Khi những cánh phượng cuối mùa lưa thưa giữa tán lá đang lên xanh mơn mởn. Khi dàn nhạc ve sầu bắt đầu thiếu những nhạc công; chúng tôi, tuổi ăn chưa no, lo chưa đến lại chuẩn bị cuốn tập, cây bút và chờ ngày khai giảng. Mùa khai trường năm ấy, lớp 12 của tôi có một nữ sinh mới. Và nữ sinh ấy cũng rất đặc biệt. “Bạn” hơn chúng tôi 13 tuổi, tức là vừa tròn 30. “Bạn” bị mất cánh tay phải nên viết bằng tay trái. Rất nắn nót nên nét chữ của “bạn” rất đẹp rất bay bướm. Chăm học, chú ý nghe giảng, làm nhiều bài tập nên nữ sinh đặc biệt ấy luôn luôn là học sinh giỏi, dẫn đầu lớp. Lần ấy giờ ra chơi tôi may mắn được ngồi bên “bạn”. Và may mắn hơn, tôi được nghe “bạn” kể vì sao trở thành một học sinh “già”.
Vào tuổi bẻ gãy sừng trâu, chị là học sinh lớp 11 của một trường danh tiếng nhất thị xã. Nghỉ hè, chị về thăm quê ngoại. Những dòng sông con rạch, những mái nhà lá đơn sơ, cánh đồng lúa vàng sắp đến ngày thu hoạch… nơi nào cũng có dấu đạn bom. Mấy ngày ở quê ngoại, ai cũng lo cho chị, nơi mũi tên hòn đạn, nơi sống chết hiểm nguy. Nhưng với chị, niềm vui cứ nhân lên. Chị tự hào cùng những dòng sông con rạch đã đi vào lịch sử chống ngoại xâm. Chị được nghe những câu chuyện đẹp như huyền thoại. Chuyện kể về nữ liệt sĩ anh hùng tuổi mới đôi mươi. Chuyện cụ già, em bé dùng mưu cướp súng giặc giết giặc. Chuyện những phụ nữ quanh năm miệt mài với ruộng lúa đồng khoai, nay hăm hở kéo nhau lên quận bắt kẻ giết người phải đền nợ máu. Tên quận trưởng đã phải ký vào biên bản và hứa sẽ phạt đám pháo binh vừa bắn vào làng. Chị thấy yêu quá quê ngoại đang bị đạn bom quân thù cào xới. Yêu quá những con người được gọi là Cộng sản… Chị muốn góp phần nhỏ bé của mình cùng với quê hương. Và chị đã được toại nguyện: đầu quân vào tiểu đoàn của tỉnh. Học khóa y tá cấp tốc, trở về đơn vị chị xông xáo, chị tận tình yêu thương chăm sóc thương binh. Để bảo vệ thương binh, nhiều lần chị cầm súng chiến đấu như những chiến binh thực thụ. Hàng chục trận chiến đấu ác liệt, hàng chục tên giặc gục ngã trước mũi súng của chị… Trong những trận đánh đó, chị đã gửi lại chiến trường một cánh tay. Sau ngày miền Nam giải phóng, chị vẫn cùng đồng đội gìn giữ biên giới Tây Nam, bảo vệ quê hương. Mấy năm sau chị chuyển ngành về công tác ở một đơn vị làm kinh tế. Bắt tay vào công việc đầy mới mẻ, chị giật mình. Văn hóa còn yếu, trình độ còn non, không thể chỉ nhiệt tình mà hoàn thành nhiệm vụ. Và chị đã đi học. Vừa học vừa công tác…
Hôm qua, tôi gặp chị trong lễ phát học bổng. Vẫn nụ cười tươi, vẫn nhiệt tình xông xáo, dẫu tuổi chị đã vào ngưỡng ngũ tuần. Nhắc lại những ngày xưa chung lớp, chị cười: “Mình như cánh phượng hồng nở muộn hả Thanh?”. Tôi cũng vui lây: “Cánh phượng hồng nở muộn đã là giám đốc một công ty thành đạt. Có phải yêu hoa phượng nên năm học nào chị cũng dành hàng trăm suất học bổng cho học sinh nghèo hiếu học?”. Chị cười thật tươi: “Chỉ mong sao tất cả các em đều thành đạt…”.
Bùi Kim Thành
Bình luận (0)