Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Họa sĩ Việt ngại kiện tụng bản quyền?

Tạp Chí Giáo Dục

Người làm hội họa cần sớm thoát khỏi tư tưởng "dĩ hòa vi quý" để bảo vệ tác phẩm bằng biện pháp cứng rắn

Ê-kíp làm phim "Cố Du" của đạo diễn Nguyễn Phùng Minh Luân vừa khởi kiện họa sĩ Đoàn Quốc và giám tuyển Lý Đợi, vì cho rằng bức tranh "Góc khuê phòng" đã "đạo nhái" ý tưởng, bố cục một cảnh quay trong phim. Đại diện đoàn phim cho biết bố cục trong tranh của Đoàn Quốc và cảnh phim gần như giống nhau hoàn toàn.

Căn bệnh trầm kha

Theo ê-kíp làm phim "Cố Du", cảnh này được đạo diễn Minh Luân lên ý tưởng, dàn dựng kết hợp với công nghệ CGI (mô phỏng hình ảnh bằng máy tính), sau đó làm thành bối cảnh chứ không phải có sẵn tại nhà cổ nào đó. Vì vậy, ê-kíp này cho rằng họa sĩ Đoàn Quốc cần xin phép trước khi lấy cảm hứng để vẽ tranh.

Trước đó, năm 2016, giới mỹ thuật đã "dậy sóng" với vụ "đạo nhái" ở triển lãm "Những bức tranh trở về từ châu Âu". Họa sĩ Thành Chương đã làm đơn tố cáo khi phát hiện tranh của mình bị nhái và ký tên Tạ Tỵ.

Năm 2020, Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch) cấp giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả đối với tác phẩm "Ngày thơ" của Xuân Ca (giải nhất cuộc thi mỹ thuật tại Cần Thơ năm 2019). Trong khi trước đó, Hội Mỹ thuật Cần Thơ đã quyết định thu hồi giải thưởng vì phát hiện bố cục tranh giống đến 90% một bức ảnh của nhiếp ảnh gia Pháp (chụp năm 1961). Sự nhập nhằng, thiếu tính thống nhất của pháp luật khiến các bên liên quan tranh cãi không hồi kết.

Họa sĩ Việt ngại kiện tụng bản quyền? - Ảnh 1.

Tác phẩm hội họa cần được bảo vệ bằng biện pháp cứng rắn để hướng đến môi trường nghệ thuật lành mạnh. Triển lãm tranh “Hồn xưa bến lạ” tại TP HCM. Ảnh: Hà Giang

Tháng 6-2022, tác phẩm "Một ngày như thế" của họa sĩ Bùi Văn Tuất cũng bị làm nhái rồi rao bán tại Hà Nội. Họa sĩ khẳng định bức tranh gốc (đã có người sưu tập) là tâm huyết hàng chục năm của ông, không có phiên bản khác, không có phác thảo cụ thể…

Có thể nói vấn nạn "đạo tranh", xâm phạm bản quyền tác giả trong thị trường mỹ thuật Việt Nam đã trở thành căn bệnh trầm kha, gây bức xúc cho cộng đồng yêu nghệ thuật. Ngoài việc sao chép y chang bản gốc rồi trà trộn vào thị trường bán với giá cao, nhiều tác phẩm còn bị in ấn lên quần áo, vẽ tranh tường trang trí, dùng vào các hoạt động thương mại, thậm chí mang đi tranh giải tại các cuộc thi mỹ thuật uy tín. Một số nhà sưu tập "dỏm" còn xóa chữ ký trên tranh của họa sĩ này, mạo danh thành tranh của họa sĩ khác để nâng khống giá trị.

Phía vi phạm sau khi bị các họa sĩ phản ứng thường xin lỗi bằng văn bản, tháo gỡ hình ảnh và cam kết không tái phạm. Song, không ít trường hợp lại có thái độ dửng dưng, đưa ra nhiều lý lẽ bao biện như: không cố ý, không biết luật…

Mặc dù có nhiều bất cập như vậy nhưng đời sống hội họa lại thiếu vắng những vụ kiện tụng bản quyền. Các hành vi vi phạm này ít nhiều đã làm giảm uy tín của nền mỹ thuật Việt Nam, khiến tranh Việt mất giá trên thị trường quốc tế. Khung hình phạt cho hành vi xâm phạm bản quyền hiện nay tương đối cao (phạt hành chính đến 70 triệu đồng, phạt hình sự đến 200 triệu đồng hoặc 3 năm tù giam, cấm hành nghề 1 – 5 năm) nhưng hiếm thấy có vụ nào được xử.

Đề cập việc họa sĩ Việt Nam ngại kiện tụng, họa sĩ Bùi Trọng Dư – người sáng lập nhóm "Phản đối xâm phạm bản quyền tác phẩm hội họa" trên Facebook – lý giải: "Để theo kiện một vụ bản quyền thì mất rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc. Điển hình là vụ kiện của họa sĩ Lê Linh với bản quyền "Thần đồng Đất Việt" mất tới 12 năm. Họa sĩ chưa chắc đã được đền bù xứng đáng. Vì vậy, nhiều người thường chấp nhận sự xin lỗi và dành thời gian công sức vào sáng tác".

Theo họa sĩ Bùi Trọng Dư, người làm hội họa cần sớm thoát khỏi tư tưởng "dĩ hòa vi quý", để bảo vệ tác phẩm bằng biện pháp cứng rắn. Nếu thực tế này không được cải thiện, việc hướng đến môi trường nghệ thuật lành mạnh là điều còn xa vời.

Trở lại với câu chuyện của ê-kíp làm phim "Cố Du". Tuy chỉ vừa thông báo khởi kiện nhưng sự quyết liệt bảo vệ bản quyền tác phẩm của ê-kíp làm phim này đã gây được sự chú ý từ dư luận. Phía họa sĩ Đoàn Quốc cũng đưa ra nhiều cơ sở để bác bỏ lời tố cáo.

Theo các nhà chuyên môn, những câu chuyện xâm phạm bản quyền vừa nêu là vấn đề khó thể giải quyết ngay, mà cần phải có sự đồng bộ từ ý thức của người sáng tác, cơ quan chức năng đến các trường đào tạo nghệ thuật. Kiến thức về bản quyền là hành trang bắt buộc phải có ngay từ trên ghế nhà trường.

Theo những người trong cuộc, không chỉ trên thị trường mua bán tranh, ngay cả trong một số trường đào tạo nghệ thuật tại Việt Nam, sinh viên cũng “đạo ý tưởng” của người khác thành bài thi, bài tốt nghiệp. Giảng viên biết rõ nhưng vẫn bỏ qua!
Theo Hà Giang/NLĐO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)