Khi du học đang ngày càng trở thành trào lưu, không chỉ ở các đô thị lớn mà còn dần phổ biến ở những vùng quê thì vấn đề du học sinh quan tâm là làm sao để có thể hòa nhập ở xứ người, tránh sự tự ti, cô lập khi một mình nơi đất khách.
Du học sinh Việt Nam tại ĐH Florida (bên trái hàng đầu) đến trường cùng sinh viên quốc tế |
Chuẩn bị tâm lý “mất mát” nơi xứ người
Kim Anh, du học sinh tại ĐH Quốc tế Florida – Mỹ (từng có thời gian trong năm đầu tiên chán nản vì không thể hòa nhập được với môi trường bản địa) chia sẻ rằng, để hòa nhập nhanh khi đi du học, trước tiên du học sinh cần phải chuẩn bị sẵn sàng tâm lý rằng “mình chẳng là gì, mình cần phải mở lòng để hòa nhập”. Chuẩn bị tâm lý mất mát, hụt hẫng, một mình nơi xứ người để không cảm thấy tổn thương hay dễ xúc động. “Nếu bạn nghĩ du học là một thiên đường mà ở đó, bạn tha hồ làm chủ cuộc sống của mình và có thể sắp xếp làm cái này, làm cái kia thì bạn đã nhầm. Những ngày tháng đầu tiên ở xứ người hết sức khó khăn. Nếu như bạn không có một tâm lý ổn định, không có sự hòa nhập thì xung quanh bạn chỉ là khoảng trống không. Lúc đó, bạn chỉ muốn bỏ tất cả để về nhà” – Kim Anh cho biết.
“Để du học thành công, bạn phải trang bị cho mình kiến thức khoa học, ngoại ngữ, địa lý, lịch sử, văn hóa, đặc biệt là pháp luật và giáo dục của nước bạn chuẩn bị đến để hòa nhập nhanh hơn. Qua đó tránh các cú sốc không cần thiết”, một chuyên viên tư vấn du học ở Hà Nội nói. |
Bên cạnh việc trang bị cho bản thân một vốn ngoại ngữ đủ để giao tiếp hàng ngày, đủ để hòa nhập và hiểu người bản địa nói gì, văn hóa cũng là một cách tiếp cận để du học sinh dễ hòa nhập hơn. “Nếu không có khả năng ngoại ngữ thì bạn sẽ không bao giờ hòa nhập được với môi trường mới. Khi đó bạn thấy mình bị cô lập hoàn toàn nơi đất khách quê người. Trước đây tôi cũng có một người bạn phải dừng học trở về nước vì vốn ngoại ngữ ít ỏi” – Lê Khuyên, du học sinh tại ĐH Bordeaux 1 – Pháp, chia sẻ.
Còn chị Laura (thành viên câu lạc bộ nói tiếng Anh tại Master’s cup) không ngần ngại gọi đó là “sốc văn hóa”. Theo chị, những bạn rơi vào tình trạng này thể hiện rõ qua việc ăn uống, phương pháp học, tư duy suy nghĩ. Do những hạn chế đó dẫn đến không chỉ việc học hành bị rơi vào bế tắc mà ngay cả mục đích quyền lợi của bản thân cũng thất bại.
Lấy “nỗi nhớ” làm động lực học tập
Khi còn ở Việt Nam, bạn được sống trong vòng tay chăm sóc, đùm bọc của gia đình, người thân. Nhưng khi đặt chân đến môi trường du học, bạn không có bạn bè, người thân, không biết đi đâu, chắc chắn sẽ cảm thấy cô đơn, nhớ nhà. Lời khuyên đặt ra là bạn nên cố gắng tạo mối quan hệ với bạn bè xung quanh, trong ký túc xá, bạn ở chung nhà, những người hàng xóm, chung trường, chung lớp. “Quan trọng nhất bạn hãy lấy nỗi nhớ đó làm động lực để không ngừng học tập” – Kim Anh khuyên.
Bên cạnh đó, bạn có thể tham gia các câu lạc bộ hay các hoạt động ngoại khóa, qua đó giúp bạn hoàn thiện tính cách của mình hơn và tự tin hơn trong giao tiếp. Chắc chắn bạn sẽ tìm được nhiều niềm vui khi sống ở môi trường mới. Ngoài ra bạn nên chủ động kiếm việc làm thêm giúp trang trải phần nào chi phí du học, nó còn giúp nâng cao tính cách độc lập, tự chủ về tài chính. “Tuy nhiên, hãy xem xét kỹ luật pháp của nước bạn du học có được làm thêm hay không để tránh mắc phải những sai lầm đáng tiếc” – Lê Khuyên cho hay.
Yến Hoa
Bình luận (0)