Nhịp cầu sư phạmGương sáng

Hoa giữa đời thường!

Tạp Chí Giáo Dục

Giải thưởng Võ Trường Toản năm 2020 vinh danh những nhà giáo cống hiến và nỗ lực. Một đời miệt mài cống hiến cho giáo dục, mỗi tấm gương thầy cô giáo là những bông hoa ngát hương giữa đời thường, vun đắp thêm niềm tin của xã hội vào người giáo viên. Thầy Nguyễn Văn Hùng – Hiệu trưởng Trường TH Mê Linh, Q.3 là một tấm gương như thế, 41 năm viết những câu chuyện cổ tích trong đời thường.


Thầy Nguyễn Văn Hùng cùng học trò trong phòng đọc sách mỗi giờ ra chơi

Ra trường, công tác gắn bó 8 năm ở Cần Giờ, thầy Hùng cho biết đây là quãng thời gian khó khăn nhưng đẹp và nhiều kỷ niệm không bao giờ quên. “Cuộc sống ở đó khan hiếm nước ngọt, khi nào nước ngọt gần hết mà sà lan chưa tới thì phải chui xuống hồ chứa nước ngọt để vét nước nấu ăn. Mỗi lần trời mưa đi dạy ở điểm trường là phải xắn quần móng heo, dép và cặp kẹp nách. Trời mưa, bùn nhầy nhụa, đi qua cầu khỉ nhiều khi phải bò để không bị ngã. Mưa ở vùng biển, gió và nước thông thốc tạt vào giữa lớp học, mỗi khi mưa là phải lùa học trò ra giữa lớp, thầy đứng úm trò như gà mẹ úm con để trò không bị ướt, đợi ba mẹ đến đón”. Kỷ niệm mà thầy Hùng nhớ nhất là khi trường thi giáo viên dạy giỏi đạt giải cao, được tặng một chiếc tivi đen trắng và một bình điện. Có ti vi, buổi chiều tối sau khi ăn cơm xong, cả làng cùng xúm đến. “Trường học thời đó đúng nghĩa là trung tâm văn hoá cộng đồng, trở thành điểm sáng văn hóa là nơi để người dân, trẻ em vui chơi, giao lưu…”.

Năm 1987, thầy Hùng chuyển công tác về TP.HCM, gắn bó với Trường TH, THCS Lê Lợi (nay là Trường THCS Lê Lợi). Từ “vùng xâu vùng xa” về TP, lứa học trò đầu tiên đã để lại trong thầy nhiều ấn tượng, bài học, làm hành trang cho công việc sau này. “Khi đó, mình đảm nhận dạy lớp 5. Đó là lứa học trò rất giỏi nhưng phụ huynh cũng khó tính nhất, đòi hỏi cao nhất. Vì vậy, dù làm bất cứ điều gì bản thân giáo viên đều hết sức thận trọng. Mỗi tiết dạy mình đều dành 10 phút sau cùng để kể chuyện cho học trò nghe. Nguyên một câu chuyện Tây Du Ký được biến tấu hài hước kể suốt 1 năm học không hết, học trò rất hào hứng. Đây cũng là cách để khuyến khích học trò học tốt”.

Một chặng đường dài nữa mà thầy Hùng gắn bó sâu đậm là tại Trường TH Nguyễn Thiện Thuận với hơn 12 năm trong vai trò hiệu trưởng ngay khi ngôi trường này bắt đầu nhận dạy trẻ khuyết tật hòa nhập. Thời điểm mới tiếp xúc với trẻ hòa nhập, thầy Hùng nhận ra có nhiều trẻ “khuyết tật” là do sang chấn tâm lý từ chính cuộc sống, do ba mẹ ít quan tâm. Suốt hơn 12 năm, người Hiệu trưởng ấy đã viết nên những câu chuyện cổ tích giữa đời thường, bằng tình yêu thương giúp nhiều trẻ “hòa nhập” với cuộc sống. “Mình luôn cố gắng tạo ra một môi trường giáo dục mà học sinh bình thường có thể thấu hiểu, yêu thương và biết sẻ chia với bạn hòa nhập. Hơn 12 năm ấy mình nhận ra sâu sắc hơn rằng, tình yêu thương của người thầy có thể có sức mạnh hơn bất kỳ liều thuốc trị liệu nào, trở thành điểm tựa để trẻ khuyết tật hòa nhập với cuộc sống”.

Trường TH Mê Linh là chặng đường cuối cùng người Hiệu trưởng dừng chân trước khi nghỉ hưu. 10 năm- đem hết hương sắc để xây dựng, phát triển ngôi trường, từ một ngôi trường nhỏ đến ngôi trường “lý tưởng”, phụ huynh học sinh tin tưởng. “Khi mới nhận công tác tại trường, khó khăn lớn nhất ở đây là phụ huynh học sinh thiếu tin tưởng. Từng chút một, hướng tới chăm lo cho học sinh, mình xây dựng chiến dịch thu phục phụ huynh. Tôn trọng và giữ nguyên những lựa chọn của phụ huynh về bếp ăn, nước uống, trang phục. Kế đó là sửa sang phòng ốc, chăm lo cơ sở vật chất phục vụ cho chính con em phụ huynh, nhất là phải minh bạch rõ ràng trong tài chính. Khi phụ hynh nhận thấy Hiệu trưởng quan tâm đến con em mình thì bắt đầu “theo” và tin tưởng, thậm chí nhiều phụ huynh gắn bó đến bao nhiêu thế hệ học sinh, có những phụ huynh con đã học lên ĐH vẫn quay về trong vai trò nguyên trưởng ban đại diện CMHS hỗ trợ nhà trường mỗi dịp lễ, tết…”, thầy Hùng nhớ lại.

Từ niềm tin đó, thầy Hùng cho biết đã “tạo đà” để thầy mạnh dạn làm được nhiều thứ hơn cho học trò: Xây dựng phòng đọc sách gắn với giáo dục kỹ năng sống cho học sinh do phụ huynh tự làm, tự quyên góp sách, chuyên đề giáo dục lịch sử Việt Nam qua kịch rối… “Hiệu trưởng ngăn đôi phòng, một nửa làm phòng đọc sách cho học sinh, tính đến nay cũng được 4 năm. Từ khi có phòng đọc sách, mỗi giờ ra chơi, phòng Hiệu trưởng trở thành nơi tụ hội của học sinh, các em ngồi tràn ra cả sàn để đọc sách. Cũng bằng ấy năm không khí đọc sách, thói quen đọc sách đã hình thành trong học sinh. Và xa hơn nữa là từ đọc sách đã hình thành cho các em những kỹ năng sống thông qua những sản phẩm mang tính tư duy …”, thầy Hùng hào hứng.

Sau chặng đường hơn 40 năm miệt mài cống hiến, người giáo viên ấy vẫn tiếc nuối khi chưa làm được nhiều hơn cho học trò như xây dựng một ngôi trường hiện đại với đầy đủ các phòng chức năng đúng nghĩa để học sinh khám phá, sân chơi rộng rãi để học sinh rèn luyện các môn thể thao. “Điều mình vẫn cố gắng mỗi ngày là tạo môi trường, tâm thế, điều kiện tốt nhất để giáo viên được làm việc thoải mái, hạnh phúc. Khi thầy cô hạnh phúc thì sẽ tỏa năng lượng hạnh phúc đến học sinh. Mỗi thầy cô giáo, hãy cứ yêu thương học sinh bằng tình cảm chân thành nhất điều đó sẽ giúp thầy cô thành công trong công việc”, thầy Hùng nhắn nhủ.

Bài, ảnh: Yến Hoa

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)