Sự cố sập cẩu tháp công trình xây dựng dự án căn hộ cao cấp tại số 376 Điện Biên Phủ (Q.10) đè Trường MN P.11, Q.10 ngày 12-5 một lần nữa cho thấy an toàn trong xây dựng còn bỏ ngỏ.
Cẩu tháp tại công trình xây dựng dự án thương mại dịch vụ Sài Gòn Asiana Plaza trên đường Phan Đăng Lưu, Q.Bình Thạnh |
Tại TP.HCM, không khó để bắt gặp những cẩu tháp vắt vẻo bắc ngang qua các ngã tư đường, khu dân cư. Tuy nhiên, kể cả đơn vị thi công cũng không bảo đảm rằng, cẩu tháp đó có an toàn hay không.
Tai nạn từ trên trời rơi xuống
Về nguyên nhân vụ sập cẩu tại số 376 Điện Biên Phủ (Q.10), cơ quan chức năng đã xác định là do xe cẩu được đưa vào thử tĩnh cọc và bị lún, nghiêng dẫn đến lật cẩu. Kỹ sư Nguyễn Văn Thái (Công ty Khảo sát địa chất công trình Phú Lợi, TP.HCM) khẳng định, sự cố xe cẩu lún là hi hữu. Bởi bao giờ trước khi cho xe vào thử tĩnh cọc đều có lót chân đế, là một miếng sắt dày, tiết diện rộng. Tại các công trình nhà ở dân dụng, dự án phức hợp… sự cố cẩu tháp tải trọng lớn vẫn thường xuyên xảy ra. Nguyên nhân chính là cẩu tháp gãy ngang do cẩu quá tải trọng cho phép hoặc đứt cáp gây giật mạnh khiến cần gãy ở một vị trí nào đó.
Trước đó, rạng sáng 3-3 vừa qua, người dân Hà Nội cũng một phen thất thần khi cần cẩu trọng tải lớn trong công trình xây dựng ngõ 493 Trương Định bị gãy và đổ nhào xuống đất.
Trước đó nữa, vào cuối năm 2015, tại công trình xây dựng trụ sở Ngân hàng BIDV Đông Hải Phòng (TP.Hải Phòng) cũng đã xảy ra sự cố gãy cẩu tháp và đổ xuống đường Lê Hồng Phong khiến một phụ nữ tử vong. Cũng thời điểm này, chiếc cẩu tháp phục vụ công trình xây dựng chung cư 8X Plus (đường Trường Chinh, P.Tân Thới Nhất, Q.12) bất ngờ gãy ngang đè lên Bệnh viện Đa khoa Tâm Trí gây thiệt hại nặng về tài sản.
Và nguy cơ những vụ tai nạn từ trên trời rơi xuống vẫn đang tiềm ẩn ở khắp mọi nơi.
Hơn hai tháng nay, người tham gia lưu thông qua đường Nguyễn Thái Sơn, Q.Gò Vấp đều ngán ngẩm bởi cẩu tháp từ bên công trình mở rộng và nâng cấp nhà hàng Vườn Cau “nhảy múa” trên đầu mỗi khi chuyển vật liệu, xà bần lên xuống. Ông Minh, người chạy xe ôm gần đó nói: “Mỗi lần nghe âm thanh két két, rung bần bật phía trên đầu là như muốn nín thở”. Ghi nhận của phóng viên, cần cẩu này dài khoảng 100 mét, làm việc liên tục từ sáng đến chiều tối.
Trên đường Phan Đăng Lưu, Q.Bình Thạnh, người dân ngụ đường Phan Đăng Lưu, Vạn Kiếp, Nguyễn Công Hoan cũng bị ám ảnh bởi cẩu tháp công trình nặng hàng chục tấn cứ qua lại liên tục trên đầu. “Lúc nào chúng tôi cũng có cảm giác như nó muốn đổ nhào xuống nhà mình”, bà Nguyễn Thị Hai (đường Vạn Kiếp, P.3, Q.Bình Thạnh) lo lắng.
Rất khó để kiểm tra cẩu tháp có an toàn hay không!
Đó là khẳng định của kỹ sư Nguyễn Văn Thái. Ông Thái nói: “Thông thường, khi vận hành, người lái cẩu bằng kinh nghiệm của mình xem cẩu có bị giật, giằng, từ đó xác định cẩu có vấn đề. Tuy nhiên, người lái cẩu có nghề mới có thể nhận biết. Đó là nguyên nhân dẫn đến xe cẩu bị lật, đứt dây cáp hoặc gãy cẩu”.
Trong tháng 4 vừa qua, trả lời báo chí về việc TP.HCM thành lập đoàn kiểm tra liên ngành đồng loạt thanh tra, kiểm tra an toàn lao động tại các công trình xây dựng, ông Huỳnh Tấn Dũng – Chánh thanh tra Sở LĐ,TB&XH TP.HCM thông tin: Từ đầu năm 2016 đến nay, trong 19 vụ tai nạn lao động (TNLĐ) xảy ra thì có đến 17 vụ trong lĩnh vực xây dựng. Số vụ TNLĐ có người chết ở lĩnh vực xây dựng cũng chiếm tới 50-65% tổng số vụ TNLĐ có người chết.
Theo thống kê của Sở Xây dựng TP.HCM, thành phố hiện có khoảng 500 công trình xây dựng nhà cao tầng, sử dụng khoảng 200 cẩu tháp và gần 30.000 công trình xây dựng nhà ở.
Trưởng phòng An toàn lao động, Sở LĐ,TB&XH TP.HCM Nguyễn Quốc Việt cảnh báo: Nguy cơ đổ cẩu tháp hiện nay là rất lớn vì hầu hết đã qua sử dụng, thuê, mua lại với giá cực rẻ. Một nguyên nhân gây gãy đổ cẩu tháp là không ít cẩu tháp nằm phơi nắng mưa hàng tháng không có chế độ bảo dưỡng định kỳ nên khi vận hành trở lại là khó tránh khỏi tai nạn. Qua kiểm tra, vẫn còn tồn tại tình trạng một chứng chỉ nghề đứng tên ở nhiều công trình, trong khi người lái cẩu là người khác không qua đào tạo bài bản.
Bài, ảnh: Trần Anh
Bình luận (0)