Y tế - Văn hóaThư giãn

Hoa pơ lang

Tạp Chí Giáo Dục

Thầy giáo Đinh Nai Thương có một tiết thao giảng ở lớp 8A. Bài “Phép cộng các phân thức đại số”.

Kiểm tra bài cũ, thầy gọi hai người lên bảng. Một học sinh trả lời quy tắc cộng các phân số, một học sinh khác lên làm bài tập quy đồng mẫu thức. Ý định của thầy là giữ lại kết quả bài tập trên bảng để vào bài học mới. Cô bé trả lời lý thuyết khá trôi chảy. Cậu làm bài tập đứng chôn chân tại chỗ. Học sinh dân tộc miền núi bỏ cặp sách xuống là theo cha mẹ lên rẫy, có ai chịu học hành gì đâu. Chết thật. Thế này thì “cháy giáo án” mất thôi. Thầy nhìn xuống hai dãy ghế giáo viên ngồi dự. Cô tổ trưởng tổ tự nhiên mỉm cười chờ đợi xem Đinh Nai Thương giải quyết tình huống này thế nào. Phải gọi một học sinh khác lên “chữa cháy” thôi. Chà! Giờ mà có thằng Yang Danh thì hay biết mấy. Cậu chỉ ngoáy một loáng là xong ngay. Yang Danh là đứa học trò giỏi nhất lớp. Cậu bị bệnh nên hay bỏ tiết. Đôi môi Yang Danh lúc nào cũng xám ngoét, thâm sì. 

Tiết toán kết thúc không được như ý. Cô bé cầm cuốn sổ ghi đầu bài đưa lên bàn cho thầy giáo ký. “Bạn Yang Danh lại bị sốt rét hở em ?” –  Đinh Nai Thương hỏi. 

Cô bé trố mắt tròn xoe nhìn thầy giáo ngạc nhiên: “Thầy giáo không biết a! Hôm nay thằng Yang Danh phải ở nhà để xem mẹ nó bóp cổ em nó đấy”.

Thầy Đinh Nai Thương buông rơi cái bút xuống nền nhà. “Em bảo sao? Sao mẹ nó lại bóp cổ em nó?”. Thầy không hiểu con bé đang nói gì. Thầy gọi thêm một cô giáo nữa rồi chở con bé về làng. Làng Tung Ke ba bề bốn bên là núi đá. Họ phải bỏ xe máy dưới chân dốc để cuốc bộ qua một quả đồi mới vào được làng. Đinh Sang là một người đàn bà dân tộc Ba Na đã góa chồng. Lần trước không biết chị ta có bầu với ai. Dù tra vấn thế nào chị vẫn không khai. Gần đến ngày sinh, họ hàng nhà chồng vây quanh bắt chị ta phải vứt bỏ đứa con. Đứa bé chưa kịp cất tiếng khóc chào đời thì mẹ nó kẹp chặt hai đùi lại bắt nó phải chết. 

Ngôi nhà Đinh Sang lợp tranh đã dột nát. Trước sân, có mấy người đàn ông ngồi xếp bằng bên ghè rượu. Thầy Đinh Nai Thương chắp hai tay lễ phép trước ngực cúi đầu chào họ. Thầy xin phép để cô giáo lên làm bà đỡ cho người phụ nữ. Một người đàn ông già khọm, gầy quắt ở trần đóng cái khố màu cháo lòng nói: “Không được mô. Con Đinh Sang đã về làm ma cái nhà này rồi. Nó không được đẻ đứa con nhà khác giống ra mô. Nó mà đẻ cái đứa nhỏ ra là con ma bắt nó phải chết đó. Con ma bắt hết cả họ này luôn”. Đinh Nai Thương đứng lại để giải thích cho họ hiểu đây là tập tục mê tín dị đoan. Cô giáo leo lên cầu thang để vào nhà. Cầu thang làm bằng cây cà chích ải mục sắp gãy. Sàn nhà được lát bằng một lớp tre lồ ô. Đinh Sang nằm ngửa trên giường. Có mấy người đàn bà vây quanh chờ đợi chị ta. Họ dõi theo từng cử động của người đàn bà khốn khổ. Trên đầu họ, mái nhà dột nát, trời xanh hiện ra từng mảng. Người đàn bà mặt mày nhợt nhạt, tái mét. Mồ hôi vả ra như tắm. Coi bộ chị ta căng thẳng lắm. Nước ối đã vỡ. Cái bụng to cứ phập phồng dưới lớp vải theo nhịp thở. Mấy phụ nữ người nào người nấy hầm hầm giận dữ. Thằng Yang Danh quỳ bên giường mẹ kêu gào thảm thiết. Nó van lạy họ hàng đừng giết chết em nó. Cô giáo của thằng Yang Danh nói: “Mấy bà mà giết chết đứa bé là phạm pháp, phải vào tù đó”. Cô nói vì hủ tục lạc hậu này các bà sẽ phạm vào tội giết người. Một người đàn bà lấy hai tay đẩy vào lưng cô giáo xuống cầu thang. Thầy Đinh Nai Thương giơ tay giữ chị ta lại. Người đàn bà nói oang oang. Khuôn mặt điên dại với cái miệng ngoác to của mụ trông đến dễ sợ.  

