Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Hoa nở trên đá

Tạp Chí Giáo Dục

Đường lên làng đá
Nằm ở phía bắc của tỉnh Phú Yên có một làng mang tên làng Đá Đen. Bao năm nay, người dân làng đá đã đổ biết bao mồ hôi cho cuộc hành trình chinh phục… đá để xây dựng làng trở thành làng hiếu học.
Từ hàng ngàn hecta đồi trọc khô cằn bởi sỏi đá, nhờ bàn tay cần mẫn của người làng đá mà nay mảng xanh đã phủ đất trống, góp phần hạn chế thảm họa của thiên tai.
Làng Đá Đen hiếu học
Thôn Cần Lương, xã An Dân, huyện Tuy An những năm gần đây còn có một tên gọi khác: Làng Đá Đen. Để tìm hiểu tại sao có tên làng Đá Đen, chúng tôi tìm gặp ông Nguyễn Văn Cường, bậc cao niên nhất làng. Ông Cường cho biết, làng Đá Đen tọa lạc trên triền núi nằm bên quốc lộ 1A. Những năm 80, nhà cửa thưa thớt. Về sau, người dân sống ở vùng trũng, cám cảnh mưa lũ đã di tản lên triền núi. Và để giữ đất không bị xói mòn, người dân đã đào lấy đá đen xung quanh che chắn. Người đi đường thấy trước mặt nhà ai cũng có đá đen nên quen mắt, quen cách gọi, từ đó có tên làng Đá Đen.
Điều đặc biệt, từ đá sẵn có xung quanh nhà, người dân đã “thiết kế” ngôi nhà đá vừa lạ mắt vừa mang đậm nét cổ kính. Từ ngõ lên nhà (từ mặt đường lên núi), chúng tôi đi qua con đường đá được sắp đặt khá công phu. Từng khúc cua ngoằn ngoèo, lối rẽ gấp nhưng trông tự nhiên, rất mềm mại không lộ chút thô thiển. Trước mặt nhà ở làng Đá Đen thường có những thửa đất nhỏ, ranh giới là bậc thềm đá tương tự như ruộng bậc thang ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Ở thửa đất đó, chủ nhân của nó có thể trồng hoa, rau, bắp… Bên cạnh những luống rau xanh um bao giờ cũng có một cái giếng. Để có một cái giếng như vậy, phải mất ba người cho cả tháng ròng. Sau khi đào đất, đá lên, sử dụng những khối đá đào được chất tròn xung quanh từ đáy lên khỏi mặt đất. Giếng cho nước ngọt trong vắt và mát lạnh quanh năm. Người đi làm rẫy về thường ghé vào nhà dân làng Đá Đen để xin một ngụm nước giếng đá cho mát ruột gan. Ngay cả sân phơi trước nhà cũng được lát bằng đá đen. Gia đình nào có điều kiện thì mua xi măng trám các khe hở. Nhà nào khó khăn thì sử dụng đất sét nhồi trét vào. Nhưng đa số các hộ gia đình đều sử dụng đất sét để hạn chế ánh nắng hắt vào nhà.
Những năm gần đây, quốc lộ 1A đoạn đi qua làng Đá Đen bị sạt lở nặng nên giải pháp để hạn chế mà các cơ quan chức năng địa phương đưa ra là sử dụng đá đen có được ở triền núi làm “tường chắn”. Chạy dọc theo chân núi là hàng trăm chiếc rọ sắt to chứa đá đen. Có ý kiến cho rằng, khai thác đá đen tại chỗ để làm “tường chắn” chẳng khác nào gây tình trạng sạt lở nặng thêm. Nhưng đó là một giải pháp hay bởi từ nhiều năm nay, nếu không có những chiếc rọ sắt cản nước lũ ào ạt đổ về thì không biết hậu quả sẽ như thế nào?
Nếu như trước đây, con em làng Đá Đen học hết lớp 5, lớp 7 thì nghỉ học ở nhà chăn bò, làm việc đồng áng thì nay làng đã dẫn đầu về thành tích học tập của xã. Không phải ngẫu nhiên mà ông Nguyễn Văn Tường, cán bộ Hội khuyến học xã An Dân đưa chúng tôi xem danh sách cựu học sinh đỗ đạt, thành tài xuất thân từ làng Đá Đen. Ở đó có gia đình ông Nguyễn Văn Thọ. Gia đình làm nông nhưng 5 con đều học hành đến nơi đến chốn. Trong đó có hai người hiện là giáo viên trung học, ba người còn lại đang theo học CĐ-ĐH. Cách nhà ông Thọ không xa, căn nhà vách đất thấp tè rệu rã ấy sắp tới đây có hai bác sĩ và một kỹ sư chế tạo máy… Ông Tường bộc bạch: “Người dân làng đá nghèo cái ăn, cái mặc nhưng giàu tri thức. Đó là niềm tự hào của lớp người có công biến sỏi đá thành cơm”.
