Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Hóa chất nguy hiểm ẩn họa trên sông

Tạp Chí Giáo Dục

Vụ chìm thuyền chở hóa chất trên sông Đồng Nai đã lộ rõ việc thiếu trách nhiệm của hàng loạt cơ quan chức năng

Liên quan vụ chìm thuyền chở hóa chất trên sông Đồng Nai (đoạn thuộc TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) ngày 18-11, đến trưa 19-11, cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai khẳng định: Đây là một vụ chở hóa chất trái phép. Hiện các nội dung khác như giấy phép điều khiển phương tiện, đăng kiểm phương tiện, kiểm định hàng hóa… đang tiếp tục được làm rõ. Thế nhưng, qua vụ việc này đã lộ ra không ít những lỗ hổng chết người trong việc quản lý hóa chất nguy hiểm được chuyên chở trên sông của các cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai.

Sai phạm rành rành

Sáng 19-11, tại cảng bến thủy nội địa ở phường An Bình, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, việc trục vớt hóa chất trong các thùng bị chìm theo thuyền đã hoàn tất. Theo chủ phương tiện, công tác cứu hộ do người của chủ thuyền thực hiện cùng với sự giám sát, phối hợp của cơ quan chức năng. Việc trục vớt liên tục diễn ra từ chiều 18-11 đến hết đêm thì hoàn tất và rất may hóa chất không bị rò rỉ ra môi trường. Có tất cả 20 thùng loại 5 tấn chở đầy hóa chất (tổng cộng 100 tấn) được trục vớt. Chủ thuyền cho hay các lực lượng chức năng đã ghi nhận hiện trường và làm việc với họ xung quanh sự cố.

Chiếc thuyền thô sơ này đã được dùng để chở axít clohydric, hiện bị chìm chưa được trục vớt

Quan sát tại hiện trường, chiếc thuyền chở hóa chất được đóng bằng gỗ và có hình dáng tương tự một chiếc ghe loại vừa, điều này đã vi phạm nghiêm trọng quy định trong vận chuyển hóa chất nguy hiểm bằng phương tiện thủy. Theo tìm hiểu của chúng tôi, số hóa chất được chuyên chở có nhãn mác ghi trên các thùng hàng là axít clohydric của Nhà máy Hóa chất Biên Hòa, đường số 5, KCN Biên Hòa 1 (TP Biên Hòa), chi nhánh của Công ty Cổ phần Hóa chất cơ bản Miền Nam tại TP HCM. Trong khi đó, Thông tư số 15 do Bộ Giao thông Vận tải ban hành quy định về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với phương tiện thủy nội địa chở hóa chất nguy hiểm như axít, sulfur, khí hỏa lỏng… đòi hỏi rất nhiều quy chuẩn nghiêm ngặt từ phương tiện cho đến quá trình lên xuống hàng và chuyên chở. Vì vậy, với phương tiện thô sơ kiểu như chiếc thuyền gỗ bị chìm nêu trên, bằng mắt thường vẫn có thể khẳng định được là không đáp ứng tiêu chuẩn.

"Sai phạm đã rành rành rồi. Phải làm rõ trách nhiệm các bên đã xem thường pháp luật, ai chở, ai thuê chở, ai buông lỏng quản lý. May mà hóa chất chưa tràn ra ngoài, may mà thuyền chìm tại bến nên kịp thời trục vớt hóa chất, nếu thuyền chìm giữa dòng thì hậu quả sẽ thật khó lường" – ông Hòa, một hộ dân sinh sống gần khu vực hiện trường vụ chìm thuyền chở hóa chất, đề nghị phải làm rõ trắng đen để tránh hậu họa.

Hiểm họa bị… ngó lơ!

Đến trưa 19-11, một lãnh đạo Cục Đường thủy nội địa cho hay vừa biết thông tin về vụ việc nhưng vị này cũng khẳng định việc chuyên chở hóa chất bằng phương tiện thô sơ là hoàn toàn vi phạm, cần xử lý nghiêm. "Việc chuyên chở hóa chất được quy định rất kỹ ở các thông tư, có sự tham gia giám sát của nhiều đơn vị, lĩnh vực, không đơn giản vận chuyển một cách tự phát buông lỏng, hành vi đó có thể bị xử lý trước pháp luật" – vị này nhấn mạnh.

Trong khi đó, trao đổi với phóng viên, ông Phạm Xuân Thủy – Phó Giám đốc Cảng vụ Đường thủy nội địa Đồng Nai – cho rằng đơn vị này không cấp phép chuyên chở hóa chất cho phương tiện bị chìm nêu trên. "Các cơ quan chức năng liên quan đã tiến hành làm việc và bước đầu xác định việc thuyền chuyên chở hóa chất để xảy ra sự cố là hành vi chuyên chở lậu. Đây là phương tiện thô sơ tự ý chở hóa chất" – ông Thủy thừa nhận.

Rất may những thùng chứa axít clohydric chưa bị rò rỉ ra môi trường sau khi được trục vớt

Trước câu hỏi về việc thuyền chở hàng "chui" ngang nhiên diễn ra như vậy, Cảng vụ Đường thủy nội địa Đồng Nai xác định vai trò trách nhiệm của mình thế nào, ông Phạm Xuân Thủy chỉ cho biết vụ việc vẫn chờ các đơn vị liên quan tiếp tục làm rõ. "Trách nhiệm liên quan việc chuyên chở hóa chất có thể của nhiều đơn vị từ ngành tài nguyên – môi trường, giao thông vận tải, công thương, đường thủy…" – ông Thủy nói.

Cũng như ông Thủy, trao đổi với phóng viên về trách nhiệm của ngành tài nguyên – môi trường sau khi sự cố xảy ra, ông Nguyễn Ngọc Thường, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường tỉnh Đồng Nai, nói hiện các cấp liên quan trong đó có nhiều sở, ngành đang tiếp tục làm rõ. "Về hóa chất, do Sở Công Thương phụ trách. Còn trách nhiệm liên quan về mặt môi trường, lãnh đạo Sở Tài nguyên – Môi trường đã chỉ đạo Chi cục Bảo vệ môi trường tham gia giám sát xử lý và báo cáo sở. Vấn đề này do giám đốc sở quản lý…" – ông Thường thông tin.

Đến tối cùng ngày, phóng viên tìm cách liên hệ với phía Nhà máy Hóa chất Biên Hòa nhưng bất thành. 

Thuyền chìm do va vào đá?

Tại hiện trường, trả lời về nguyên nhân thuyền bị chìm, người tự nhận là chủ phương tiện cũng là thuyền trưởng Nguyễn Văn Bé (SN 1975, ngụ Cà Mau) nói nguyên nhân là lúc vừa bơm nhận hàng xong thì đáy thuyền bị thủng do va vào đá nên nước tràn vào dẫn đến chìm. Tuy nhiên, nguyên nhân cụ thể vẫn đang được cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai làm rõ.

Như đã thông tin, lúc gần 5 giờ ngày 18-11, thuyền mang số hiệu BTr-0266 do thuyền trưởng Nguyễn Văn Bé điều khiển đang nhận hàng hóa chất từ Nhà máy Hóa chất Biên Hòa, tại bến thủy nội địa ở phường An Bình, TP Biên Hòa thì bất ngờ chìm xuống sông Đồng Nai. Hai thuyền viên có mặt nhanh chóng thoát được lên bờ.

Theo: Xuân Hoàng/NLĐO
 

 

Bình luận (0)