Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Hoa nghĩa tình nở trong mùa dịch

Tạp Chí Giáo Dục

TPHCM đang dồn sức chống dịch Covid-19, các khu vực bị phong tỏa cách ly y tế nhiều hơn, các chốt chặn cũng được tăng cường thiết lập. Trong bối cảnh đó, rất nhiều tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, nhiều thành phần trong xã hội đã san sẻ vật chất và cả tấm lòng, cùng chung tay góp sức đưa thành phố vượt qua dịch bệnh.

Bữa ăn đậm nghĩa đồng bào
Hơn một tháng nay, TPHCM thực hiện giãn cách xã hội lần thứ hai. Đều đặn ngày hai bữa, trước cửa nhà hàng chay Mãn Tự (số 201 đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1) mọi người luôn xếp hàng ngay ngắn, giữ khoảng cách an toàn để nhận cơm từ thiện. Đến nhận cơm là người già, trẻ nhỏ bán vé số, người đạp xích lô, người khuyết tật, nhân viên bảo vệ…
Ngoài phát tại chỗ, nhà hàng còn chuyển thêm vài trăm phần cơm đến các điểm cách ly ở quận 1 và quận 3. Chị Đỗ Thị Ngọc Phượng (chủ nhà hàng Mãn Tự) cho biết, mỗi ngày, nhà hàng chuẩn bị hàng ngàn suất cơm, nhu yếu phẩm hỗ trợ bà con ở các điểm phong tỏa.
Giữa cái nắng tháng 7 oi bức, tình nguyện viên nhóm “Từ trái tim đến trái tim An Bình An” (phường 8, quận Phú Nhuận) đeo khẩu trang kín mít, áo ướt mồ hôi, tất bật chuẩn bị gần 1.000 suất cơm nóng sốt gửi đến bà con ở các khu cách ly, bệnh viện và người cơ nhỡ. Thành viên nhóm đa phần là các cô bác đã về hưu, dành phần lớn thời gian tham gia hoạt động thiện nguyện. 
Hoa nghĩa tình nở trong mùa dịch ảnh 1
Thành viên nhóm “Từ trái tim đến trái tim An Bình An” chuẩn bị những phần cơm nóng sốt cho người dân ở các khu phong tỏa, bệnh viện
Trước cửa quán ăn chuyên món Nhật ở số 62B đường Bà Hom (phường 13, quận 6), hơn một tuần nay xuất hiện tấm biển ghi dòng chữ “hàng tặng shipper, không bán, mỗi người một phần nhé!”. Mỗi bữa, quán dành 30-40 phần cơm miễn phí, đổi món mỗi ngày, tặng những tài xế giao hàng, người bán vé số, nhặt ve chai, chạy xe ôm… 

Tương tự là sự có mặt của tủ bánh mì “tương thân, tương ái” tại địa chỉ 542 đường Trần Hưng Đạo (quận 5). Cứ 16 giờ mỗi ngày, trong tủ lại có 150 ổ bánh mì nhân thịt được gói cẩn thận, xếp gọn gàng. Hôm khác là bánh bao, bánh giò, xôi mặn. Đó là sự chia sẻ của tập thể Công ty Tiến Phước với những người lao động khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Bà Lê Thị Toàn (54 tuổi) hàng ngày bán vé số ở khu vực này, cứ chiều chiều lại ghé lấy một ổ để “ấm bụng” tiếp tục đi bán. Vất vả mưu sinh bằng nghề bán hàng rong, bán vé số, nhặt phế liệu, chạy xe ôm…, thu nhập vốn ít ỏi còn bị giảm sút do dịch bệnh, một hộp cơm, ổ bánh mì, cái bánh bao đối với người nghèo là món quà thiết thực, thấm đẫm tình người.
Nhiều hình thức chung tay
 Trong thời gian cao điểm phòng chống dịch Covid-19, nhiều mô hình mang ý nghĩa nhân văn như “gian hàng 0 đồng”, “ATM gạo”, “ATM thực phẩm”, “ATM lướt ống”, “tủ lạnh Thạch Sanh”… đã phát huy và lan tỏa tinh thần yêu thương, đùm bọc, nhường cơm sẻ áo của người dân TPHCM. 
“Siêu thị mini 0 đồng” tại Nhà Văn hóa – Thể thao phường Hiệp Bình Phước (TP Thủ Đức) cung cấp miễn phí cho người dân khó khăn hơn 60 mặt hàng nhu yếu phẩm và vật dụng y tế. Đây là một trong chuỗi hoạt động “Vòng tay Việt” do Sở Công thương TPHCM phối hợp Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, Trung tâm Hỗ trợ thanh niên công nhân TPHCM (YEAC), Hội Nữ doanh nhân TPHCM (Hawee) và Công ty CP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) thực hiện. Theo đó, mỗi hộ gia đình khó khăn trên địa bàn phường Hiệp Bình Phước sẽ nhận 3 tấm vé nghĩa tình, trị giá 200.000 đồng/vé, để mua hàng.
Anh Trương Huy Mân, Bí thư Đoàn phường Hiệp Bình Phước, cho biết, hiện phường có khoảng 200 hộ nghèo, cận nghèo. “Siêu thị mini 0 đồng” đã san sẻ phần nào gánh nặng, giúp người lao động an tâm hơn trong giai đoạn khó khăn hiện tại.
Góp phần vào hoạt động trợ giúp lẫn nhau của người dân TPHCM còn có đội xe bán tải tình nguyện do một số anh em kết nối. Mỗi ngày, đội phân thành nhiều nhóm, đưa hàng hóa tỏa đi các nơi đang cần trên khắp địa bàn thành phố. Mọi chi phí xăng dầu, ăn uống trong lúc đi lại, các anh đều tự trang trải.
Anh Đặng Hoàng Ân (45 tuổi, nhà ở huyện Bình Chánh), một thành viên đội xe, cho hay: “Đến nơi nào tôi cũng cảm nhận được tinh thần hỗ trợ của mọi người, có khi cả y, bác sĩ cũng chẳng ngại ngần xắn tay khiêng vác, vận chuyển hàng. Quá trình đưa hàng vào những nơi có nguy cơ lây nhiễm cao, anh em trong nhóm đều mặc trang phục bảo hộ, tuân thủ nghiêm quy định phòng chống dịch để bảo vệ bản thân và cộng đồng. Chúng tôi mong những nỗ lực của mỗi cá nhân sẽ làm nên sức mạnh để thành phố vượt qua dịch bệnh”.
MINH NGHĨA (theo SGGP)

Bình luận (0)