Thị trường nữ trang giá rẻ ngày càng cho ra đời nhiều kiểu trang sức đẹp mắt, lại dễ dàng kết hợp với trang phục theo kiểu “ton sur ton”, nên nhiều bạn trẻ có xu hướng sử dụng để tạo phong cách riêng. Họ đâu biết rằng, đây chính là nguyên nhân khiến nhiều người bị dị ứng, viêm da, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người sử dụng.
Bác sĩ khuyến cáo không nên sử dụng các loại trang sức kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, thường được xi mạ bằng các kim loại như niken, crom, đồng dễ gây dị ứng cho da |
Cẩn trọng với trang sức rẻ tiền
Được người bạn thân tặng cho một bộ trang sức gồm bông tai, dây chuyền, nhẫn và vòng tay bằng hợp kim bóng loáng nhân dịp sinh nhật vào cuối tháng 9, chị Phan Thị Thủy (nhân viên bán hàng cho một tiệm quần áo thời trang trên đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3) rất thích thú vì bộ trang sức có họa tiết thanh mảnh nhưng rất sắc sảo, đúng “gu” mình muốn. Tuy nhiên, sau khi đeo bộ trang sức đi dự tiệc cưới được vài giờ, chị Thủy đột ngột cảm thấy ngứa ngáy rất khó chịu. Với phán đoán “có thể dị ứng do mới ăn hải sản”, chị Thủy đã được một dược sĩ bán thuốc dị ứng uống trong 3 ngày nhưng không bớt, ở những chỗ đeo nữ trang còn xuất hiện nhiều mụn nước nhỏ li ti. Cho đến khi khám ở bệnh viện da liễu, chị Thủy mới biết nguyên nhân là do bộ trang sức gây nên. Cho rằng “giờ mà còn đeo vàng là quê mùa”, nên sinh viên Nguyễn Trần Huyền Anh (ĐH Mở TP.HCM) có sở thích sưu tầm đồ trang sức được bày bán ở dãy xe đẩy trên đoạn đường CMT8 (khu vực công viên Lê Thị Riêng, quận 10). Theo nữ sinh viên này, trang sức và phụ kiện phụ họa theo trang phục bây giờ rất phong phú và sắc sảo không thua kém hàng xịn, giá chỉ từ vài chục ngàn đến khoảng trên dưới 200 ngàn nên tha hồ mà chọn lựa. Tuy nhiên, có lần em đã bị ngứa ngáy trong mấy ngày liền do đeo sợi dây chuyền đã bị xỉn màu mà cứ tưởng mình bị dị ứng phấn hoa cúc khi mua hoa về trưng trong phòng vào ngày cuối tuần.
Tình trạng viêm da, dị ứng do đeo trang sức rẻ tiền không chỉ xảy ra với người trẻ, mà còn ảnh hưởng đến cả trẻ nhỏ do phụ huynh cho trẻ đeo sản phẩm không rõ nguồn gốc. Bác sĩ Nguyễn Văn Lộc (Phòng khám tự nguyện Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết, bệnh viện đã từng cấp cứu bệnh nhi Nguyễn B.A (3 tuổi) ở Hà Nội. Bệnh nhi này nhập viện trong tình trạng vết thương ở cổ đang trong giai đoạn mưng mủ, lở loét gây đau đớn. Nguyên nhân do phụ huynh cho con đeo dây chuyền bằng bạc có cạnh sắc, lại cho bé mặc áo ấm thường xuyên nên không để ý, đến khi phát hiện thì da đã bị viêm và mưng mủ.
