Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Hỗ trợ nhà ở cho người có công: Không để “đi nhầm” vào nhà cán bộ

Tạp Chí Giáo Dục

Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung hôm qua nói rằng, việc hỗ trợ nhà ở cho người có công không thể trắng đen lẫn lộn; tiền của nhà nước, người dân, nhà hảo tâm không được “đi nhầm” vào nhà cán bộ.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo cần đảm bảo tính công khai, chống thất thoát khi hỗ trợ nhà ở cho người có công.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo cần đảm bảo tính công khai, chống thất thoát khi hỗ trợ nhà ở cho người có công.

Không để trục lợi chính sách

Sáng 26/5, tại Hội nghị toàn quốc sơ kết thực hiện Quyết định số 22/2013/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ nhằm hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở, Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết,  cả nước có 9 triệu người có công, trong đó có 1,2 triệu liệt sỹ. Thời gian qua, cơ bản, các gia đình chính sách đã được Đảng, Nhà nước và nhân dân đặc biệt quan tâm; phần lớn có cuộc sống bằng hoặc cao hơn mức thu nhập ở địa phương. Chính sách ưu đãi nhà ở người có công là chính sách quan trọng hàng đầu trong hệ thống an sinh xã hội. “Tôi đi tiếp xúc cử tri, có mấy vấn đề nhân dân rất quan tâm về chính sách người có công. Vì vậy, thời gian tới, việc trục lợi chính sách về nhà ở cho người có công sẽ công khai. Bộ Tài chính đang xây dựng dự thảo thu hồi việc trục lợi chính sách”, ông Dung nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng LĐ-TB&XH, Nhà nước đã hỗ trợ hơn 90.000 hộ xây mới, hỗ trợ sửa chữa nhà ở cho trên 75.000 gia đình người có công. Theo kế hoạch, giai đoạn 1 hỗ trợ khoảng 80.000 hộ, nhưng thực tiễn khi mở rộng đối tượng thì tính đến ngày 25/5, số hộ được hỗ trợ là 386.913. Vì vậy, việc thực hiện đề án hỗ trợ nhà ở cho người có công cần nghiêm túc, trên tinh thần pháp lệnh ưu đãi người có công đúng đối tượng, đúng mục đích, công khai, minh bạch, kiên quyết không để trục lợi chính sách.

Ông Dung cho rằng, nên ưu tiên gia đình liệt sỹ, thương binh có hoàn cảnh khó khăn, các nhà xây mới, sửa chữa chưa được thanh toán tiền; phát huy xã hội hóa, tập trung xây dựng quỹ đền ơn đáp nghĩa, hỗ trợ cùng với chương trình. Đồng thời, tập trung hỗ trợ trong 2 năm 2017 và 2018.

“Nhiều gia đình khổ do nhà dột, nhưng xây dựng mới rồi còn khổ hơn vì nhà dột bỏ ra tiền xây rồi nhưng chưa được thanh toán. Phải ưu tiên thứ tự đó để giải quyết cho trọn vẹn. Bên cạnh đó, phải phát huy xã hội hóa nguồn lực, tập trung xây dựng quỹ đền ơn đáp nghĩa, nhiều gia đình đã được hỗ trợ rồi nhưng bây giờ xuống cấp nên phải tính toán lại. Chính phủ giao cho Bộ Lao động thẩm định đến 25/5, chúng ta không thể thực hiện chính sách kéo dài được. Còn tất cả số phát sinh sau 25/5/2017, các địa phương phải chủ động từ kinh phí xã hội hóa. Chính sách không thực hiện nghiêm sẽ kéo dài và không giải quyết được”, ông Dung nói.

Số hộ phát sinh quá lớn

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết, một số địa phương và Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội kiến nghị tiếp tục rà soát thêm, nhưng chỉ nên tập trung vào 2 vấn đề chính. Cụ thể là những trường hợp đã báo cáo trong năm 2016, nhưng vì lý do tập hợp trục trặc hoặc một số đối tượng vừa được công nhận. Các trường hợp này nên giao cho địa phương rà soát và chốt vào thời điểm kết thúc tháng 5.

Theo đó, việc các địa phương liên tục điều chỉnh, số lượng tăng lên rất lớn, có nơi gấp tới 4-6 lần cần phải xem xét làm cho chặt chẽ. Nên lấy mốc cuối tháng 5 để chốt số lượng. Nếu vẫn tiếp tục phát sinh, nên giao các địa phương tự xem xét, cân đối sử dụng nguồn kinh phí hỗ trợ. Cũng nên xem xét việc vận dụng với người thân của các đối tượng được hỗ trợ (là vợ – chồng) và mở rộng đến con của họ. Tuy nhiên, các địa phương phải rà soát để chỉ hỗ trợ những trường hợp thật sự khó khăn. Đặc biệt, nguồn kinh phí đã được bố trí nhưng vấn đề giải ngân phải linh hoạt, có thể cho ứng trước để hoàn thành dứt điểm chương trình này trong vòng 2 năm hoặc có thể kết thúc trong năm 2017.

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ rõ, số lượng hộ phát sinh quá lớn, vượt xa con số tính toán ban đầu. Điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến xây dựng kế hoạch. Ngoài ra, việc hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng, dù đã huy động nhiều nguồn lực nhưng vẫn phải dựa chủ yếu vào ngân sách. Vốn huy động trong xã hội vẫn chưa nhiều, trong khi đó, có những địa phương giàu, vượt thu rất lớn mà vẫn chờ cấp vốn từ trung ương, chưa tích cực tham gia.

Phó Thủ tướng cho rằng, Chính phủ đã sẵn sàng điều kiện về pháp lý, nguồn lực để hỗ trợ. Bởi vậy, việc rà soát cần phải đúng đối tượng, thứ tự ưu tiên. “Những người, những nhà cần hỗ trợ trước lại chưa được bố trí mà người ít cần hỗ trợ hơn lại được; hoặc nhà vừa sửa, vừa nâng cấp lại tiếp tục thực hiện theo chính sách này, gây lãng phí. Khi tổ chức thực hiện cần có cả giải pháp nguồn lực, trong đó cụ thể về huy động nguồn lực xã hội, từ chính gia đình, người thân, họ hàng của các hộ và cả doanh nghiệp, địa phương… để có đủ kinh phí thực hiện đề án rất ý nghĩa này”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh. Phó Thủ tướng cũng lưu ý, cần đảm bảo tính công khai, minh bạch, chống tiêu cực, thất thoát và giải đáp kịp thời vướng mắc, kiến nghị của người dân, địa phương để có phương pháp xử lý, giải quyết sớm.   

Theo Bộ Xây dựng, giai đoạn 1 (2013 – 2016), 80.000 hộ gia đình có công cách mạng khó khăn về nhà ở đã được ngân sách trung ương hỗ trợ 2.516 tỷ đồng để sửa chữa, xây mới. Tuy nhiên, tới 15/5/2017, còn 299.920 hộ cần cấp kinh phí để hỗ trợ khoảng 8.385 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước cho giai đoạn từ nay tới năm 2020 (trong đó, ngân sách trung ương cấp hơn 7.762 tỷ đồng, ngân sách địa phương cấp hơn 623 tỷ đồng). Hơn 43.000 hộ đã thực hiện sửa chữa, xây mới sẽ được Nhà nước hoàn trả kinh phí.

Theo Tiền Phong

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)