Màu xanh trên đá
Nằm khuất bên bìa con dốc lên làng, hướng về phía mặt trời lặn cách đây khoảng 10 năm chỉ lác đác vài căn chòi nhưng nay đã có trên 40 căn nhà mái ngói, tường vôi hẳn hoi. Ông Nguyễn Văn Hiệu, Chủ tịch UBND xã An Dân tự hào: “Đời sống bà con đổi thay từng ngày. Miếng cơm manh áo, chiếc xe gắn máy, căn nhà khang trang mà bà con có được là nhờ sự cần cù, đánh vật với đá”. Chuyện người dân ở làng đá cải tạo đất để trồng trọt cũng là một kỳ tích thật đáng khâm phục. Cái ngày ông Nguyễn Văn Bảy từ miền xuôi lên núi dựng chòi phát rẫy, ai cũng bảo ông già hâm, ai đời lại bỏ phố lên rừng. Ông Bảy vẫn bỏ mặc những lời đàm tiếu. Nhà nghèo không có gạo ăn, thế nên giải pháp lấy ngắn nuôi dài trước tiên của ông Bảy là phát rẫy đến đâu tỉa bắp đến đó. Bắp trổ cờ ông Bảy lại bắt đầu một cuộc hành trình mới. Cuộc hành trình chinh phục… đá. Thế là ông lại về xuôi, tìm đến thợ rèn luyện cho một cây xà beng để bứng đá núi. Những khối đá to nhô lên trên mặt đất, ông không bứng nổi thì tạo thế để đưa lên rồi lăn chất thành hàng dài để giữ đất. Nhìn những khối đá được chất vuông vức, thẳng tắp không ai có thể tin nổi đó là thành quả của một người đàn ông tuổi đã ngoài ngũ tuần. Ông Bảy bảo: “Đến bây giờ tôi cũng không tin mình đã làm được như vậy. Cứ tảng đá nào lớn thì tôi đặt bên dưới, đá nhỏ sắp lên trên. Tôi làm bất kể giờ giấc, ngày nắng quá không làm nổi thì đợi đến đêm. Có đêm từ lúc trăng mọc đến khi trăng lặn thì làm được hơn mười mét”. Mỗi vuông đất rẫy đang trồng bắp, ớt, chuối, đu đủ… của ông Bảy có diện tích khoảng 1.000m2. Và hiện ông Bảy sở hữu 30 vuông hoa màu đang chuẩn bị mùa thu hoạch. Ngoài ra, trong các vuông đất, ông Bảy còn cho trồng các loại cây công nghiệp dài ngày để giữ đất không bị xói mòn. Với cách làm của ông Bảy, chính quyền địa phương rất hài lòng bởi làm kinh tế nông lâm nghiệp hiệu quả, chú trọng đến yếu tố bảo vệ môi trường. Hỏi chuyện thu nhập, ông Bảy cười tít mắt, nụ cười hạnh phúc và mãn nguyện. Nụ cười có màu xanh của cây lá. Nụ cười của sự đổi thay ở vùng đất một thời cằn khô.
Cuộc hành trình chinh phục… đá của ông Bảy được bà con hưởng ứng. Nhiều người còn khăn gói lên núi sau làng tìm ông Bảy để tầm sư… học trồng rừng. Trong số ấy có chàng thanh niên người địa phương 27 tuổi Nguyễn Tuấn Phú. Sau gần một năm cải tạo, chỉnh trang đất, nay Phú đã có một vườn ươm cây giống các loại với diện tích gần 2 hecta. Cũng chẳng kém gì ông Bảy, trung bình mỗi năm, sau khi trừ chi phí, vườn ươm của Phú đã mang lại lợi nhuận không dưới 70 triệu đồng. “Nghị lực là yếu tố số một để đi đến thành công. Lúc đó mình cứ nghĩ, một người đàn ông ngoài 50 tuổi mà còn ngày đêm chuyển từng khối đá chất thành luống cao, mình trai trẻ sao lại không làm được. Có những hôm làm kiệt sức, nhiều lần nghĩ đến chuyện bỏ cuộc nhưng hình ảnh ông Bảy cần mẫn sớm khuya cứ thôi thúc tôi” – Phú chia sẻ về sự thành công của mình.
Chia tay làng đá khi nắng đã ngả về chiều. Độ tuần sau, giọng xứ Nẫu của ông Bảy oang oang qua điện thoại: “Chú nhà báo ơi, mấy bữa nay ớt, bắp, chuối… cái gì cũng tăng giá lại được mùa, bà con phấn khởi lắm”. Với bà con nhà nông mình, tăng giá, được mùa là chuyện hiếm có. Nghe vậy tôi thấy lòng lâng lâng.
Bài, ảnh: Trần An

Hiện nay, ở làng Đá Đen có trên 50% hộ gia đình đã kết nối internet. Không chỉ phục vụ việc học tập của con cái mà các bác nông dân cũng thỏa thích tìm kiếm tài liệu, chia sẻ kinh nghiệm trồng trọt cùng các chuyên gia…

 

Bình luận (0)