Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Hóa học xúc tác yêu thương

Tạp Chí Giáo Dục

Hơn một tuần nay, cứ sau giờ học, cô Đỗ Thị Việt Phương (Tổ trưởng Tổ hóa Trường THPT Võ Trường Toản, Q.12, TP.HCM) và học sinh lớp 12 lại tất tả đi giao hàng cho khách. Theo đó, 150 bộ sản phẩm từ dầu dừa gồm son dưỡng môi, dưỡng mi và dưỡng tóc “vừa ra lò” hút hàng khiến cô trò trở tay không kịp.

Sản phẩm dầu dừa do học sinh Trường THPT Võ Trường Toản làm

Đây là sản phẩm do học sinh lớp 12 trong trường sản xuất. Hoạt động này nằm trong dự án “Hóa học xúc tác yêu thương” do Tổ hóa thực hiện cho học sinh lớp 12. Không chỉ đưa kiến thức hóa học trong sách vở vào thực tế, những sản phẩm làm ra được bán gây quỹ học bổng san sẻ cùng học sinh khó khăn trong trường. Năm học 2018-2019 là mùa thứ hai dự án tiếp tục hành trình lan tỏa yêu thương.

Không chỉ là vui

Ở mùa đầu tiên (năm học 2017-2018), dự án đã trao 14 suất học bổng với số tiền gần 10 triệu đồng cho học sinh nghèo vượt khó trong trường. Tiếp nối thành công ấy, cô Việt Phương quyết tâm duy trì quỹ học bổng “Hóa học xúc tác yêu thương”. Do đó, trong mùa thứ 2 này, sản phẩm hướng đến tính chuyên nghiệp hơn khi có sự cải tiến lớn về mẫu mã và bao bì.

Khác với những dự án dạy học trải nghiệm thông thường, như chính cái tên “Hóa học xúc tác yêu thương”, ngoài kiến thức và trải nghiệm, dự án còn tạo ra phản ứng xúc tác kết tủa tình yêu thương, chung tay trong cộng đồng. “Cũng là sáng tạo, trải nghiệm trong môn học nhưng thay vì cho học sinh trải nghiệm, sáng tạo ra vài sản phẩm chỉ để cho vui xong rồi thôi, tôi mong muốn các em tạo ra giá trị cho cộng đồng ngay từ những kiến thức trong sách vở mà các em được học. Và sự yêu thương ấy không gì hơn là các em giúp đỡ ngay chính bạn bè mình”, cô Việt Phương chia sẻ.

Ngay sau khi học xong kiến thức chương Este lipit trong chương trình hóa học lớp 12, 15 lớp 12 trong trường được học thêm 1 tiết hướng dẫn về quy trình, cách chế tạo dầu dừa do các thầy cô trong tổ bộ môn hóa thực hiện. Kế đó, mỗi lớp được chia thành 10 nhóm, mỗi nhóm có nhiệm vụ sản xuất ra một bộ sản phẩm dầu dừa trong khoảng 2 tuần. Ngoài chất lượng sản phẩm, mỗi nhóm phải quay lại quá trình sản xuất ra dầu dừa. Đồng thời có thêm tờ rơi giới thiệu, quảng bá về sản phẩm của nhóm. Tất cả những yếu tố đó đều là tiêu chí để giáo viên bộ môn đánh giá, cho điểm từng học sinh. “Thay vì phải làm bài kiểm tra toàn công thức, lý thuyết khô khan, thậm chí “khó nhằn” với nhiều học sinh thì chính quá trình các em thực hiện sản phẩm sẽ được giáo viên dùng để chấm điểm kiểm tra, thực hành”, cô Việt Phương cho biết.

Điểm mới trong cách kiểm tra, đánh giá này khiến học sinh vô cùng hứng thú. Tuy nhiên, điều làm các em thích thú hơn cả, theo cô Việt Phương, chính là “chất xúc tác” mà dự án mang lại. Theo đó, các em đều cố gắng tạo ra những sản phẩm thật sự chất lượng để có thể bán được. Bán được đồng nghĩa với quỹ học bổng sẽ nhiều lên và sẽ có thêm nhiều bạn bè khó khăn trong trường được giúp đỡ.

