Học sinh lớp 5A trải nghiệm làm đầu bếp để học tiếng Anh
Trải nghiệm độc đáo này vừa diễn ra tại lớp 5A Trường Tiểu học Nguyễn Thái Sơn (Q.3, TP.HCM) qua chuyên đề “Giảng dạy tiếng Anh qua văn hóa Việt Nam”. Đây là tiết học chuyên đề tiếng Anh cấp thành phố, có sự tham gia của ban giám hiệu và giáo viên tiếng Anh đến từ các trường tiểu học trên địa bàn thành phố. Với chủ đề “Văn hóa ẩm thực Việt Nam”, dưới sự dẫn dắt của thầy Lê Hoàng Hiệp (giáo viên tiếng Anh của trường), hơn 30 học sinh trong lớp đã được “hóa thân” thành đầu bếp tìm hiểu kiến thức ẩm thực đặc trưng của 3 miền Bắc – Trung – Nam. Cụ thể, các em được chia làm 5 nhóm cùng trổ tài pha chế nước chấm và làm gỏi cuốn. Qua các hoạt động này, các em vừa học từ vựng và giao tiếp cùng giáo viên, vừa thực hành chế biến nước chấm và gói gỏi cuốn qua hướng dẫn của thầy Hiệp… Cũng trong trải nghiệm làm đầu bếp, học sinh còn được tìm hiểu về nhiều món ăn đặc trưng của Việt Nam ở các vùng miền; liên hệ những nét tương đồng giữa món ăn Việt Nam với các món ăn nước ngoài. Bên cạnh đó, các em còn được “hóa thân” thành hướng dẫn viên qua hoạt động giao lưu văn hóa, giới thiệu những món ăn nổi tiếng của Việt Nam như bún bò Huế, bún chả, phở, bánh xèo, bánh bèo… đến bạn bè và khách du lịch. Em Nguyễn Minh Khôi (thành viên lớp 5A) cho biết những tiết học tiếng Anh như thế này luôn khiến lớp học vui vẻ, thoải mái, từ vựng cũng dễ thuộc hơn. “Em được tìm hiểu về nhiều món ăn nổi tiếng của Việt Nam, biết được rằng bún chả và phở đều là các món ăn đặc trưng của miền Bắc. Ngoài ra, em còn được học làm gỏi cuốn để có thể làm cùng ba mẹ”, Khôi chia sẻ.
Lựa chọn gỏi cuốn làm món ăn chủ điểm trong tiết học, theo thầy Hiệp, đây là món ăn rất gần gũi với học sinh miền Nam. Đồng thời, món ăn này cũng rất đơn giản, dễ làm, học sinh có thể vừa làm cùng gia đình, vừa học tiếng Anh một cách dễ dàng. “Tiếng Anh không chỉ là một môn học mà còn là một ngôn ngữ kết nối với thế giới. Qua tiết học sẽ trang bị cho học sinh kiến thức ẩm thực của đất nước, tạo cho các em môi trường để giao tiếp. Từ đó các em có thể tự tin giới thiệu thành phố mình, đất nước mình đến bạn bè thế giới, thêm tự hào về dân tộc mình”, thầy Hiệp chia sẻ.
Đánh giá cao ý nghĩa của việc giảng dạy tiếng Anh qua văn hóa Việt, ông Nguyễn Quang Vinh (Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD-ĐT TP.HCM) cho rằng trong thời hội nhập, việc giảng dạy tiếng Anh bằng hình thức này càng phải được các trường chú trọng, phát huy. “Học tiếng Anh không chỉ dừng lại ở việc tìm hiểu về văn hóa nước ngoài mà còn phải đảm bảo rằng qua bộ môn này, học sinh của mình có thể truyền tải được văn hóa Việt Nam đến bè bạn quốc tế”, ông Vinh nhấn mạnh.
Đ.Yến
Bình luận (0)