Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Hoa Phượng làm “Lục Vân Tiên”

Tạp Chí Giáo Dục

Soạn giả tài danh Hoa Phượng tính tình hiền lành, đặc biệt là có duyên kể chuyện hài hước, châm biếm. Ông dễ gần với mọi người, rất rạch ròi giữa kẻ tiểu nhân với người quân tử. Chính vì thế, nghệ sĩ cải lương không những phục ông về tài năng viết kịch bản, mà còn nể nhân cách của ông trong cuộc sống đời thường. Khoảng cuối năm 1973, Hoa Phượng là tác giả thường trực của Đoàn cải lương Kiên Giang. Lần đó đoàn về diễn tại Đà Nẵng. Một buổi sáng, đang ngồi uống cà phê tại một quán lá ven đường, gần chỗ đoàn hát, bất ngờ ông gặp một gã đàn ông bặm trợn đến hành hung đôi vợ chồng nghèo buôn bán lẻ, không có tiền nộp thuế cho hắn theo luật giang hồ. Bất bình, ông đến can thiệp. Hoa Phượng nói: “Làm người sao lại ức hiếp người nghèo, sức yếu thế cô, không đáng mặt anh hùng hảo hán”. Tên côn đồ sừng sộ lên: “Mày là thằng nào mà dám can thiệp vào chuyện của tao?”. Hắn nói chưa dứt lời, bất ngờ bị Hoa Phượng giáng cho một tát tai nổ đom đóm. Không kịp để cho hắn hoàn hồn, ông dõng dạc nói luôn: “Tao là soạn giả Hoa Phượng ở Đoàn cải lương Kiên Giang đang hát ở đây, nếu mày không phục thì đến gặp tao. Từ nay nên bỏ thói côn đồ kia đi”. Nói xong ông bỏ đi, tên côn đồ ngơ ngác, không ngờ một người nhỏ con dám tát tai mình. Hắn nguyên là thương phế binh, đang bảo kê, thu tiền những người làm ăn quanh khu vực này. Mọi người hay chuyện lo sợ vì Hoa Phượng dám đụng đến hắn. Họ khuyên ông nên trốn đi, ông vẫn thản nhiên, nói mọi người đừng lo. Còn tên côn đồ bị ăn đòn nên rất cay cú, tìm cách hỏi Hoa Phượng là ai? Khi biết Hoa Phượng đánh mình chính là Hoa Phượng trong liên danh Hà Triều – Hoa Phượng. Hắn nhớ cả gia đình cha mẹ ruột, cha mẹ vợ và vợ chồng hắn đều mê các tuồng cải lương như Nửa đời hương phấn, Con gái chị Hằng, Tấm lòng của biển… Hắn gặng hỏi nhiều lần có phải đó là Hà Triều – Hoa Phượng lừng danh không? Mọi người nói đúng như vậy. Hắn hí hửng ra chợ mua một con gà luộc, một ít trái cây đem đến đoàn hát xin gặp Hoa Phượng tạ lỗi. Sẵn dịp, Hoa Phượng cảm hóa tên côn đồ này, nên sống bằng nghề lương thiện, đừng hiếp đáp dân nghèo nữa. Tên côn đồ hứa hoàn lương và xin được phép gọi Hoa Phượng bằng sư phụ. Quả nhiên từ đó, anh ta thật sự thay đổi trở thành một người làm ăn đàng hoàng, gặp ai anh ta cũng khoe: “Thầy tôi là soạn giả Hoa Phượng, nhờ ông mà tôi thành người tốt…”. Năm đó, Hoa Phượng tròn 40 tuổi. Sau khi nhắc lại chuyện xảy ra, ông cho biết “Thiệt ra khi ấy quá bức xúc trước cảnh bất công nên tôi phải làm thế và chấp nhận hậu quả. Nhưng rồi nghĩ lại, mình làm đúng và tin là mình có đủ cách để hóa giải chuyện dữ ra lành”. Lúc sinh thời, ông luôn căn dặn các soạn giả trẻ: “Người cầm viết phải có dũng khí chống lại cái ác, cái xấu. Kẻ xấu luôn sợ người ngay, người tốt…”.
(Ghi theo lời kể của nhà thơ Kiên Giang)
H.THANH

Bình luận (0)