Y tế - Văn hóaThư giãn

Họa sĩ Phúc An nặng tình với quê hương miền Tây

Tạp Chí Giáo Dục

Múi mít thơm đượm hương lá chuối. Chùm vú sữa mới hái được ấp ủ trong nếp khăn rằn. Tình quê hương sông nước miền Tây chảy miên man trong 32 bức sơn dầu mà họa sĩ Phúc An lần đầu cho ra mắt công chúng TP HCM.

Ngày 17/6, tại Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM khai mạc triển lãm tranh Hương sắc miền Tây của Phan Phúc An.

Đúng như tên gọi của triển lãm, 32 bức tranh tĩnh vật, phong cảnh khổ lớn của Phúc An có thể làm xao xuyến lòng người xem về một miền Tây hiền hòa, vườn cây trái sum suê, lòng người quê chất phác… Nam họa sĩ có lối tả thựcmà nhiều người thầy trong giới mỹ thuật đánh giá là "có tài". Với lưng vốn học vẽ chỉ 12 tháng tại trường Văn hóa nghệ thuật tỉnh Tiền Giang, còn lại là tự học, Phúc An đã rất thành công khi các bức tranh của anh cho thấy năng lực mạnh mẽ của việc cảm nhận ánh sáng, màu sắc và chuyển tải cảm xúc đến người xem.

"Hái". Sơn dầu của Phúc An.

Phúc An sinh ngày 2/9/1970, tại thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang. Anh xuất thân trong một gia đình nông dân, không ai theo nghề vẽ nhưng từ nhỏ Phúc An đã sớm bộc lộ năng khiếu hội họa.

Họa sĩ Phúc An bắt đầu sáng tác tranh từ năm 2004 và anh trở thành hội viên hội văn học nghệ thuật Tiền Giang năm 2004, hội viên hội mỹ thuật Việt Nam 2008.

Từ 2004 đến 2009, Phúc An đã tham gia 23 cuộc triển lãm chung tại Tiền Giang, Đồng Tháp, Trà Vinh, Long An, Bến Tre, Hà Nội. Được nhiều giấy khen, bằng khen của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cũng như của Hội mỹ thuật Việt Nam, có tranh nằm trong bộ sưu tập cá nhân của những nhà sưu tập đến từ Thụy Điển, Bỉ, Anh, Pháp, Mỹ…

Tiến sĩ Văn hóa học Mai Mỹ Duyên, một người rất yêu thích tranh của Phúc An và cất công tìm hiểu về cuộc sống của anh, cho biết, dù hoàn cảnh gia đình khó khăn, Phúc An vẫn cố gắng học xong và lấy bằng trung cấp mỹ thuật của trường văn hóa nghệ thuật tỉnh Tiền Giang năm 1994. Sau đó, anh lao vào đời kiếm sống cũng như vừa vẽ vừa học từ những người bạn, người thầy họa sĩ anh được dịp tiếp xúc. Từ năm 2004, anh bắt đầu có nhiều tranh được tham gia các cuộc triển lãm chung trên toàn quốc. Người họa sĩ này luôn luôn trung thành với phong cách tả thực, lối vẽ tinh tế và gần gũi với công chúng.

Còn nhớ năm 2004, gặp Phúc An khi anh đang xin trú tạm trong một ngôi chùa tại quận 10 TP HCM. Trong gian phòng nóng bức của chùa, ngổn ngang cọ, sơn dầu, giá vẽ, ở góc phòng là một bức tĩnh vật mấy chùm hoa sứ đỏ còn dang dở. Trán lấm tấm mồ hôi, Phúc An hồ hởi bàn về ý tưởng ra mắt một triển lãm cá nhân. Đó là một triển lãm có thể mang đến cho công chúng thành phố góc nhìn thật đẹp về sông nước miền Tây, kênh rạch chằng chịt, cây trái sum suê, tình quê hiền hòa theo sông nước. Bàn tính xong, anh khẽ thở dài chép miệng nghĩ đến tiền thuê mặt bằng, tiền làm khung tranh và đủ thứ tiền cần thiết để họa sĩ có được triển lãm riêng.

Bẵng đi 5 năm, gặp lại Phúc An tại phòng tranh của Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM, thấy anh tự tin hơn xưa dù vẫn giữ nét quê mùa và kiệm lời ngay cả khi nói về tranh của mình. Và nhiều người bạn, người thầy đã xắn tay cùng giúp anh có được một triển lãm mơ ước.

Họa sĩ Phúc An và người vợ trẻ bồi hồi trong ngày ra mắt triển lãm tranh sơn dầu cá nhân.

Chưa thể nói cây cọ của Phúc An chạm đến những nét tiêu biểu nhất của miền Tây, nhưng giữa bộn bề của cuộc sống vùng đồng bằng hôm nay, anh đã chọn những nét đẹp dễ rung cảm lòng người để đưa lên tranh vẽ.

Ông Uyên Huy, Chủ tịch Hội mỹ thuật TP HCM, gọi Phúc An là một họa sĩ trẻ giàu lòng yêu nghề. "Một hướng đi giàu chất chân thực, gần với thiên nhiên và đầy triển vọng là con đường nghệ thuật đang mở ra cho người họa sĩ trẻ đất Nam Bộ. Phúc An là một tài năng đang trên đường phát triển với tấm lòng say mê nghệ thuật thật sự", ông Huy nói.

Họa sĩ Phan Mai Trực nhận xét: "Tranh của Phúc An gần gũi thân quen như tấm áo bà ba ướp đậm nét duyên dáng của các cô thôn nữ, như lá với cành, như trái với hoa, như sóng với nước, như mây với mưa, thật yêu thương hồn hậu, đậm thắm tình người".

"Theo tôi sự thành công của người nghệ sĩ là truyền được cảm xúc thẩm mỹ đến công chúng. Phúc An đã làm được điều đó", bà Mai Mỹ Duyên, tiến sĩ Văn hóa học khẳng định.

Thoại Hà (Theo VNE)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)