Khác với thí sinh trong nước, 14 người đẹp “hải ngoại” có nhiều cảm xúc đặc biệt khi về nước tham gia tranh tài trong một cuộc thi nhan sắc. Dù xa quê hương đã lâu hay lần đầu tiên trong đời được đặt chân lên mảnh đất cội nguồn, các cô gái rất thuần Việt từ dáng dấp, vẻ đẹp bên ngoài cho đến nếp nghĩ bên trong.
Các cô gái cho biết vẫn luôn trau dồi những giá trị và phẩm chất cốt lõi tạo nên vẻ đẹp truyền thống của người phụ nữ Việt Nam như: đức hạnh, lòng nhân ái, chịu thương chịu khó…
Thí sinh làm duyên trước ống kính trong các buổi ghi hình tại khu du lịch Vinpearl Land. Ảnh: Jundat |
Nguyễn Thị Thanh Thủy (SN 1985, thạc sĩ ngành quản trị quốc tế, đến từ Úc):
Vẻ đẹp tri thức “thắp lửa” cho nhan sắc
"Theo tôi, cô gái đại diện cho nhan sắc Việt ngoài vẻ đẹp bên ngoài cần có tầm cao về tri thức. Chính vẻ đẹp trí tuệ làm nên vẻ đẹp tâm hồn và “thắp lửa” cho vẻ đẹp bên ngoài được thăng hoa. Ngoài việc chú tâm trau dồi tri thức (Thanh Thủy vừa học xong chương trình thạc sĩ), tôi rất thích nâng cao tay nghề bếp núc.
Ngày nay, bạn có thể dễ dàng mua thức ăn nấu sẵn mà không cần phải lui cui trong bếp, nhưng tôi cho rằng người phụ nữ vẫn phải biết nấu ăn khá để thắp lửa hạnh phúc trong tổ ấm của mình".
Lý Phát Việt Ngân (SN 1990, sinh viên hai trường ĐH, nói được bốn ngoại ngữ Anh, Pháp, Tây Ban Nha và Trung Quốc, đến từ Vương quốc Bỉ):
Đức hạnh chính là vẻ đẹp bền vững của phụ nữ
“Vừa thi học kỳ xong là tôi bay về Việt Nam. Để chuẩn bị cho cuộc thi, tôi chú ý “nạp năng lượng” về tri thức văn hóa Việt. Theo tôi, hoa hậu của cuộc thi này cần có vẻ đẹp vừa truyền thống vừa hiện đại. Tôi thấy lời dạy của ông bà về “công, dung, ngôn, hạnh” đến nay vẫn vẹn nguyên giá trị. Trong đó, tôi cho rằng con gái Việt cần trau dồi chữ “hạnh” nhất.
Đức hạnh của người con gái thể hiện qua lời ăn tiếng nói, cử chỉ đằm thắm, yêu thương con người… Chính giá trị đạo đức đó tạo cho người phụ nữ Việt vẻ đẹp bền vững nhất. Tôi muốn gửi gắm cho chính tôi và các thí sinh cùng thi: hãy tỏa sáng một cách Việt Nam nhất”.
Phùng Thị Mỹ (SN 1987, sinh viên ĐH Nông nghiệp Matxcơva, đến từ Liên bang Nga):
Lòng nhân ái tạo nên vẻ đẹp khác biệt
“Tôi cảm thấy rất tự tin vì có sự chuẩn bị khá kỹ về trang phục (áo dài), sức khỏe, kiến thức văn hóa và năng khiếu (múa dân gian). Theo tôi, công chúng trông đợi hoa hậu phải là một hình mẫu phụ nữ đẹp. Tất nhiên hoa hậu phải có vẻ đẹp bên ngoài, nhưng chính sự tỏa sáng của vẻ đẹp tâm hồn sẽ tạo nên sự khác biệt.
Theo tôi, lòng nhân ái là một trong những nét đẹp truyền thống quý giá mà mỗi phụ nữ cần trau dồi. Đến với cuộc thi, tôi mong muốn những giá trị truyền thống Việt được tôn vinh, hơn nữa là những cái bắt tay cùng hướng về Tổ quốc của cộng đồng người Việt trên toàn thế giới”.
