Hoa hồng đỏ và trắng thường được dùng làm thuốc. Về dược tính, hoa hồng là một vị thuốc thơm mát, không độc. Theo y học cổ truyền, hoa hồng có vị ngọt, tính ấm, tác dụng hoạt huyết, điều kinh, tiêu viêm, tiêu sưng. Hoa hồng đã dùng để chữa bệnh từ rất lâu đời.
Loại hoa hồng đỏ (mai khôi hoa) dùng làm huyết mạch lưu thông, chữa kinh nguyệt không đều, đau ở vùng bụng dưới, vết sưng tấy, đinh nhọt và viêm mủ da, bệnh bạch cầu. Loại hoa hồng trắng (hồng bạch) chứa nhiều vitamin, đường, tinh dầu, dùng chữa ho trẻ em rất công hiệu, còn có tác dụng nhuận tràng.
Dưới đây là một số bài thuốc từ hoa hồng
Chữa ho trẻ em: Lấy cánh hoa hồng trắng còn tươi, một quả quất chín (bỏ cuống), 1/2 thìa đường hoặc mật ong. Cho tất cả vào chén nhỏ, hấp cơm hoặc chưng cách thuỷ. Đem ra nghiền nát, trộn đều rồi gạn lấy nước cho trẻ uống nhiều lần trong ngày.
Chống táo bón: Hoa hồng trắng còn tươi hoặc khô 20-40g, hãm với 100ml nước sôi trong 15 -20 phút, thêm 1/2 thìa mật ong hoặc đường, uống 2 -3 lần trước bữa ăn.
Cầm máu, chữa băng huyết: Lấy hoa hồng đỏ mới nở 20-30g ngâm với 1 lít nước hoà với 50g đường khuấy đều. Mỗi lần uống 200ml, uống cho đến khi cầm mới thôi.
Chữa rộp lưỡi, loét lợi, lở miệng: Ngâm bột hoa hồng đỏ 5g với 25ml rượu trắng trong 24 giờ. Đun nhỏ lửa cho rượu bay hơi, đến khi còn sền sệt thì cho thêm 30g mật ong vào đun nhẹ, khuấy đều rồi để nguội. Dùng tăm bông sạch thấm thuốc bôi vào chỗ đau, ngày 2 – 4 lần.
Tắm hoa hồng: Hoa hồng sau khi cắm xong, bứt lấy nguyên cánh cho vào nước đun sôi. Lấy nước đó pha tắm, kiên trì da sẽ mịn màng, tươi mát.
Chữa ho, thổ huyết, cấn khấu lỵ, đau đầu do can vị bất hòa: Hoa hồng tươi 50g hấp với 20g đường phèn uống sáng, trưa, chiều, tối.
Chữa thổ huyết, ngực và sườn dưới đau tức: Dùng 300 đoá hồng nấu thành nước đặc, lọc bỏ bã cô thành cao (cho thêm 0,5kg đường phèn). Sáng tối dùng 30ml cao hoà tan vào nước sôi để uống.
Lương y Hoài Vũ (SK&ĐS)
Bình luận (0)