Chỉ trong vòng 5 ngày (từ 18 đến 22/2) đã có thêm 2 người chết trong lòng hồ, nâng tổng số người chết đuối ở đây lên gần 40 tính từ năm 1993. Chỉ những người từng lặn sâu dưới đáy hồ tìm xác nạn nhân mới lý giải chính xác sự đe dọa từ lòng hồ.
“Cuối năm 1993 đến đầu năm 1997, thỉnh thoảng mỗi tháng lại có 1 người chết trong hồ, riêng tháng 2/1997, có 3 người xuống tắm và cùng chết, nâng số người chết ở đây lên con số 30. Năm 2008, có 5 người chết. Và chỉ mới hai tháng đầu năm 2009 đã có 2 người chết”. Ông Nguyễn Văn Cường, Trưởng Công an xã Đông Hòa, huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương, kể.
Tắm mà không về
Sau những năm khai thác đất đá, công trường 621 thuộc xã Đông Hòa, huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương hình thành 5 hồ nước lớn nằm kề nhau (hiện 5 hồ này thuộc phần đất quy hoạch của Đại học Quốc gia TPHCM).
Sau hàng loạt vụ chết đuối ở hồ đá, sinh viên vẫn nhảy hồ tắm biểu diễn như thế này (ảnh chụp ngày 22/2 – NLĐ). |
Mặt hồ thơ mộng kết hợp với những hàng cây mới trồng đã tạo cho nơi đây cảnh quan khá đẹp mắt, hấp dẫn nhiều người đến vui chơi, dạo mát. Theo Công an xã Đông Hòa, những người bỏ mạng tại hồ hầu hết đều còn trẻ và đa số là sinh viên của làng đại học Thủ Đức – TPHCM.
Cái chết gần đây nhất là vào ngày 22/2 của sinh viên Lê Trọng Vũ, Trường Đại học Bách khoa TPHCM. Hôm đó khoảng 16 giờ, Vũ và hai người bạn rủ nhau ra hồ tắm.
Từ một chỏm đá, Vũ nhảy xuống hồ, sau đó không trồi lên. Hai người bạn của Vũ bơi tìm nhưng không thấy bóng dáng Vũ đâu. Đến khi lực lượng cứu hộ vớt xác mới biết Vũ bị mắc kẹt hơn 2 giờ dưới lòng hồ ở độ sâu khoảng 10 m.
Trước đó, ngày 18/2, sau khi nhậu xong, anh Trần Ngọc Thế, 23 tuổi, công nhân của một công ty sản xuất mì gói ở huyện Dĩ An, cùng 3 người bạn kéo ra hồ đá tắm giải rượu.
Sau cú nhảy từ trên bờ xuống, anh Thế chìm nghỉm. Xác anh được vớt lên trong trạng thái co quắp, tê cứng.
Riêng vụ 3 người chết cùng lúc trong tháng 2/1997, theo người dân địa phương kể lại thì đó là ba nữ sinh viên. Họ cùng nằm lên một tấm đệm rồi thả trôi trên hồ. Tấm đệm ngấm nước, ba cô gái đuối dần rồi cùng chìm xuống lòng hồ.
Mò xác mới khiếp lòng hồ
Hàng loạt sinh viên nối tiếp nhau “tắm mà không về” ở hồ đá đã vẽ nên những câu chuyện huyền hoặc trong làng đại học Thủ Đức. Thậm chí có người còn tin rằng giữa lòng hồ tồn tại một vũng xoáy kỳ bí sẵn sàng “nuốt” người. Song chỉ có những người từng lặn sâu dưới đáy hồ để tìm xác nạn nhân mới lý giải chính xác sự đe dọa từ lòng hồ.
Ông Ngô Duy Trọ, người 12 năm nay dựng nhà sống bằng nghề đánh bắt cá ở khu hồ đá, kể với chúng tôi: “Người chết đuối phần lớn là người không biết bơi. Tôi từng vớt xác 3 lần rồi, lặn xuống dưới đáy hồ mò tìm mới thấy khiếp. Lòng hồ thay đổi độ sâu rất đột ngột. Có chỗ mới cách mặt nước 2 m nhưng chỉ cần nhón chân thêm một bước là sâu thăm thẳm”.
Cũng theo lời ông Trọ, 5 hồ nước ở khu này có cấu tạo rất khác nhau. Ở những hồ trước đây là nơi khai thác đất thì đáy hồ là loại đất sét rất mềm. Người tắm chỉ cần nhảy từ trên cao xuống là cắm chân và lún sâu dưới lớp đất này.
Riêng những hồ trước đây là chỗ khai thác đá thì lòng hồ có nhiều ngàm đá với hình dáng phức tạp, người tắm khi lặn sâu rồi trồi lên do không xác định được phương hướng rất dễ mắc kẹt trong ngàm đá.
Ông Nguyễn Văn Cường, người chứng kiến hầu hết các vụ chết đuối trong khu hồ đá, cảnh báo: “Nước trong hồ phần lớn đều từ mạch nước ngầm chảy ra, nhưng do hồ phơi nắng quanh năm nên nước hồ bị phân ra làm ba lớp với nhiệt độ khác biệt, càng xuống sâu càng lạnh buốt”. Chính cái lạnh đột ngột của lòng hồ đã khiến cho nạn nhân bị chuột rút, tê cứng rồi chết đuối”.
Chiều 26/2, bốn ngày sau cái chết của sinh viên Lê Trọng Vũ, Công an xã Đông Hòa phối hợp Ban Quản lý Đại học Quốc gia TPHCM làm những bức tường đất để bít bớt lối vào hồ. Trước đó cũng đã có những biển cảnh báo được dựng lên ở khu vực này nhưng người tắm vẫn phớt lờ.
“Sắp tới, nếu sinh viên nào ra hồ quá giờ quy định, chúng tôi sẽ kiểm tra và thông báo về trường để xử lý. Do Đại học Quốc gia TPHCM đã tổ chức đội vệ sĩ canh giữ xung quanh khu vực hồ đá nên sắp tới chúng tôi sẽ họp bàn để hai bên phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong việc tuần tra cảnh báo, nhắc nhở những sinh viên có ý định tắm hồ. Song vấn đề cốt yếu là các bạn trẻ phải có ý thức tự bảo vệ mình”- ông Nguyễn Văn Cường nói.]
Theo Như Phú
Người lao động
Người lao động
Bình luận (0)