Nguyễn Ngọc Kiều Khanh (SN 1991, đến từ CHLB Đức):
Nhan sắc Việt phải có tâm hồn đẹp
Kiều Khanh đặc biệt thu hút sự chú ý của các phóng viên và khán giả bởi ngoại hình bắt mắt với thể hình khá chuẩn, khuôn mặt phúc hậu và nụ cười rạng rỡ. Khanh sinh ra và lớn lên ở CHLB Đức, bố mẹ ở Hà Nội. Trước khi đến Việt Nam, Khanh đã đọc nhiều sách, báo, Internet để tìm hiểu về đất nước, con người, đặc biệt là sự kiện Nghìn năm Thăng Long – Hà Nội bởi theo cô, ngoài vẻ đẹp thể hình, để đạt vương miện hoa hậu cần phải có vẻ đẹp tâm hồn, sự thông minh, nhanh nhẹn và lòng nhân ái.
Khanh cho biết nếu đoạt vương miện hoa hậu, việc đầu tiên mà cô nghĩ đến là làm từ thiện, giúp đỡ trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em khuyết tật… “Đó là những việc mà ai cũng muốn làm, huống chi là cô gái đại diện cho nhan sắc Việt”. Khanh tiết lộ đây là lần thứ tám cô được về Việt Nam, các lần trước về quê hương để nghỉ hè. Cô gái này dự tính học cùng lúc hai trường ĐH là kinh tế và ngoại ngữ.
Nguyễn Thu Trang (SN 1988, đến từ Cộng hòa Czech):
Muốn là “sứ giả văn hóa Việt”
Bố mẹ quê Nam Định nhưng Thu Trang sinh ra và lớn lên ở CH Czech. Trước khi sang Việt Nam dự thi, Trang đã dành nhiều thời gian để tìm hiểu, bổ sung kiến thức về lịch sử và văn hóa con người, đất nước Việt Nam. Thu Trang hiện đang theo học cùng lúc Trường ĐH Y (chuyên ngành nha khoa) và ĐH Quan hệ quốc tế (khoa ngoại thương).
Cô tâm sự: “Nhan sắc Việt cần có vẻ đẹp trí tuệ, lòng nhân ái… vì vậy Trang sẽ cố gắng thật nhiều để thể hiện mình là một cô gái Việt. Sau cuộc thi, Trang muốn là sứ giả giới thiệu hình ảnh đất nước con người Việt Nam đến tất cả những ai mà Trang quen biết ở CH Czech”.
Tôn Diệp Nhật Trang (SN 1987, đến từ Nhật Bản):
Vẻ đẹp trí tuệ sẽ tỏa sáng trong mọi điều kiện
Nhật Trang quê gốc ở Huế, sinh ra và lớn lên ở Quy Nhơn, hiện đang học năm cuối ĐH Thái Bình Dương tại Nhật Bản. Theo Nhật Trang, một cô gái muốn là đại diện của sắc đẹp Việt cần hội tụ đủ các yếu tố công – dung – ngôn – hạnh, tuy nhiên thời đại ngày nay các yếu tố đó có thể linh động thay đổi chút xíu.
Quan niệm của Trang: vẻ đẹp hình thể có thể phai nhạt theo thời gian, nhưng vẻ đẹp trí tuệ và lòng bao dung thì luôn tỏa sáng trong mọi điều kiện.
Diễn ra từ ngày 10 đến 21-8 tại khu du lịch Vinpearl Land (TP Nha Trang, Khánh Hòa), vòng chung kết cuộc thi Hoa hậu Thế giới người Việt 2010 thu hút 42 thí sinh, trong đó có 14 người đẹp đến từ các nước Nga, Đức, Mỹ, Nhật… Đây là những gương mặt ưu tú nhất được chọn lựa từ hơn 1.000 hồ sơ đăng ký và trải qua các vòng sơ khảo, bán kết tại các khu vực trong và ngoài nước. Các thí sinh sẽ tranh tài để đoạt vương miện hoa hậu trị giá 1 tỉ đồng (lưu giữ vĩnh viễn) và 10 giải thưởng phụ khác như: Người đẹp ảnh, Người đẹp thể thao, Người đẹp tài năng, Người đẹp thân thiện, Người đẹp áo dài, Người đẹp thời trang, Người đẹp được khán giả yêu thích nhất (bình chọn qua website: www.missvietnamworld.com.vn)… Ngoài ra, các thí sinh sẽ tham gia các hoạt động xã hội, cổ động bảo vệ môi trường, làm sạch bãi biển…
|
THÁI BÌNH – VĂN KỲ (Theo TTO)
Bình luận (0)