Còn gần một tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán, nhưng đến thời điểm này nông dân trồng hoa ở Đà Lạt, Sa Pa; dứa ở Hậu Giang và dưa ở Cần Thơ đã tính toán được khả năng trúng mùa, được giá nên rất phấn khởi chờ Tết đến.
Nhiều nhà vườn đang chuẩn bị nguồn hàng phục vụ Tết |
Đà Lạt, Sa Pa: Hoa địa lan giá cao nhất 1 triệu đồng/cành
Khác với tình hình u ám về thị trường hoa địa lan phục vụ Tết năm ngoái, lúc này cây đang bắt đầu đơm bông do thời tiết thuận lợi. Do đó các hộ dân đang tất bật chuẩn bị xuất hàng đến nhiều tỉnh, thành nhằm chuẩn bị nguồn hàng phục vụ thị trường Tết. Ông Đoàn Văn Quỳnh, chủ trang trại hoa Anh Quỳnh (đường Vạn Kiếp, phường 8, Đà Lạt) cho biết cũng thời điểm này năm ngoái, thời tiết lạnh khiến 20.000 chậu hoa địa lan của gia đình ông nở sớm trước Tết gần 2 tháng nên bị thiệt hại hàng tỷ đồng. Để chuẩn bị cho mùa Tết năm nay, ông đã trồng khoảng 3.000 cành địa lan. Trong đó, loại có giá đắt nhất là địa lan vàng New Zealand với 800.000 đồng/cành, địa lan vàng SJC 600.000 đồng/cành, địa lan hoa xanh 207 giá 400.000 đồng/cành… Bên cạnh việc bán cành, các chủ vườn cũng ghép thành chậu theo yêu cầu của khách hàng nhưng giá thông thường của mỗi chậu địa lan chơi Tết dao động từ 4-6 triệu đồng. Tuy nhiên, một số khách hàng có nhu cầu cao đặt chậu địa lan giá 20 triệu đồng. So với các loại địa lan ở vườn của ông Quỳnh, địa lan vàng lưỡi đỏ FX750 của Công ty TNHH DILA (phường 7, TP.Đà Lạt) hiện có giá đắt đỏ nhất là 1 triệu đồng/cành, rẻ nhất là địa lan mini với giá từ 200.000-300.000 đồng/cành.
Tương tự như ở Đà Lạt, nhằm phục vụ cho thị trường hoa Tết Nguyên đán, Sa Pa đã chuẩn bị khoảng 7.000 chậu hoa địa lan (tăng 15% so với năm ngoái). Hiện giá loại hoa này đã tăng gấp đôi so với dịp Tết Nguyên đán 2015 dao động từ 300.000-600.000 đồng/cành. Điều đáng mừng là cho tới thời điểm này một số nhà vườn đã bán gần hết hàng do khách hàng đã đặt trước 50% số lượng.
Hậu Giang: Dứa phụng chưng Tết 1 triệu đồng/cặp
Loại dứa độc đáo và có giá trị kinh tế này đang được trồng ở vùng dứa nguyên liệu Hậu Giang, có giá từ 200.000 đến 500.000 đồng/trái, cao hơn 20 lần so với giá dứa thường. Một trong những hộ đầu tiên canh tác loại dứa này là gia đình ông Huỳnh Trường Văn (ngụ ấp Thạnh An, xã Hỏa Tiến, TP.Vị Thanh). Được biết ông Văn bắt đầu trồng loại dứa phục vụ cho Tết Nguyên đán từ năm 2010.
Theo ông Văn, so với các loại dứa khác, thì dứa phụng là loại khó canh tác, cần bón phân đúng kỹ thuật và hợp lý ở từng thời điểm, dùng rơm phủ khi quả lớn để giữ được màu đỏ tự nhiên, cần cắt tỉa lá dứa xung quanh để quả có không gian phát triển thì cây mới cho trái to và đẹp. Theo giải thích của ông Văn, trái dứa phụng đạt chất lượng thường có trọng lượng khoảng 3-5kg, quả dài nhiều mắt, phần đầu quả có màu đỏ thắm, xòe to như đuôi chim phụng, phần cuống có nhiều quả nhỏ bao quanh.
Để giúp người dân địa phương canh tác dứa ra quả đúng dịp Tết, ông Quách Thận, cán bộ khuyến nông xã Hỏa Tiến cho biết, ngành nông nghiệp địa phương đã tổ chức nhiều đợt tập huấn, hướng dẫn nhà vườn các kỹ thuật và cách chăm sóc để dứa cho trái đúng thời điểm mong muốn, có màu sắc và kiểu dáng đẹp, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân trong dịp Tết Nguyên đán hàng năm.
Cần Thơ: Trồng dưa hấu cho lợi nhuận cao gấp 3-4 lần so với trồng lúa
Trồng dưa hấu thu lãi cao gấp 3-4 lần so với trồng lúa |
Ông Trần Thanh Lành (ngụ xã Giai Xuân, huyện Phong Điền) đã khẳng định như vậy và ước tính năng suất vườn dưa hấu của gia đình ông năm nay có thể đạt khoảng 40 tấn/ha, do thời tiết thuận lợi. Ông Lành nhẩm tính với giá khoảng 7.000 đồng/kg, thì mỗi hécta dưa hấu ông sẽ có được trên 100 triệu đồng, cao gấp 3-4 lần so với trồng lúa. Nếu tính về thời gian canh tác thì trồng dưa hấu cũng có lợi hơn vì chỉ sau 2 tháng là cho thu hoạch, trong khi trồng lúa phải mất đến 3 tháng.
Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.Cần Thơ, do trồng hoa màu vụ đông xuân có thời tiết thuận lợi, sản phẩm bán được giá cao do thu hoạch vào đúng dịp Tết Nguyên đán, nên nông dân địa phương đã chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng hoa màu. Các địa phương trồng rau màu nhiều nhất là Thốt Nốt, Bình Thủy, Cái Răng, Ô Môn, Phong Điền. Các loại rau màu được trồng chủ yếu dưa hấu không hạt, các loại rau, đậu, bầu bí giống mới…
Không chỉ được cung cấp các loại giống mới, nông dân ở các địa phương còn được trung tâm khuyến nông hỗ trợ về kỹ thuật canh tác, áp dụng các tiến bộ khoa học việc trồng và chăm sóc như dùng màn phủ nông nghiệp, trồng trong nhà lưới, trồng rau màu theo tiêu chuẩn VietGAP. Bên cạnh đó cơ quan chức năng cũng thường xuyên kiểm tra sản phẩm từ nơi sản xuất đến nơi sơ chế, tiêu thụ, nhằm đảm bảo cung ứng cho thị trường các sản phẩm sạch và an toàn, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán năm nay.
Bài, ảnh: Đinh Vũ
Bình luận (0)