Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Hoa cúc vàng tháng 3: Bài 1: Chuyện về nữ tiến sĩ Châu Ngọc Hoa

Tạp Chí Giáo Dục

TS. Châu Ngọc Hoa đang khám sức khỏe cho bệnh nhân

Từ một SV được giữ lại trường, chị đã trở thành một GV giỏi trong đội ngũ giảng viên trẻ của Trường ĐH Y dược TP.HCM. Bắt đầu từ đó, chị vừa phụ trách công tác đào tạo vừa tiếp tục đi vào con đường nghiên cứu học thuật để trở thành một trong số ít nữ tiến sĩ của trường. Chị là bác sĩ – thầy thuốc ưu tú Châu Ngọc Hoa – Phó trưởng khoa y Trường ĐH Y dược TP.HCM.
Cô SV được giữ lại trường
Sinh ra trong một gia đình không có ai theo ngành y nhưng ngay từ khi còn học phổ thông Châu Ngọc Hoa đã có ước mơ sau này trở thành bác sĩ. Để ước mơ sớm trở thành hiện thực, cô nữ sinh Trường THPT Võ Thị Sáu đã dồn hết tâm lực vào chuyện học hành. Lên lớp chăm chú nghe thầy cô giảng bài, về nhà Ngọc Hoa đưa ra kế hoạch phải làm hết các bài tập, nhất là bộ môn sinh vật. Thời bấy giờ chưa có các lớp luyện thi ĐH nên Ngọc Hoa vẫn tự học là chính. Thế rồi thầy cô, cha mẹ thật sự vui mừng khi Hoa đậu chính thức vào Trường ĐH Y dược TP.HCM. Tố chất thông minh của Ngọc Hoa càng có môi trường để “phát tiết ra ngoài” khi theo học 7 năm chuyên khoa trong trường. Đây cũng là thời gian đã để lại cho Ngọc Hoa một kỷ niệm đáng nhớ nhất khi có tên trong danh sách 3 SV xuất sắc được mời ra Thủ đô họp mặt “Thanh niên tiên tiến toàn quốc”.
Nhiều người khẳng định, học trường y đủ điểm ra trường đã khó, học để có kết quả xuất sắc và được giữ lại trường càng khó bội phần. Thế mà năm 1984, sau khi tốt nghiệp, Châu Ngọc Hoa là một trong số ít nữ SV được phòng tổ chức giữ lại trường để đào tạo nguồn giảng viên trẻ cho bộ môn nội. Mừng mà lại lo, Ngọc Hoa xác định đây không chỉ là niềm vinh dự mà còn là trách nhiệm lớn lao của người học trò đối với sự tin tưởng của thầy cô đi trước. Rồi cơ hội nâng cao trình độ tay nghề đã đến với nữ bác sĩ trẻ khi chị được nhà trường cử sang nước cộng hòa Pháp học một khóa tu nghiệp về chuyên môn. Về nước, chị đem những kiến thức đó vào trong giáo án và các tiết thực hành ở phòng thí nghiệm. Đây cũng là thời gian chị vùi đầu vào lĩnh vực nghiên cứu khoa học về căn bệnh tim mạch và bỏ ra nhiều công sức để “chăm lo” và xây dựng bộ môn nội ở khoa và bệnh viện ĐH Y dược. Qua những đợt tham dự hội thảo trong và ngoài nước được tiếp cận với kỹ thuật y học tiên tiến trên thế giới; nữ giảng viên trẻ càng thêm vững về nghiệp vụ.
Bác sĩ Châu Ngọc Hoa là người rất may mắn khi có đức lang quân cũng là người trong ngành y nên anh thật sự thông cảm và lúc nào cũng tạo điều kiện cho vợ thăng tiến. Là đồng môn và sau đó được giữ lại trường, bác sĩ Nguyễn Thanh Bình không chỉ là người chồng mà còn là một đồng nghiệp kề vai sát cánh cùng chị trong công tác và cả việc nhà. Khi biết chị chuẩn bị làm nghiên cứu sinh trong nước, anh là người “ủng hộ 2 tay” và tạo mọi điều kiện tốt nhất cho vợ học lên.
Bông hoa đẹp của ngành y
Đây cũng là thời kỳ khó khăn nhất trong gia đình khi 2 cô “công chúa” còn nhỏ đang tuổi ăn tuổi học, cần có ba mẹ rèn cặp thường ngày. Do mang căn bệnh trong người nên sức khỏe của anh ngày một yếu hơn, anh phải chuyển công tác qua phụ trách phòng khám ở quận Tân Bình. Thế nhưng, bác sĩ Châu Ngọc Hoa vẫn kiên trì vượt qua mọi khó khăn, bảo vệ thành công luận án tiến sĩ với đề tài: “Thuốc ức chế men chuyển trong điều trị suy tim”. Cùng lúc hai cô con gái Nguyễn Ngọc Thể Vân và Nguyễn Ngọc Thanh Vân cũng âm thầm thi đua với mẹ và đã trúng tuyển vào Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa và Trường chuyên Lê Hồng Phong. Bạn bè khẳng định, ngoài công sức phấn đấu của 3 mẹ con không thể không kể đến công lao của bác sĩ Nguyễn Thanh Bình – một người chồng, người cha mẫu mực.
Hơn 20 năm đứng trên bục giảng, không biết bao nhiêu thế hệ học sinh của cô giáo – thầy thuốc Châu Ngọc Hoa đã ra trường và có nhiều đóng góp cho ngành y. Công lao đó đã được nhà trường ghi nhận và một lần nữa niềm vui lại đến với nữ bác sĩ họ Châu khi chị được Nhà nước phong học hàm Phó giáo sư vào năm 2006. Trao đổi về nghề nghiệp, chị tâm sự: “Ở nước ta bệnh tim mạch đang có chiều hướng tăng, ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống của người dân. Nếu không can thiệp và chữa trị kịp thời căn bệnh này dễ làm cho bệnh nhân suy tim, sức khỏe yếu, khả năng lao động dần dần bị hạn chế”. Tuy các bệnh viện đã đào tạo được đội ngũ bác sĩ trẻ cho khoa tim mạch, máy móc hiện đại, phương tiện đầy đủ, so với các nước trong khu vực đã có nhiều thành công nhưng nhìn chung các bệnh viện còn quá tải từ khâu khám đến điều trị tại giường bệnh, chi phí chữa bệnh còn quá cao nên còn khó khăn cho những bệnh nhân nghèo”. Chính vì thế dù rất bận rộn với việc khám và chữa trị trong bệnh viện, giảng dạy trường ĐH, đảm trách một số chức vụ như: Phó trưởng khoa y trường ĐH, quyền chủ nhiệm bộ môn nội, trưởng khoa tim mạch bệnh viện ĐH Y dược nhưng chị vẫn đi các tỉnh để báo cáo chuyên đề khám và chữa bệnh miễn phí cho nhân dân. Thầy thuốc ưu tú Châu Ngọc Hoa coi đó là trách nhiệm và hạnh phúc của người bác sĩ suốt đời vì sức khỏe của cộng đồng.
Bài, ảnh: Hương Thủy

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)