Với vẻ ngoài đẹp mắt, hoa hồng sáp được quảng cáo là mặt hàng cao cấp, nhập khẩu từ Nhật Bản, Hàn Quốc. Song thực tế đều là hàng Trung Quốc.
Hoa để 5 ngày không mất mùi
Ngay từ cuối tháng Chín, để “đón đầu” dịp lễ 20/10, những bông hoa hồng sáp đã “làm mưa, làm gió” trên mạng xã hội. Bạn Hữu Đạt (Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội) mô tả: “Hoa hồng sáp này trông khá tự nhiên, không khác nhiều với hình ảnh quảng cáo trên mạng. Nếu không để ý kỹ, nhiều người sẽ không nhận ra đây là hoa giả bởi chú ng có màu sắc bắt mắt và đặc biệt có mùi thơm”.
Nhiều cửa hàng còn gọi đây là hoa hồng xà bông do hoa được làm từ chất liệu xà bông, tan trong nước. Cánh hoa được tạo hình khá mỏng, khi chạm vào có độ lì như đất sét. Điểm khác biệt của loại hoa này, theo chị Phương Khanh, chủ một hàng hoa sáp online là có thể để từ ba đến 5 năm không mất mùi.
Trên thị trường, hoa hồng sáp có nhiều màu sắc, kiểu dáng với đủ mức giá. Hồng sáp nguyên cành giá 30.000- 40.000đ/bông. Hoa hồng sáp trái tim (hoa được xếp trong hộp nhựa hình trái tim) giá từ 95.000 – 450.000đ/hộp
Tại cửa hàng Quà Xinh trên phố Hoàng Mai, Hà Nội, hoa hồng sáp trái tim loại 12 bông có giá 95.000đ/hộp, loại gắn chữ I love you giá 125.000đ/hộp, loại 100 bông giá 425.000đ/hộp… Mặt hàng đang bán chạy nhất hiện nay là những bó hồng sáp được xếp trong hộp giấy vuông vức, sang trọng, giá dao động từ 350.000-650.000đ/bó.
Hoa hồng sáp có vẻ ngoài rất đẹp |
Càng thơm lâu, càng độc hại
Với vẻ ngoài đẹp mắt, hoa hồng sáp được quảng cáo là mặt hàng cao cấp, nhập khẩu từ Nhật Bản, Hàn Quốc, chất lượng đảm bảo, an toàn. Tuy nhiên, khi có mặt tại một cửa hàng hoa trên phố Bà Triệu (Q.Hoàn Kiếm), PV ghi nhận hàng trăm hộp hoa hồng sáp vừa được tháo dỡ khỏi những kiện hàng chằng chịt chữ Trung Quốc.
Nhân viên cửa hàng lảng tránh khi được hỏi về nguồn gốc của loại hoa này. Trên các hộp hoa, tuyệt nhiên không có thông tin, nhãn mác, thành phần, nhà sản xuất… Chủ một cửa hàng chuyên bán hoa hồng sáp tại Q.Hoàng Mai thừa nhận:
“Hầu hết các cửa hàng đều quảng cáo hoa nhập khẩu từ Nhật Bản, Hàn Quốc song thực tế đều là hàng Trung Quốc. Loại hoa này “rộ” lên ở Trung Quốc từ năm 2013. Tới năm 2014, một số cửa hàng nhập về bán nhưng số lượng lẻ tẻ, không phổ biến như năm nay”
PGS-TS Trần Hồng Côn – giảng viên khoa Hóa học Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, có hàng ngàn loại chất để tạo màu và tạo mùi cho sản phẩm. Tuy nhiên, do mùi hương tự nhiên giá thành rất đắt đỏ nên nhiều doanh nghiệp sử dụng hương liệu nhân tạo để giảm chi phí.
TS Trần Hồng Côn cảnh báo, NTD phải hết sức thận trọng với sản phẩm có mùi hương nhân tạo không rõ nguồn gốc, thành phần: “Để tạo ra các sản phẩm rẻ tiền, lợi nhuận cao, hầu hết các doanh nghiệp đều sử dụng hóa chất công nghiệp tạo hương như aldehyde, cetol… Các chất này có hàm lượng tạp chất cao.
Bản thân các hoạt chất không gây ảnh hưởng mà tác hại chủ yếu nằm ở tạp chất. Ví dụ, chất độc da cam vốn là một loại hóa chất diệt cỏ. Bản thân hoạt chất diệt cỏ không gây hại tới sức khỏe nhưng vì được sản xuất theo công nghiệp, thuốc có chứa 5-10% tạp chất dioxin. Đây mới là nguyên nhân làm nó trở thành chất độc gây chết người”.
Ngoài chất tạo mùi, theo PGS-TS Trần Hồng Côn, người ta phải sử dụng thêm các loại chất định hương để giữ mùi trên sản phẩm. Một số chất như huyền phù, tạo keo trong công nghiệp có khả năng định hương rất tốt nhưng độc hại, có thể tác động trực tiếp tới hệ thần kinh của con người, gây nhức đầu, căng thẳng… Nói chung, càng thơm lâu thì càng độc hại.
Theo H. Anh/ PNO
Bình luận (0)