Đinh Sang có khuôn mặt dài thuổn, trông chị ta dài dại, ngây ngây. Chị ta hết nhìn Đinh Nai Thương rồi lại nhìn mấy người họ hàng nhà chồng, chẳng biết nên nghe lời ai. Bỗng chị ta rên lên bởi cơn đau dữ dội. Người chị cong lên quằn quại, rồi rú rít từng chặp như tiếng con sói dữ dằn. Mấy người đàn bà hét lên bảo Đinh Sang kẹp chặt hai đùi lại để giết chết đứa bé. Cô giáo cùng thằng Yang Danh phải nắm lấy hai chân chị ta kéo dạng ra. Sau tiếng rú của người mẹ là tiếng khóc oa oa của đứa con. Không kịp cắt rốn, cô giáo bế lấy thai nhi rồi lao xuống cầu thang. Đứa con trai bé tí. Phải đem về trạm xá của xã, hôm sau sẽ chở lên bệnh viện. Mấy người đàn bà nhào theo lấy roi, gậy quất túi bụi vào lưng cô giáo. Một người đàn ông chạy theo định giằng lại đứa bé liền bị Đinh Nai Thương quật ngã xuống đất bấm huyệt, khóa lại. Mấy người kia sợ hãi đứng sững như trời trồng. Thầy Đinh Nai Thương nói ai mà làm như thế là đồng lõa với kẻ giết người. Nếu em bé chết, thầy sẽ đưa tất cả ra tòa án… 

*

*        *

Thầy Đinh Nai Thương cũng từng là nạn nhân của tập tục chôn sống con theo mẹ ở ngoài miền Trung. Ngày đó một tiểu đội biên phòng tuần tra biên giới Việt – Lào thấy một người đàn bà nằm bất tỉnh nhân sự bên bờ suối. Trên lưng bà là một gùi măng, cánh mũi bà vẫn phập phồng, thoi thóp. Khúc suối này cách đồn biên phòng đến ba cây số. Một chiến sĩ xốc bà lên vai và chạy về đồn. Bà bị trúng gió hôn mê, tình trạng sức khỏe rất nguy kịch. Khi y tá đến để chích thuốc thì không bắt ra mạch. Đến tối tim bà ngừng đập. Trong bụng bà, cái thai cứ trồi lên trụt xuống quẫy đạp rất mạnh. Trưởng đồn quyết định mổ mẹ để cứu lấy đứa con. Đó là đứa con trai khỏe mạnh nặng gần ba kí rưỡi. Đồn cử người về các buôn làng thông báo xem ai mất tích để xác định danh tính của người mẹ. Hai ngày sau có một đoàn người Ma Coong tìm đến. Người chồng đòi lại đứa con để đặt vào quan tài chôn sống theo mẹ nó ở ngoài cánh rừng ma. Tộc người này ngày xưa ăn lông ở lỗ. Họ thường sống trên cây hay trong các hang đá. Thức ăn chủ yếu là cây đoác, củ mài, trái cây hay thịt thú rừng. Không có một mảnh vải che thân, họ phải dùng vỏ cây sui để đóng khố. Sau này họ đi lang thang sống dọc theo các khe suối trong rừng già. Họ phát rừng đốt rẫy trồng sắn, trồng ngô. Lúc nào đất cằn cỗi thì bỏ đi. Họ lại chặt cây dựng nhà đốt rẫy nơi ở mới. Những ngôi mộ của người chết được đánh dấu bằng các hòn đá to. Có khi vài chục năm sau những hòn đá cũng bị lãng quên giữa các cánh rừng. Chiến tranh, họ càng lùi sâu vào sát biên giới Việt – Lào. Hết chiến tranh được Nhà nước trợ cấp lương thực, thuốc men chữa bệnh và quần áo nhưng một số người vẫn muốn quay lại cuộc sống hoang dã trong hang…