Trang sức rởm gây hại cho sức khỏe
Bác sĩ Nguyễn Đình Quân (Bệnh viện Da Liễu Trung ương) lưu ý, khoa khám bệnh của bệnh viện trung bình mỗi ngày tiếp nhận từ 20 – 30 bệnh nhân bị dị ứng do sử dụng đồ trang sức giá rẻ hoặc mỹ phẩm rẻ tiền để làm đẹp. Với người có cơ địa nhạy cảm, tình trạng viêm da hoặc dị ứng sẽ xuất hiện vài giờ đến vài ngày sau khi đeo trang sức. Nếu không chữa trị ngay vùng da bị tổn thương sẽ dễ bị nhiễm trùng, mưng mủ, thường để lại sẹo cho dù đã được chữa khỏi. |
Theo khuyến cáo của Tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm Hà Nội), nữ trang rởm có chứa nhiều chất kim loại nặng độc hại cho sức khỏe như: Cadimi, chì, niken… Trong đó, nếu bị nhiễm cadimi, bệnh nhân sẽ bị đau thắt ngực, khó thở, chậm nhịp tim, buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy. Nếu tiếp xúc lâu dài có thể làm rối loạn chức năng gan, đau xương, thiếu máu, tăng huyết áp. Trong trường hợp bị nhiễm niken có thể gây viêm da cấp ở mọi lứa tuổi. Bệnh nhân nếu không điều trị sớm sẽ ảnh hưởng tới hệ thần kinh, giảm trí nhớ, nhiễm độc gan, thiếu máu, suy nhược, thậm chí gây ung thư và tử vong. Bác sĩ Nguyễn Đình Quân (Bệnh viện Da Liễu Trung ương) lưu ý, khoa khám bệnh của bệnh viện trung bình mỗi ngày tiếp nhận từ 20 – 30 bệnh nhân bị dị ứng do sử dụng đồ trang sức giá rẻ hoặc mỹ phẩm rẻ tiền để làm đẹp. Với người có cơ địa nhạy cảm, tình trạng viêm da hoặc dị ứng sẽ xuất hiện vài giờ đến vài ngày sau khi đeo trang sức. Nếu không chữa trị ngay vùng da bị tổn thương sẽ dễ bị nhiễm trùng, mưng mủ, thường để lại sẹo cho dù đã được chữa khỏi.
Bàn về vấn đề này, Bác sĩ Trần Thiên Tài (Phòng khám Dị ứng – Miễn dịch lâm sàng Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM) khuyến cáo, các kim loại như bạch kim, vàng, bạc nguyên chất, palladium, titan hiếm gây dị ứng hơn so với các loại kim loại thường gây dị ứng như niken, coban, crom, đồng, chì, sắt. Trong đó niken chiếm tỷ lệ hàng đầu với 15% – 17% (ở nữ giới) và khoảng 3% (ở nam giới). Ở giai đoạn cấp, sau một thời gian ngắn, các vùng da tiếp xúc với nữ trang sẽ bị nổi ban hồng, gây ngứa, xuất hiện mụn nước, chảy dịch trong. Trong trường hợp bị bội nhiễm, các vùng da sẽ chảy dịch vàng, đục, có mủ, hoặc có các vết trợt loét nông ở da. Đến giai đoạn mạn tính, vùng da bị tổn thương sẽ dày lên, khô dần, tăng sắc tố và tróc vảy. Do đó, ngay khi phát hiện các triệu chứng của viêm da, dị ứng do tiếp xúc với kim loại, người bệnh cần nhanh chóng đến khám bác sĩ chuyên khoa dị ứng – miễn dịch lâm sàng hoặc da liễu để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Bác sĩ Tài lưu ý, những người có cơ địa dị ứng tuyệt đối không nên tiếp xúc với các loại kim loại mà bản thân đã biết bị dị ứng. Đặc biệt, không nên sử dụng các loại trang sức, phụ kiện rẻ tiền, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, thường được xi mạ bên ngoài bằng các kim loại dễ gây dị ứng như niken, crom, đồng…. Trái lại, chỉ nên sử dụng các sản phẩm, trang sức bằng kim loại của nhà sản xuất uy tín và có ghi thành phần hợp chất rõ ràng.
Bài, ảnh: Vũ Phương
Bình luận (0)