Tuổi nhỏ làm việc nhỏ

Sau một tuần tung ra sản phẩm, dự án đã thu về gần 16 triệu đồng, sản phẩm đã bán gần hết. Dự kiến khi bán hết 150 bộ, số tiền thu về kha khá. “Hôm qua cô trò kiểm tra đơn, gói hàng để giao cho khách đến tận 8 giờ tối. Có nhiều đơn hàng ở Vũng Tàu, Đồng Nai, thậm chí là Cần Thơ xa quá nên dự án không thể giao được. Năm ngoái sản phẩm bán chạy đến mức không còn dầu dừa để giao, đến khi dự án kết thúc rồi vẫn còn nhiều đơn hàng gửi đến”, cô Nguyễn Thị Thắm (giáo viên hóa trong trường) cho hay.

Do ở gần trường nên nhà cô Thắm ngẫu nhiên được biến thành… xưởng sản xuất dầu dừa. Dù đang trong thời gian nghỉ thai sản nhưng cô Thắm vẫn phụ trách nhiệm vụ kiểm tra đơn hàng, trả lời tin nhắn của khách và… đóng gói sản phẩm. “Lắm hôm dầu dừa để ngập lối đi trong nhà. Con bò một góc, mẹ ngồi một góc. Nhiều người trong xóm còn tưởng cô giáo chuyển qua kinh doanh dầu dừa”, cô giáo trẻ cười tươi nói.

“Nhiều người nói sao cho học sinh lớp 12 làm dự án. Với tôi thì ngược lại, học sinh lớp 12 càng phải làm những dự án cộng đồng như thế này, để khi bước ra đời các em sẽ là những người biết thấu hiểu, biết sẻ chia và giàu tình yêu thương…”, cô Đỗ Thị Việt Phương chia sẻ.

Chạy xe đến “xưởng dầu dừa” khi trời vừa nhá nhem tối để nhận thêm đơn hàng mới cho ngày mai, Phạm Tiến Thành (lớp 12C4) khoe cậu vừa hoàn thành đơn hàng cho bạn bè và hàng xóm. “Mệt nhưng mà thấy vui lắm chị. Vì những việc làm nhỏ của mình có thể góp phần nào san sẻ những khó khăn trong cuộc sống mà bạn bè đang gặp phải”, Thành nói trong khi tay thì sắp hàng vào giỏ. Với Thành, được học, được trải nghiệm và làm những điều ý nghĩa từ kiến thức môn học sẽ là hành trang đẹp của năm học cuối cấp.

Không giấu được sự hào hứng khi nói về sản phẩm dầu dừa của nhóm mình, Nguyễn Việt Hoàng (lớp 12C10) kể rằng để tạo ra bộ sản phẩm xinh lung linh này, cả nhóm đã phải chật vật khá lâu khi “dừa cháy đen như sôcôla” ngay trong mẻ đầu tiên. “Làm để bán gây quỹ nên trong mẻ thứ hai, cả nhóm nhắc nhau phải hết sức cẩn thận, không hấp tấp được”, Hoàng nhớ lại. Cậu cho biết, nhờ sự trau chuốt của từng nhóm từ khâu sản xuất cho đến bao bì nên sản phẩm nhận được sự ủng hộ rất lớn từ thầy cô, học sinh trong và ngoài trường. “Em mong nhiều môn học cũng có sự sáng tạo như thế này. Vừa học vừa chơi mà còn tạo ra giá trị cộng đồng, tình yêu thương, chia sẻ”, Hoàng bày tỏ.

Khá tâm đắc với cách học này, Dương Hữu Thắng (lớp 12C3) cho biết để hoàn thiện 1 bộ sản phẩm dầu dừa, mỗi nhóm chỉ mất chi phí khoảng 60 ngàn đồng, tính ra mỗi học sinh bỏ ra chừng 15 ngàn đồng “chưa bằng một ly trà sữa” nhưng đổi lại, điều thu về không chỉ là kiến thức, kỹ năng thực hành, làm việc nhóm mà trên hết là tinh thần tương thân tương ái, giúp đỡ bạn bè. “Nếu chỉ là chiến dịch kêu gọi ủng hộ tiền thì đôi khi người nhận cũng không vui mà người cho cũng không thoải mái. Nhưng việc cụ thể hóa kiến thức thành chính sản phẩm chất lượng và bán gây quỹ thì lại có ý nghĩa hơn nhiều”, Thắng chiêm nghiệm.

Yến Hoa 

Bình luận (0)