Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp còn bị xem nhẹ

Tạp Chí Giáo Dục

Nhiều trường ĐH đã chú trọng hơn trong việc đào tạo khởi nghiệp cho sinh viên song hầu hết những hoạt động này đều chưa mang lại hiệu quả cao, sinh viên được truyền cảm hứng các dự án khởi nghiệp phần lớn vẫn nằm trên giấy, khó đưa vào thực tế; việc hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp cũng bị xem nhẹ.

Đại biểu phát biểu tại hội thảo

ThS. Trẩm Bích Lộc (Giảng viên Khoa Tài chính – Kế toán Trường ĐH Sài Gòn) đã nhận định như vậy tại hội thảo “Khởi tạo doanh nghiệp cho sinh viên các trường ĐH-CĐ trên địa bàn TP.HCM” do Trường ĐH Sài Gòn phối hợp Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức ngày 18-12.

Chưa thực hiệu quả

Theo ThS. Lộc, năm 2016 được Chính phủ lựa chọn làm năm “quốc gia khởi nghiệp” và từ 2016 đến nay, làn sóng khởi nghiệp ở Việt Nam phát triển mạnh mẽ. Theo thống kê, vào tháng 3-2017, cả nước có khoảng 1.500 công ty khởi nghiệp, tính bình quân trên đầu người thì Việt Nam đứng trên cả Trung Quốc, Ấn Độ; song con số ấn tượng đó không làm nên một cộng đồng khởi nghiệp vững mạnh và có sức bứt phá.

Vì vậy, để tăng tỷ lệ doanh nghiệp tồn tại và khuyến khích tinh thần khởi nghiệp, đặc biệt là từ tầng lớp trẻ (học sinh và sinh viên), Thủ tướng Chính phủ đã ban hành hai Quyết định quan trọng. Cụ thể, Quyết định 844/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”, trong đó nội dung chính tập trung hoàn thiện hệ thống pháp lý hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; xây dựng cổng thông tin khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia cung cấp thông tin hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; xây dựng khu tập trung dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo… để định hướng đến năm 2025 sẽ hỗ trợ phát triển 2.000 dự án và 600 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Quyết định 1665/QĐ-TTg về việc phê duyệt đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” đặt mục tiêu đến năm 2020 có 100% các ĐH, học viện, trường CĐ và trường TC có kế hoạch triển khai công tác hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp; 100% các ĐH, học viện, 50% các trường CĐ, trường TC có ít nhất 2 ý tưởng, dự án khởi nghiệp của học sinh, sinh viên được hỗ trợ đầu tư từ nguồn kinh phí phù hợp hoặc kết nối với các doanh nghiệp, các quỹ đầu tư mạo hiểm…

Theo ThS Lộc, ba quyết định trên đã khiến các trường ĐH chú trọng hơn trong việc đào tạo khởi nghiệp cho sinh viên. Cụ thể, các buổi hội thảo ở nhiều cấp độ khác nhau hoặc các buổi tư vấn và giao lưu giữa chuyên gia và sinh viên đã được tổ chức để bàn về vấn đề khởi nghiệp; rất nhiều cuộc thi dành cho sinh viên để khơi dậy tinh thần khởi nghiệp; thành lập các câu lạc bộ khởi nghiệp… để truyền kiến thức và khát khao khởi nghiệp cho sinh viên. Bên cạnh đó, một số trường đưa khởi nghiệp trở thành môn học tự chọn hoặc bắt buộc trong chương trình học, mở mã ngành mới chuyên đào tạo khởi nghiệp.

Tuy vậy theo ThS. Lộc, hầu hết những hoạt động này đều chưa mang lại hiệu quả cao, sinh viên được truyền cảm hứng nhưng các dự án khởi nghiệp phần lớn vẫn nằm trên giấy chứ khó đưa vào thực tế. Nguyên nhân có thể do sự hợp tác giữa trường ĐH và doanh nghiệp vẫn còn ở mức độ thấp, chủ yếu chỉ dừng lại ở việc đưa sinh viên đến thực tập hoặc doanh nghiệp cấp học bổng cho sinh viên trường, hỗ trợ trường mua thiết bị… Điều này khiến cho những dự án của sinh viên chưa mang tính thực nghiệm cao.

