Chiều 5-4, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm đã chủ trì Hội nghị “Triển khai kế hoạch phát triển 60.000 doanh nghiệp (DN) trong năm 2017 và kế hoạch phát triển 500.000 DN đến năm 2020”.
Bà Nguyễn Thị Bình Minh – Phó Giám đốc Sở KH-ĐT – phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Q.Huy |
Một trong những giải pháp được TP đưa ra đó là khuyến khích các hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi sang loại hình DN.
Khuyến khích hộ kinh doanh chuyển thành DN
Theo đó, TP sẽ tập trung hỗ trợ tối đa cho cộng đồng DN, nhân tố chính để phát triển kinh tế của TP thông qua các chương trình hỗ trợ vốn, cải cách thủ tục hành chính… Đặt mục tiêu đến năm 2020, khu vực kinh tế tư nhân sẽ đóng góp khoảng 65% GRDP của TP, khoảng 64% tổng vốn đầu tư toàn xã hội; hằng năm, khoảng 30-35% DN có đổi mới, sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh; Các cơ quan quản lý của TP tăng thời gian đi thực tế nắm bắt thông tin, kiến nghị để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho DN; Cắt giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính tại các đơn vị nhằm đạt mức độ hài lòng của người dân và DN về giải quyết thủ tục hành chính đạt trên 80% vào năm 2020.
Về mục tiêu TP có 500.000 DN vào năm 2020, ý kiến của nhiều đại biểu cho rằng, để làm được việc này, TP cần triển khai các giải pháp đồng bộ, đủ mạnh để phát triển các hộ kinh doanh cá thể. Bởi đây là đối tượng chính, có kinh nghiệm, nguồn vốn… Thứ hai, phải thay đổi một cách căn cơ về nhận thức, thái độ làm việc của cán bộ công quyền. DN phát triển nhanh thì nhu cầu về đường sá, mặt bằng, cơ sở kinh doanh… là rất lớn. Do đó, cần có nhiều cách làm hay, như mô hình đổi đất lấy cơ sở hạ tầng.
Tuy nhiên, lãnh đạo UBND TP cũng băn khoăn rằng, trong 500.000 DN đó, phải tính đến chuyện xây dựng đội ngũ DN sở hữu thương hiệu mạnh có thể cạnh tranh với những tập đoàn nước ngoài. Trước mắt, TP với vai trò là đầu tàu kinh tế, có cộng đồng DN lớn nhất cả nước, chí ít phải sở hữu 10 thương hiệu mạnh.
Trên cơ sở định hướng này, các cơ quan quản lý, hiệp hội DN phải đề xuất những vấn đề liên quan đến tiêu chí xác định thương hiệu mạnh, kế hoạch hỗ trợ cụ thể.
Theo bà Nguyễn Thị Bình Minh – Phó Giám đốc Sở KH-ĐT, việc này rất nặng nề nhưng TP xác định phải làm được và lấy hai mục tiêu vận động, tuyên truyền các hộ kinh doanh cá thể chuyển sang hoạt động hình thức DN với những chế độ, chính sách hỗ trợ cụ thể. Giải pháp thứ hai là cải cách thủ tục hành chính. Muốn được vậy, tất cả các văn bản pháp lý phải minh bạch như cấp giấy chứng nhận đăng ký trong 1 ngày và các giấy “con” khác là trong 2 ngày.
Còn theo ông Lê Duy Minh – Phó Cục trưởng Cục Thuế TP cho biết thêm, hiện nay TP.HCM có trên 280.000 hộ kinh doanh nhưng chỉ đóng góp 2% số ngân sách TP; 270.000 DN đăng ký kinh doanh đóng góp 98% còn lại. Trong khi đó, nhiều hộ kinh doanh cá thể đủ điều kiện về số lao động, tiềm năng, quy mô nhưng vẫn chưa phát triển đúng với khả năng. Cụ thể, có khoảng 14.000 hộ kinh doanh cá thể đủ khả năng lên DN. TP mong muốn thông qua sự hỗ trợ, tác động của chính quyền sẽ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh và chất lượng tăng trưởng của DN và TP.
Ông Minh khẳng định: “Trước mắt, cơ quan thuế chỉ vận động những hộ kinh doanh có doanh số lớn, thường xuyên sử dụng hóa đơn nên chuyển đổi lên DN. Vì khi đã là DN thì sẽ được tự đặt in hóa đơn, tự sử dụng, tự khai, tự nộp thuế và hậu kiểm. Ngành thuế sẽ thông tin đầy đủ đến DN những chính sách, thủ tục cần thiết để khởi nghiệp, cũng như các hộ kinh doanh muốn chuyển đổi lên DN. Cục Thuế TP đã triển khai đến các chi cục thuế ở các quận, huyện để hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho khởi nghiệp và hộ kinh doanh lên DN”.
Sẽ có trung tâm khởi nghiệp tư vấn về thuế
Ông Chu Tiến Dũng – Chủ tịch Hiệp hội DN TP cho biết, hiệp hội đồng thuận và tin tưởng vào kế hoạch phát triển DN của TP được đề ra. Vì tính đến cuối năm 2016, TP có hơn 290.000 DN. Riêng năm 2016, TP có thêm hơn 36.000 DN được thành lập mới. Đây là con số kỷ lục trong nhiều năm gần đây. Tuy nhiên, ông Dũng cũng thẳng thắn cho rằng, số lượng DN tăng cao nhưng nhìn chung quy mô và năng lực cạnh tranh còn yếu; mới có 35% DN có đóng góp tích cực cho ngân sách…
Nhằm đạt được con số 60.000 DN trong năm 2017, theo ông Dũng khi vận động những hộ kinh doanh cá thể chuyển sang hoạt động theo loại hình DN thì cần giúp họ tự tin, biết cách quản lý một DN, các sở ngành – quận/ huyện phải quyết liệt vào cuộc, hỗ trợ cho những hộ kinh doanh cá thể này.
Ông Lưu Trung Hòa – Phó Chủ tịch UBND Q.1 – cho biết: Q.1 vừa mời những hộ kinh doanh cá thể lên để vận động chuyển sang hình thức DN. Đa số các hộ dân đều đồng thuận vì nhận thấy những thuận lợi, tiện ích của việc lên DN. Nhưng bên cạnh đó, cũng có hộ nêu ra khó khăn vì thủ tục còn phức tạp, khai nộp thuế còn rườm rà… Do đó, quận sẽ tiếp tục cải cách công tác về thuế.
Kết luận hội nghị, ông Lê Thanh Liêm nhấn mạnh: “TP phải tạo mọi thuận lợi có thể trong việc chuyển đổi hơn 281.000 hộ kinh doanh cá thể. Trong đó, đầu tiên là Cục Thuế TP phải có chính sách, phương pháp, cách làm sáng tạo, từ vốn “mồi” của TP đến kích cầu. Đặc biệt, phải có lộ trình, bước đi thích hợp và phải cụ thể hóa từng địa bàn để tạo được sự đồng thuận cao, không được chủ quan với những kết quả đã đạt được. Đồng thời, các quận huyện – sở ngành phải cụ thể hóa QĐ 1482 của UBND TP bằng hành động cụ thể, tham mưu cho UBND TP thành lập “Trung tâm khởi nghiệp tư vấn về thuế”…”.
Lê Quang Huy
Bình luận (0)