Đứa con trai người mẹ bất hạnh được cả đồn nuôi dưỡng và chăm sóc. Ai cũng dồn tiêu chuẩn đường sữa để nuôi thằng bé, ai cũng coi nó như đứa con ruột của mình. Trưởng đồn đặt tên cho cậu là Đinh Nai Thương. Y tá xin nhận Đinh Nai Thương làm con nuôi. Suốt ngày Đinh Nai Thương lẽo đẽo bám theo cha nuôi. Có hôm cậu còn theo cha về các bản làng chữa bệnh. Cậu được đi theo những thầy giáo quân hàm xanh về mở các lớp học ở bản làng. Cậu được các chú trong đồn dạy chữ và dạy võ cho. Cậu biết đọc biết viết, biết làm toán, làm văn. Lớn lên cậu được về học ở trường dân tộc nội trú của tỉnh ở dưới xuôi. Là một học sinh giỏi, có rất nhiều nghề để Đinh Nai Thương lựa chọn, được sống trong thành phố, được ăn sung mặc sướng nhưng cậu kiên quyết chọn ngành sư phạm. Ngành sư phạm sẽ cứu con người ra khỏi mông muội ngu si.

Tốt nghiệp đại học cậu xin vào dạy ở các tỉnh Tây Nguyên. Ở đó bà con  mình đang còn lạc hậu lắm.

*

*         *

Tôi vào dự đám cưới con của anh bạn làm trưởng đại diện cho Báo Nông thôn ngày nay ở Tây Nguyên. Anh chở tôi đi tham quan vườn sâm Ngọc Linh. Anh có một bút kí “Thăm thẳm xứ sâm” được đăng trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Anh đưa tôi đi thăm buôn làng Kông Hoa của Bok Núp, người anh hùng nổi tiếng trong “Đất nước đứng lên”. Những vườn tiêu, cà phê bạt ngàn trải dài một màu xanh mát mắt. Mùa xuân đang về trên dải đất Tây Nguyên. Dọc đường đi, hoa pơ lang đỏ rực cả cánh rừng. Tôi bảo anh dừng xe cho tôi đứng ngắm loài hoa thân thuộc với đồng bào Tây Nguyên khi mỗi độ xuân về. Loài hoa này gắn bó với câu chuyện tình lãng mạn của cô gái đi tìm người yêu bị giàng bắt giữ lại làm công việc nhà trời. Cô đứng bên cây nêu và dải lụa đỏ trên tay vẫy gọi người yêu. Cô chết đi hóa  thành những bông hoa rực rỡ và tươi thắm. Những bông hoa khiến người ta bồi hồi ngóng trông như chờ đợi người yêu trong buổi hẹn hò. Anh nói muốn tận hưởng hết vẻ đẹp của hoa pơ lang thì nên vào dự Tuần Văn hóa – Du lịch với Lễ hội Sắc thắm pơ lang sắp tới. Anh cho biết ngoài các tỉnh Tây Nguyên còn có An Giang, Quảng Nam, Quảng Ngãi và các tỉnh ở Lào, Campuchia, Thái Lan tham gia.

Mười hai giờ trưa chúng tôi mới đến được ngôi làng Kông Hoa – Stor. Giờ thì làng trở nên sầm uất và trông như một thị trấn, có quán cà phê và quán nhậu. May mắn tôi đã gặp được thầy giáo Đinh Nai Thương tại nhà lưu niệm Anh hùng Núp. Thương bây giờ đã là hiệu phó của một trường trung học cơ sở đang dẫn học sinh đi tham quan. Bên thầy là em Hoàng Phước, cậu bé được Đinh Nai Thương cứu sống năm nào. Thương đã kể cho tôi nghe câu chuyện trên. Phước là liên đội trưởng con nuôi của ông Long, bà Hường. Cặp vợ chồng thơm thảo giang tay cứu vớt những quãng đời bất hạnh.

Có lẽ sắp tới không vào dự được nên tôi sẽ viết lại truyện này như một món quà dâng lên Lễ hội Sắc thắm pơ lang. Và Đinh Nai Thương chính là một trong những bông hoa pơ lang đẹp nhất của núi rừng Tây Nguyên hùng vĩ.

Truyn ngn Hoàng Minh Đc

 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)