dựng sự nghiệp bền vững.
Để đạt được điều đó, bản thân người lao động cần chuẩn bị tâm thế sẵn sàng. Không chỉ dừng lại ở việc tích lũy kiến thức và kỹ năng khi làm việc ở nước ngoài, mà còn cần linh hoạt ứng dụng vào bối cảnh trong nước. Từ khả năng ngoại ngữ, tác phong chuyên nghiệp đến kinh nghiệm làm việc quốc tế, tất cả đều là những điểm mạnh cần được phát huy một cách hợp lý. Họ cũng cần xác định rõ mục tiêu nghề nghiệp, không ngừng học hỏi và cải thiện để phù hợp với yêu cầu thị trường lao động hiện đại.
Cùng với sự đồng hành của các cơ quan chức năng và doanh nghiệp, người lao động xuất khẩu có thể biến quá trình tái hòa nhập thành một cơ hội mới để thăng tiến. Điều này không chỉ góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của bản thân mà còn đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Thủy Phạm
Bình luận (0)