Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Họa sĩ Lê Triều Điển: Hết mình với nghệ thuật sắp đặt

Tạp Chí Giáo Dục

Họa sĩ Lê Triều Điển và họa sĩ Hồng Lĩnh trong một chuyến đi thực tế

Họa sĩ Lê Triều Điển sinh năm 1943 tại Bến Tre, hiện là chủ nhiệm Câu lạc bộ Mekong. Trong lĩnh vực hội họa, ông là “cây cọ” lão làng bởi tài năng đã được khẳng định trong gần 20 năm qua với hàng trăm cuộc triển lãm cá nhân, tập thể trong và ngoài nước; cũng như nhận được nhiều giải thưởng của Hội Mỹ thuật Việt Nam, Hội Mỹ thuật khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Đặc biệt, ông cũng là một trong những họa sĩ tiên phong với loại hình nghệ thuật sắp đặt – một loại hình nghệ thuật còn khá mới mẻ nhưng tương lai sẽ phát triển rộng rãi ở Việt Nam.
P.V: Một số người bảo tác phẩm sắp đặt không có ngôn ngữ đặc trưng, mang tính nhất thời thậm chí là nghệ thuật phi hội họa. Riêng họa sĩ nhìn nhận nó ra sao?
Bản thân tôi xem nó là một loại hình nghệ thuật mang tính sáng tạo cao bởi tôi đã nghiên cứu về nó rất nhiều và cũng rất đam mê nó. Nói là mang tính sáng tạo nhưng không phải là chúng ta tìm kiếm cái mới mà bỏ qua cái cũ, cái truyền thống. Nếu các bạn có theo dõi các cuộc triển lãm thì sẽ thấy rõ tác phẩm sắp đặt thường đi theo hai khuynh hướng nội dung: một là đi vào các vấn đề đô thị, xã hội với con mắt khách quan châm biếm; hai là hướng đến không gian tín ngưỡng hoặc văn hóa truyền thống với thái độ trân trọng, nghiêm túc. Họa sĩ Bertrand cho rằng: “Không phải lúc nào cũng cần hiểu được tác phẩm nói gì, không cần biết nó dành cho ai, mà quan trọng là cảm xúc của người xem như thế nào đối với tác phẩm”.
Họa sĩ đã “dấn thân” vào loại hình nghệ thuật sắp đặt này từ lúc nào?
Cách đây hơn 10 năm, khi tôi mở cuộc triển lãm gốm Lời đất tại Gallery Xuân thì ngẫu nhiên có một ý tưởng nảy ra khi đặt một đống gốm nguyên và một đống gốm vỡ bên cạnh một cây thang tre với thông điệp làm việc gì cũng thế, muốn thành công thì phải trải qua gian khổ. Nhiều người trong giới hội họa đến xem và bảo rằng tác phẩm này là nghệ thuật sắp đặt. Từ đó đến nay, tôi luôn hết mình với nó.
Tính đến nay họa sĩ đã có bao nhiêu cuộc triển lãm nghệ thuật sắp đặt rồi?
Không thể nhớ hết, những cuộc triển lãm cá nhân cũng như chung với nhiều họa sĩ khác, dù là tranh hay tượng, tôi đều có triển lãm tác phẩm sắp đặt. Vào cuối tháng 8-2009 vừa qua, tôi và 40 nghệ sĩ tạo hình, đặc biệt là 3 họa sĩ người Pháp: Sandrine L’louquet, Bertrand Peret và Lucien Do đã có cuộc triển lãm nghệ thuật sắp đặt quy mô hoành tráng nhất từ trước tới nay với chủ đề Biển-Bờ tại Khu du lịch Hồ Tràm (Bà Rịa-Vũng Tàu). Những tác phẩm được sắp đặt suốt 500m bãi biển gồm những bức tranh, tượng điêu khắc, tượng gốm, phù điêu, ảnh nghệ thuật… hài hòa với các vật liệu có sẵn như cây khô, thuyền thúng, ghe, bánh xe bò… làm nên một sân chơi mỹ thuật thú vị. Cuộc triển lãm rất thành công, nhiều du khách nước ngoài rất thích.
Với tư cách là người đi trước, họa sĩ đánh giá thế nào về lực lượng họa sĩ trẻ hiện nay với loại hình nghệ thuật sắp đặt?
Tôi đánh giá cao tài năng của Ly Hoàng Ly, Trần Việt Hưng, Mai Anh Dũng, Minh Phương… và nhiều họa sĩ trẻ khác nữa. Họ có rất nhiều tác phẩm mà không chỉ những người trong giới chúng tôi trầm trồ mà khán giả thưởng ngoạn cũng thích thú, chẳng hạn những chiếc nón lá chụp lên thành một kim tự tháp (Ly Hoàng Ly), một khối cây tràm dựng đứng, mỗi cây đều quấn một khúc vải màu nói về sự bảo vệ rừng của Minh Phương hay những vỏ chai rượu được xếp thành một chai rượu thẳng đứng của Trần Việt Hưng… Tôi chơi thân với họa sĩ Ki – em (họa sĩ đương đại của Pháp) đang sống và làm việc tại Việt Nam, cô cũng rất tâm huyết và hết mình với loại hình nghệ thuật này. Tôi cũng đã có một số cuộc triển lãm tác phẩm sắp đặt chung với cô.
Một số họa sĩ trẻ cho rằng, làm nghệ thuật sắp đặt thì đừng nghĩ đến chuyện kiếm tiền hay danh vọng, bản thân họa sĩ thì sao?
Đúng là như vậy. Ở nước ngoài, các tác phẩm sắp đặt có thể bán cho các bảo tàng hoặc bán cho những ai yêu thích đặt tại tư gia như một loại hình trang trí nội thất. Còn ở Việt Nam lại khác, tác phẩm triển lãm xong có khi đốt bỏ, xếp vào một nơi nào đó hoặc chỉ lưu giữ những hình ảnh trong thời gian triển lãm mà thôi. Tuy vậy, tôi vẫn luôn gắn bó với nó bởi tôi tin rằng, thời gian tới đây nó sẽ phát triển mạnh mẽ, phổ biến rộng rãi trong công chúng.
Xin cảm ơn họa sĩ về cuộc trò chuyện này!
Một tác phẩm sắp đặt thành công không phải để người xem nhìn vào là hiểu tác giả muốn nói gì mà nó thành công khi người xem có những trăn trở, tự đặt ra những câu hỏi và trả lời theo ý của mình. Ở Việt Nam, dù chưa có trường lớp chính quy dạy loại hình này nhưng tôi rất vui vì nhiều họa sĩ trẻ đã cọ xát thực tế, tham gia nhiều đợt triển lãm sắp đặt và gắn bó với nó một cách nghiêm túc. (Họa sĩ Ki – em)
 
HỒNG SƠN (Thực hiện)

Bình luận (0)