Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Hóa giải những vi phạm rất… ngây thơ

Tạp Chí Giáo Dục

HS Trường THPT Lê Thị Hồng Gấm được các chiến sĩ cảnh sát trang bị các thế võ để phòng vệ

Hàng trăm học sinh (HS) Trường THPT Lê Thị Hồng Gấm đã rất hào hứng khi thấy hơn 10 chiến sĩ cảnh sát thuộc Phòng Cảnh sát điều tra trật tự xã hội TP.HCM (PC45) ghé thăm trường để giao lưu trong buổi tuyên truyền pháp luật phòng chống tội phạm bạo lực học đường.
Tuổi học trò như trang giấy trắng
Một trò chơi được đưa ra: Các HS cùng thực hiện hiệu lệnh xé giấy trên những tờ giấy trắng giống nhau. Trò chơi tưởng chừng như rất đơn giản nhưng kết quả hoàn thành lại… mỗi người mỗi kiểu, không tờ giấy nào có hình dạng giống nhau. Từ những kết quả đó, các em hiểu được rằng: Mỗi người đều có những suy nghĩ độc lập, có khả năng sáng tạo riêng biệt. “Đôi khi trong cuộc sống, trước cùng một tình huống xảy ra nhưng sẽ có những kết quả, hậu quả không giống nhau. Mọi người sẽ suy nghĩ ra nhiều cách để giải quyết vấn đề thật gọn nhẹ, an toàn và êm thấm nhưng cũng có không ít người sẽ lựa chọn cách vi phạm pháp luật để xử lý vụ việc mà không kịp nghĩ đến hậu họa. Bản thân các em HS cũng là những người sắp bước vào ngưỡng cửa cuộc đời và phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình trước pháp luật. Do đó, trang bị cho các em những kiến thức, hiểu biết về pháp luật là góp phần hạn chế tình trạng vi phạm ở lứa tuổi thanh thiếu niên”, anh Nguyễn Đào Minh Huy, Bí thư Chi đoàn PC45 khẳng định.
Quả thật, trong suốt buổi giao lưu, các em HS đã đi từ bất ngờ này tới ngạc nhiên khác khi được các anh cảnh sát giải thích về mức độ, tính chất các loại tội phạm pháp luật. Nhiều em đã thực sự ngỡ ngàng khi biết rằng việc nhặt được của rơi nhưng không trao trả lại cho người đánh mất cũng bị xếp vào dấu hiệu của tội phạm “chiếm giữ tài sản trái phép” theo điều 141 Bộ luật Hình sự (BLHS) nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Hay như hành động cổ vũ, hô hào trong các cuộc đua xe cũng bị xếp vào loại tội phạm có hành vi xúi giục, kích động người khác thực hiện hành vi phạm pháp và có mức xử phạt tùy theo mức độ nghiêm trọng của từng vụ án. Không chỉ thế, việc bao che, không khai báo theo kiểu “không nghe, không biết, không thấy” gây khó khăn cho công tác điều tra tưởng chừng là hành động rất… ngây thơ nhưng lại mang dấu hiệu của tội “che giấu tội phạm” và có khung xử lý hình phạt riêng. Theo nhận định của các anh cảnh sát PC45, đây là những vi phạm mà tuổi vị thành niên hay mắc phải do thiếu hiểu biết, nhiều trường hợp khi bị xử lý mới biết mình phạm tội.
Không để vi phạm vì thiếu hiểu biết
Một vấn đề nhức nhối đang diễn ra trong môi trường học đường hiện nay là tình trạng đánh nhau ở lứa tuổi HS. Nghiêm trọng hơn, các vụ việc này còn kéo theo băng nhóm gây nên những hậu quả nặng nề như thương tật vĩnh viễn, chết người… Ngay tại Trường THPT Lê Thị Hồng Gấm cũng từng xảy ra 2 vụ việc nghiêm trọng gây xôn xao dư luận trong năm 2010. Chỉ vì một phút nông nổi, muốn làm “anh hùng rơm”, không ít thanh thiếu niên đã phải trả cái giá quá đắt cho việc làm của mình, buộc phải đưa vào các cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng. Nhiều “cậu ấm, cô chiêu” vẫn đinh ninh rằng: Người chưa đủ 18 tuổi thì chưa phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Vì thế, khi nghe các anh cảnh sát PC45 cho biết: Người từ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự với mọi loại tội phạm và từ 14 tuổi (nhưng chưa đủ 16 tuổi) phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc đặc biệt nghiêm trọng thì các em mới vỡ lẽ ra nhiều điều. “Chúng em thường không tránh khỏi những suy nghĩ, hành động bồng bột, nông nổi. Nhiều bạn còn thích chứng tỏ bản lĩnh tuổi mới lớn một cách vô lối mà không hề biết rằng đó là vi phạm pháp luật. Thực tế đã cho thấy những vụ việc vi phạm có dính dáng tới HS, SV trong thời gian qua không phải là ít”, em Phạm Ngọc Duy, HS lớp 10 nhận định.
Bên cạnh đó, hiện tượng tội phạm xâm hại tình dục trẻ em ở lứa tuổi thanh thiếu niên diễn ra trong thời gian gần đây không phải là ít. Lứa tuổi này thích khám phá, cộng với tâm lý “yêu hết mình” của giới trẻ đã dẫn đến không ít vụ án đau lòng mà người trong cuộc đến khi ngồi trong trại giam vẫn chưa hết bàng hoàng. Câu hỏi “dưới bao nhiêu tuổi thì được gọi là trẻ em” vẫn là một đáp án mơ hồ với các em HS còn ngồi trên ghế nhà trường. “Theo quy định của Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, người dưới 16 tuổi thì được coi là trẻ em. Người thực hiện hành vi phạm tội từ đủ 14 tuổi trở lên có hành vi giao cấu với trẻ em sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hiếp dâm trẻ em và bị phạt tù từ 12 năm cho đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình theo khoản 4 điều 112 của BLHS”, anh Nguyễn Văn Lợi – trinh sát PC45 – cho biết.
Bài, ảnh: Ngọc Anh
Với mục đích cung cấp kiến thức và sự hiểu biết pháp luật cho các em HS, Chi đoàn PC45 đã thực hiện nhiều buổi giao lưu, tuyên truyền về pháp luật tại các trường THPT, trung tâm GDTX hay tại các điểm “nóng” về tệ nạn xã hội trên địa bàn TP.HCM.
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)