Thời đại công nghệ số, mọi thứ diễn ra nhanh chóng. Theo đó, nhiều áp lực vô hình dễ khiến cho các bạn trẻ rơi vào “ngõ cụt” trong suy nghĩ, định hướng tương lai. Chăm sóc sức khỏe tâm thần cho tuổi trẻ, nhất là lứa tuổi học sinh, sinh viên là vấn đề quan trọng và cấp thiết. Nhiều trường ĐH tại TP.Đà Nẵng đã chủ động tổ chức các hoạt động để hỗ trợ sinh viên quản lý stress tích cực.
Nhiều hoạt động hỗ trợ sinh viên
Cuối năm 2021, Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt – Anh (VNUK) thuộc ĐH Đà Nẵng bắt đầu tổ chức các hoạt động hỗ trợ tâm lý cho sinh viên. Theo đó, mỗi tuần sẽ có một ngày, thông qua nhiều hoạt động như workshop, nhận câu hỏi của sinh viên gửi qua email hoặc gặp gỡ trực tiếp, nhân viên tư vấn sẽ tư vấn, động viên, giúp các bạn sinh viên đang gặp vấn đề về tâm lý tháo gỡ những vướng mắc của bản thân để tự tin hơn trong học tập và cuộc sống thường nhật. Ngoài ra, dịch vụ tư vấn này cũng sẵn sàng hỗ trợ cho phụ huynh để cùng hỗ trợ con em họ. Bình quân, mỗi tháng có hơn 10 sinh viên cần tư vấn tâm lý, đơn cử có ngày nhân viên trực tiếp tư vấn cho khoảng 4 bạn trẻ. Cùng với hoạt động tư vấn, VNUK thường xuyên tổ chức các hoạt động giúp sinh viên cân bằng tâm trạng, giảm áp lực học tập và trong cuộc sống thông qua các workshop như vẽ tranh, ép hoa, tự may túi tote, trang điểm, làm bánh pizza… tùy theo sở thích.
Mặc dù nhiều vấn đề sinh viên gặp phải không quá nghiêm trọng nhưng nếu không có hướng giải quyết thì cũng có thể dẫn đến cảm giác rối loạn lo âu, căng thẳng. Lâu dần, các áp lực đó trở nên nặng nề khiến các em rơi vào trạng thái trầm cảm.
Nhằm giúp sinh viên vượt qua khó khăn về tinh thần, Đoàn Trường ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng) đã tổ chức workshop “Peer Pressure: Có khó để vượt qua?”. Chương trình này thu hút đông đảo sinh viên quan tâm, nhất là các bạn sinh viên năm thứ nhất. Bí thư Đoàn Trường ĐH Kinh tế – Trần Thị Thanh Thảo cho biết, Peer Pressure hiểu đơn giản là việc bạn bị áp lực từ những người đồng trang lứa, từ trường học, gia đình và ngoài xã hội. Áp lực đó cũng đến từ cuộc sống thực đến mạng ảo, ở đó luôn có những ai đó để bạn nhìn vào và so sánh. Khi thấy thành công của những người bạn đồng trang lứa hay thậm chí người nhỏ hơn mình, bạn bỗng chốc cảm thấy mình bị áp lực. Nếu không biết cách quản lý và tiết chế cảm xúc thì stress sinh ra từ đó.
Từ tháng 10-2024, Trường ĐH Đông Á (Đà Nẵng) cũng đã đẩy mạnh chương trình tầm soát và chăm sóc sức khỏe tinh thần cho sinh viên. Áp lực từ bạn bè đồng trang lứa là một trong những vấn đề nhiều sinh viên đang gặp phải.
Cần rèn luyện kỹ năng thực hành xã hội
BS Lâm Tứ Trung, Phó Chủ tịch Hội Tâm lý trị liệu Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Tham vấn và chăm sóc sức khỏe tinh thần Trường ĐH Đông Á (Đà Nẵng) nhìn nhận, có nhiều bạn trẻ rất ngại nói về sức khỏe tâm thần. Điều này có nhiều nguyên nhân, có thể do nhận thức của giới trẻ về sức khỏe tâm thần chưa đúng đắn, ngại phải đối mặt với cái nhìn kỳ thị từ cộng đồng… Bên cạnh đó, tâm lý chung của người trẻ thường cho rằng mình ổn và có thể tự “chữa lành” những thương tổn về tâm lý. Một bộ phận khác không chấp nhận sự thật rằng mình có các triệu chứng rối loạn tâm lý, ngại tìm đến cơ sở khám bệnh và đặc biệt là điều trị các ảnh hưởng về tâm lý.
Chị Lê Thu Nguyệt – chuyên gia tư vấn tâm lý của VNUK cho biết, trong quá trình học tập, sinh viên chịu nhiều áp lực vô hình từ chính các hoạt động trong đời sống sinh hoạt hằng ngày, trong học tập. Nhiều bạn khác gặp khó khăn trước một sự lựa chọn nào đó mà chính bản thân không thể tự tháo gỡ và các em cảm giác bị bế tắc. Ở VNUK, tôi luôn lắng nghe các em nói, sẵn sàng chia sẻ, động viên, thậm chí đôi khi có thể là một cuộc trò chuyện vui vẻ về các chủ đề trong cuộc sống, thậm chí có thể không liên quan đến vướng mắc của các em để giúp các em thả lỏng thân thể và tinh thần. Từ đó, có thể tìm ra được hướng tháo gỡ “nút thắt” trong tâm hồn các em một cách dễ dàng hơn.
Để tránh rơi vào trạng thái stress, các chuyên gia tâm lý cho rằng sinh viên cần chủ động tham gia các hoạt động rèn luyện kỹ năng thực hành xã hội nhằm giảm bớt cảm giác bị cô lập, biết cách quản lý cảm xúc không bị chán nản, tức giận dẫn đến hành động tiêu cực.
Kết quả nghiên cứu toàn diện về các yếu tố liên quan đến trường học ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần và sự phát triển toàn diện của trẻ em vị thành niên tại Việt Nam do UNICEF tại Việt Nam phối hợp với Bộ GD-ĐT chỉ ra rằng giới trẻ Việt Nam phải trải qua một gánh nặng đáng kể về rối loạn tâm thần, có khoảng 20% trẻ vị thành niên có vấn đề về sức khỏe tâm thần.
Vĩnh Yên
Bình luận (0)