Quan niệm hóa học chỉ có số moll và các phương trình phản ứng khô khan có lẽ đã không còn phù hợp. Với dự án “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” do cô Phạm Thị Trúc Ly (giáo viên môn hóa Trường THPT Long Trường, TP.HCM) cùng các em học sinh lớp 12 trong trường thực hiện, hóa học lại hết sức thơ mộng khi mở ra khung trời thơ ấu, vẽ nên những ước mơ trong toa tàu ký ức.
Đặng Quốc Khánh đang giới thiệu mô hình tàu Titanic thổi bong bóng
Trong dự án “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ”, các kiến thức hóa học xoay quanh… quả bong bóng xà phòng đến từ máy thổi bong bóng, tranh vẽ bằng bong bóng, diễn kịch, thậm chí là làm xiếc bằng bong bóng.
Làm xiếc… với bong bóng xà phòng
Câu chuyện tưởng như đùa này có lẽ là điểm đặc biệt nhất của dự án. “Nếu chị muốn xem một tiết mục xiếc… bong bóng xà phòng và đứng trong bong bóng xà phòng vài phút, chị phải bỏ ra số tiền tương đương với 2,5 triệu đồng cho một vé. Còn chúng em sẽ diễn cho chị xem miễn phí luôn”, Nguyễn Ngọc Anh Thái (lớp 12A8) nói.
Nói xong, Thái tự tin kéo một cô bạn đứng vào vòng tròn rồi “khoe” tài nghệ của mình một cách chuyên nghiệp không khác gì ảo thuật gia thứ thiệt khiến tôi “mắt tròn mắt dẹt”. Thái nói đùa rằng sau này dù thế nào cũng không sợ thất nghiệp vì còn có nghề làm ảo thuật gia với bong bóng xà phòng. “Khó nhất là ở công đoạn pha nước xà phòng. Phải tính toán làm sao cho tỷ lệ của nước, của xà phòng phù hợp nếu không sẽ không thể thổi thành bong bóng. Bên cạnh đó, muốn bong bóng xà phòng lâu bị vỡ thì dung dịch phải được pha thêm với đậu bắp hoặc nha đam”, Thái bật mí.
Nói về ý tưởng của dự án, cô Phạm Thị Trúc Ly cho hay trong chương trình hóa học lớp 12 có bài Khái niệm xà phòng – Chất dập lửa tổng hợp. Đây là bài học rất gần gũi với thực tế. Vậy nhưng khi học, các em có thể học kiến thức mà chưa chắc đã hiểu hết được về xà phòng. Trong khi đó, xà phòng rất cần thiết đối với cuộc sống, hiện diện ở khắp mọi nơi. “Ngày bé hẳn là em nào cũng đã từng ít nhất một lần pha xà phòng rồi thổi thành bong bóng. Vì thế, dự án xây dựng theo hướng rất nhẹ nhàng để các em vừa có thể hiểu được về cơ chế, bản chất của xà phòng, vừa được thỏa sức sáng tạo. Xa hơn nữa là mang đến cho các em cơ hội trở về tuổi thơ của mình”, cô Ly chia sẻ.
Tiết mục xiếc với bong bóng xà phòng
Với ý nghĩa đó, không chỉ làm xiếc, trong dự án học sinh còn xây dựng vở kịch Tấm Cám, sử dụng xà phòng làm điểm nhấn của câu chuyện. Thay vì Tấm bị dì ghẻ bắt nhặt gạo trộn đỗ thì trong vở kịch, Tấm sẽ bị bắt giặt đồ. “Vở kịch một lần nữa để các em nhìn nhận về tầm quan trọng của xà phòng trong cuộc sống”, cô Ly cho hay.
Bên cạnh làm xiếc, đóng kịch, học sinh còn được trổ tài vẽ tranh bằng bong bóng xà phòng. “Chưa bao giờ em nghĩ bong bóng xà phòng cũng có thể vẽ thành tranh. Vậy mà ngược lại, tranh vẽ từ bong bóng xà phòng lên màu cực kỳ đẹp và tự nhiên. Chỉ cần pha dung dịch xà phòng cùng với màu, thổi lên là có thể vẽ được”, vừa nói dứt lời, Phạm Thị Đan Thi (lớp 12A1) liền phồng má thổi bong bóng vào bức tranh đêm Trung thu còn dang dở.
Với Thi và bạn bè của mình, những quả bong bóng xà phòng trong dự án không còn là kiến thức hóa học, không còn là những phản ứng mà đã trở thành “toa tàu” ký ức, đưa các em trở về với thời tuổi thơ của mình.
Máy thổi bong bóng “made in học sinh”
Làm nên tiếng vang của dự án “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” không thể không kể đến những máy thổi bong bóng xà phòng từ vật liệu tái chế do chính học sinh làm ra. Cô Ly cho biết hơn 50 máy thổi bong bóng được tạo ra không chỉ phục vụ cho kiến thức bài học mà còn giúp các em biết vận dụng kiến thức ở các bộ môn khác như lý, tin học, công nghệ, mỹ thuật, toán… “Tôi chỉ đóng vai trò hỗ trợ còn việc chế tạo, lắp ráp, cơ chế hoạt động của máy đều do các em tự tìm hiểu và thực hiện. Mỗi sản phẩm không chỉ là để học mà còn tượng trưng cho ước mơ của các em”, cô Ly chia sẻ.
Say sưa ngắm những quả bong bóng xà phòng bay ra từ máy thổi hình sân banh của nhóm, Võ Hồ Huỳnh Như và Nguyễn Thảo Nguyên (học lớp 12A1) cho biết sản phẩm được nhóm tạo ra từ bìa các tông, đũa tre, que kem, nhánh cây khô, khăn giấy sau… hai buổi tối. “Khó nhất là phần kỹ thuật như cắt gọt bìa các tông, lắp mạch điện, lắp ráp các phần còn lại tạo ra mô hình. Thế nhưng, được học như thế này rất thú vị, qua đây chúng em còn biết mình có cả hoa tay về lắp ráp mô hình”, Như cho biết.
Những bức tranh được vẽ bằng bong bóng xà phòng
Ấn tượng và lạ mắt nhất trong những máy thổi bong bóng là mô hình tàu Titanic của Đặng Quốc Khánh (học lớp 12A1). Với ước mơ trở thành kỹ sư chế tạo ra các sản phẩm giúp cuộc sống con người thoải mái hơn, Khánh cho biết hình ảnh con tàu cũng như hình ảnh ước mơ của em, một ngày nào đó rồi sẽ “giương buồm ra khơi”. Từ sự trân trọng đó, mô hình tàu Titanic của Khánh ngoài việc thổi được bong bóng xà phòng còn có thể chạy được trên nước và bắn được tên xa đến 3m.
Để thực hiện dự án, cô Ly đã linh hoạt trong cách kiểm tra, đánh giá môn học. Theo đó, mỗi bức tranh bong bóng xà phòng sẽ được chấm vào điểm kiểm tra 15 phút; những mô hình máy thổi bong bóng được lấy điểm kiểm tra 1 tiết. Quá trình các em tham gia hoạt động sẽ được cho điểm cộng. “Không chỉ có môn văn mới có thể lãng mạn. Hóa học hoàn toàn có thể thơ mộng hóa và mang đến những trải nghiệm mới mẻ cho học sinh. Điều quan trọng sau dự án là kiến thức bài học được truyền tải một cách nhẹ nhàng và ước mơ của các em cũng được khơi mở…”, cô Ly nhấn mạnh.
Yến Hoa
Bình luận (0)