Tòa soạnThư đi – tin lại

Hỗ trợ tiền ăn bán trú cho HS quá chậm

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Do chưa nhận được tiền hỗ trợ nên hầu hết bữa cơm của HS miền núi Đakrông (Quảng Trị) đều chỉ có cơm trắng và ốc suối

Mặc dù nằm trong diện được hỗ trợ tiền ăn theo quyết định 85/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, thế nhưng nhiều HS đang theo học trên địa bàn huyện miền núi Đakrông (Quảng Trị) đến nay vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ ăn bán trú năm 2011 và năm 2013, dù năm học 2013 đã đi qua gần nửa…
Theo quyết định 85 của Thủ tướng Chính phủ, các em HS bán trú ở vùng kinh tế đặc biệt khó khăn, con em đồng bào thiểu số, trường học cách xa nhà không thể đi về trong ngày sẽ được hỗ trợ tiền ăn, ở. Cụ thể mức hỗ trợ mỗi tháng bằng 40% mức lương tối thiểu chung và được hưởng không quá 9 tháng/năm học/HS; 100.000 đồng/HS cho mua sắm dụng cụ thể thao, 50.000 đồng/HS để lập tủ thuốc dùng chung cho khu bán trú. Thế nhưng đã 3 năm qua kể từ ngày quyết định có hiệu lực, các trường học thuộc huyện miền núi Đakrông (Quảng Trị) chỉ nhận được số tiền ăn trong năm học 2012, còn năm học 2011, 2013 và các khoản phụ khác cho đến thời điểm này vẫn chưa nhận được. Việc chậm hỗ trợ này ảnh hưởng rất lớn đến đời sống và học tập của HS.
Tính đến thời điểm hiện tại, Trường TH-THCS Húc Nghì có 35 HS bán trú, nhà ở xa trường, điều kiện kinh tế gia đình gần như chỉ phụ thuộc vào cây lúa rẫy bởi thế rất khó khăn. Để con được rõ mặt con chữ, các bậc phụ huynh không còn cách nào khác là gom góp số lúa rẫy ít ỏi cho con mang về nơi bán trú. Chưa nhận được tiền hỗ trợ ăn, ở, các em ngoài việc lên lớp thường rủ nhau đi hái rau rừng, bắt ốc suối… về tự túc nấu ăn. Bữa cơm đạm bạc cùng manh áo mỏng giữa mùa đông giá rét nơi núi rừng khiến khuôn mặt các em tím tái. Em Hồ Thị Chiến, HS lớp 8, cho biết: “Từ đầu năm đến nay do chưa nhận được tiền hỗ trợ bán trú nên ngoài một số ít lương thực ba mẹ gửi cho, bọn em tự túc đi kiếm thức ăn. Những ngày trời lạnh vẫn phải đi hái rau rừng, và cả xuống suối bắt ốc. Nếu không đi thì chỉ có cơm hoặc khoai mì nhạt”.
Không riêng Trường Húc Nghì, hiện Trường THCS Tà Long có hơn 20 HS cũng trong tình cảnh tương tự. Thầy Nguyễn Đức Toàn, Hiệu trưởng nhà trường nói: Quyết định 85 của Thủ tướng Chính phủ nhằm khuyến khích các em đến trường học tập, nâng cao tỷ lệ phổ cập giáo dục THCS, đặc biệt với một xã miền núi còn nhiều khó khăn như Tà Long. Nhưng vấn đề đặt ra ở đây, tiền cấp bao giờ cũng cuối năm trường mới nhận được, quá muộn so với thời gian HS vào năm học mới. Do đó nhà trường gặp khó khăn trong việc thuê nhà bếp, thuê nhân viên tổ chức nấu ăn cho các em HS.
Về vấn đề này, ông Hoàng Văn Thông, Phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH – cơ quan bảo vệ quyền lợi trẻ em – cho biết: Việc chậm hỗ trợ tiền ăn, ở bán trú cho HS đã cản trở các em trong học tập, sinh hoạt. Ông Thông kiến nghị, các cơ quan ban ngành liên quan phải rà soát, tìm hiểu và giải quyết kịp thời chính sách để bảo đảm việc ăn ở học tập và quyền lợi của các em HS. Cần hỗ trợ kịp thời ngay khi các em đang học để đem lại hiệu quả. Đồng thời qua thực tế, cần chuyển tiền để nhà trường trực tiếp tổ chức nấu ăn cho các em.
Đakrông là một trong 62 huyện nghèo nhất cả nước. Hơn 80% đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, địa hình phức tạp, khí hậu khắc nghiệt, giao thông đi lại ở các thôn bản trong từng xã còn hết sức khó khăn. Đời sống của đồng bào vì thế còn nghèo nàn lạc hậu. Để giúp HS tới trường, nhiều năm qua, Nhà nước, chính quyền địa phương, cơ quan ban ngành đã dành nhiều sự quan tâm, nỗ lực, đặc biệt là trong công cuộc xóa mù chữ, phổ cập giáo dục trên địa bàn huyện. Tuy nhiên để các chủ trương, chính sách được thực hiện có hiệu quả, đơn cử như việc hỗ trợ tiền ăn, ở bán trú cho các em HS nêu trên cần được quan tâm một cách triệt để hơn. Đừng để các em tự bơi trong những bữa rau rừng, ốc suối để rồi đến cuối năm học mới nhận được số tiền mà lẽ ra là đã dành cho việc ăn uống suốt 1 năm qua.
Bài, ảnh: Vĩnh Yên

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)