“Bên cạnh đó, hoạt động nghiên cứu khoa học chưa được nhiều trường chú trọng, dẫn đến các giảng viên hầu như chỉ tập trung vào giảng dạy chứ chưa có nhiều động lực trong nghiên cứu, điều này dẫn đến việc hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp cũng bị xem nhẹ”- ThS. Lộc chỉ ra.

Trường ĐH, doanh nghiệp cần hợp tác sâu hơn

ThS Lộc cho rằng, sự hợp tác giữa trường ĐH và doanh nghiệp cần tăng cường ở mức độ sâu hơn, như: tuyển các nhà khoa học từ ĐH vào làm tại doanh nghiệp theo thời hạn; doanh nghiệp tham gia hội đồng tư vấn chuyên môn trong trường ĐH; khai thác giá trị thương mại từ các nghiên cứu theo các hợp đồng chuyển giao công nghệ; xây dựng công viên khoa học công nghệ; trường thành lập các công ty (sở hữu một phần hoặc toàn bộ) để đầu tư nghiên cứu, thí điểm, sản xuất thử; trường xây dựng trung tâm ươm tạo doanh nghiệp…

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý, một số trường ĐH như: Bách khoa Hà Nội, Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội), Xây dựng, Mỏ-Địa chất… từ nhiều năm qua đã thành lập các doanh nghiệp với mục đích là hỗ trợ hoạt động chuyển giao công nghệ. Song, trong thực tế triển khai, lĩnh vực hoạt động của các doanh nghiệp này chủ yếu là tư vấn, giám sát, kiểm định, cung cấp dịch vụ đào tạo, phát triển nguồn nhân lực đến trực tiếp sản xuất, kinh doanh, thi công trong khi hoạt động quan trọng là chuyển giao công nghệ từ kết quả nghiên cứu khoa học của chính đơn vị còn rất hạn chế.

“Trong giai đoạn đầu hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp, nguồn vốn nên đến từ ngân sách Nhà nước. Bài học từ Israel, Mỹ và Phần Lan đều cho thấy nguồn vốn hầu hết được Chính phủ hỗ trợ và Chính phủ sẽ thu hồi được nguồn vốn đầu tư của mình thông qua lợi nhuận thu về từ chính dự án đã bỏ vốn. Để làm được điều này, đòi hỏi Nhà nước cần có cơ quan giám định các dự án khởi nghiệp, thiết lập các vườn ươm doanh nghiệp, không gian làm việc chung… để hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp trong giai đoạn đầu hoạt động”-ThS. Trẩm Bích Lộc (Trường ĐH Sài Gòn) đề xuất.

Thực tế cho thấy, khởi nghiệp nói chung và khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ nói riêng có tỷ lệ thành công khá thấp (dưới 50%); điều này cho thấy quá trình khởi nghiệp chắc chắn sẽ gặp rất nhiều khó khăn và sóng gió. Chính vì vậy, người khởi nghiệp cần trang bị cho mình không chỉ kiến thức, mà còn cả ý chí kiên định và khát khao thành công. Sinh viên là giai đoạn tốt nhất để tiếp thu những kiến thức và kỹ năng đó; điều này đặt ra trọng trách quan trọng cho các trường ĐH. Nhưng nếu trường ĐH làm đơn lẻ một mình thì kết quả đạt được chắc chắn sẽ không cao, vì vậy cần tăng cường hợp tác giữa trường ĐH và các doanh nghiệp giúp việc đào tạo mang tính thực tiễn, giàu tính ứng dụng và kích thích tinh thần sáng tạo, phát triển kỹ năng mềm cho sinh viên.

M.Tâm

Bình luận (0)