Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Hoài An dồn tâm huyết cho âm nhạc trẻ thơ

Tạp Chí Giáo Dục

Nhạc sĩ Những ngày xưa yêu dấu dành tâm huyết cho những tâm hồn trẻ thơ. Thế giới đầy ắp tiếng cười và những câu chuyện đáng yêu của trẻ con hiện là nguồn cảm hứng mới cho Hoài An khám phá.

Từ đâu anh có ý định chuyển hướng sang nhạc dành cho thiếu nhi khi đang ăn khách ở dòng nhạc trẻ?

– Tôi viết thêm nhạc thiếu nhi, chứ không bỏ dòng nhạc trẻ cũng như một số thể loại khác trong kế hoạch đã đặt ra để theo đuổi.

Thật ra, mục tiêu của tôi là viết một chùm ca khúc trong sáng, hồn nhiên để vừa góp phần nâng cao thẩm mỹ âm nhạc, vừa mang tính giáo dục định hướng cho các bé… Tôi muốn có hẳn một chương trình có đầu tư quy mô và mới lạ dành cho thiếu nhi.

Hoài An được khán giả biết đến với các bản tình ca mượt mà. Ảnh: H.A.

– Quy mô của chương trình này lớn đến đâu?

– Bước đầu là 60 ca khúc tiếng Việt, 30 bài hát tiếng Anh mới dành cho trẻ thơ. Toàn bộ ca khúc nằm trong một bộ CD, bộ DVD tặng kèm sách nhạc. Bên cạnh đó là một chương trình truyền hình thực tế để trẻ em tiếp xúc với các ca khúc này dễ dàng.

Các bản hòa âm phối khí (nhạc nền) cho các bé được thực hiện với chất lượng ngang bằng nhạc cho người lớn. DVD được quay với công nghệ HD…

– Anh tự tin thế nào về kế hoạch này?

– Tôi thấy các em rất xứng đáng để tôi và bạn bè cố gắng làm một điều gì đó "coi cho được".

Trẻ con giờ lớn rất nhanh. Chúng tôi đầu tư sản phẩm cho trẻ, giáo dục thông qua âm nhạc. Tôi tự tin vì tâm huyết của mình, ý nghĩa xã hội cũng như chất lượng của dự án âm nhạc này. Thú thật, tôi rất dị ứng với chữ "dự án" nhưng đây là lần đầu tiên tôi chủ động dùng từ này cho công việc của mình.

Một năm chờ đợi để có điều kiện thực hiện tốt, giá thành sản xuất chương trình tăng gần gấp đôi, nhưng tôi không bỏ cuộc. Nhiều bạn bè anh em đồng nghiệp cũng rất nhiệt tình ủng hộ. Tôi thấy mình không đơn độc.

Không dễ gì sáng tác ra nhạc cho thiếu nhi thật sự trong sáng, hồn nhiên. Anh làm thế nào?

– Thường thì khi còn nhỏ, người ta muốn mình lớn nhanh. Khi cuộc sống vội vã qua đi, càng già dặn người ta lại càng hoài niệm tuổi thơ. Tuổi tôi cũng chưa thể gọi là già, nhưng chắc chắn không còn trẻ. Tôi đang trong giai đoạn "sung sức", nên việc tập trung tinh thần để làm được một dự án âm nhạc cho trẻ thơ là điều tôi rất mong mỏi.

Có những khi tôi ngẩn người nghe những ca khúc nhạc nền trong các bộ phim hoạt hình nổi tiếng khi xem cùng các con. Không thể phủ nhận, âm nhạc đã giúp phim tạo ra một thế giới kỳ diệu nhiều màu sắc cho tuổi thơ. Ở đó đầy ắp tiếng cười hạnh phúc hồn nhiên, cũng có những giọt nước mắt ân hận khi làm ai buồn… Có những lời xin lỗi, cảm ơn, và rất nhiều những điều cơ bản trong cuộc sống mà đôi khi người lớn chúng ta, vì những lý do nào đó đã bỏ quên. Tôi đã làm cha, vì vậy tôi mong muốn con mình cảm nhận được những điều hay của cuộc sống qua âm nhạc.

Chính suy nghĩ đó cùng với một chút năng khiếu viết lách giúp tôi quyết tâm bắt tay vào dự án này. Tôi sẽ vẽ nên một vườn cổ tích nhưng hiện đại cho các bé, vừa vui chơi vừa học, tìm hiểu về gia đình, trường lớp, thế giới xung quanh. Trên nội dung đó, các bé được tiếp xúc với nhiều phong cách nhạc khác nhau như: dân gian, pop rock, blues jazz, dance, hiphop, Latin…

Sau một năm thử sức, điều gì gây khó cho anh?

Trước hết là xác định đúng đối tượng nghe. Trẻ dưới 3 tuổi thì tốc độ bài nhạc chậm, nhẹ nhàng. Với trẻ tương đối lớn (3 đến 5 tuổi), người viết có nhiều lựa chọn hơn.

Vấn đề thứ hai là phải viết đúng âm vực của trẻ, thường rất hẹp và vào quãng 7 đến quãng 9 là vừa. Một số lời bài hát có vai trò như cha mẹ nói chuyện với con cái thì có thể nhờ "ca sĩ người lớn" hát. Những bài dạng kể chuyện có thể kết hợp cả giọng ca người lớn và con nít.

Ngoài ra còn phải chú ý đến lời ca cho phù hợp với khả năng quan sát và cảm nhận của trẻ.

Hoài An dùng tâm sự của một người cha để viết nhạc. Ảnh: H.A.

– Dạo trước, anh chia sẻ hôn nhân đổ vỡ tạo cảm hứng cho anh sáng tác. Giờ chuyển sang viết nhạc cho thiếu nhi, anh lấy cảm hứng từ đâu?

– Những việc không vui trong cuộc sống càng làm tôi cảm thấy cuộc đời ngắn ngủi. Lúc bước đi một mình mới thấy những gì tốt đẹp nhất của cuộc sống thuộc về tuổi thơ. Tôi muốn ghi lại bằng âm nhạc để góp phần cho trẻ được vui chơi hồn nhiên, có thêm nhiều điều tốt đẹp.

Khi bắt tay vào làm nhạc cho trẻ, tôi cảm thấy mình bị cuốn hút hơn. Với suy nghĩ êkíp của tôi đang tạo ra một dòng sản phẩm âm nhạc mang tính giáo dục, định hướng cho trẻ phát triển, tôi có thêm cảm hứng.

Sau hôn nhân, bây giờ anh quan niệm thế nào về chuyện tình cảm?

– Sự thật đau lòng là cuộc sống không cho ta cơ hội nói chữ "nếu", nên có những lúc dù rất muốn, ta không thể lấy lại một điều gì đó.

Tôi luôn mong ngày hôm nay hạnh phúc hơn hôm qua, ngày mai hạnh phúc hơn hôm nay! Thế nên từ xưa đến nay, tôi vẫn giữ nguyên tắc hết lòng khi bên nhau, để nếu lỡ một ngày xa nhau cũng không hối tiếc.

– Một người được mệnh danh là “đa tình” trong âm nhạc như anh, làm thế nào để tránh những lời ong bướm để "hết lòng khi bên nhau"?

– Tôi thường xen kẽ âm nhạc với võ thuật, cũng như chơi vài món đồ giải trí công nghệ cao để cân bằng cuộc sống. Ngoài công việc, tôi chỉ chia sẻ thời gian với người thân trong gia đình. Những điều khác tôi không để ý.

Hoàng Dung (Theo VNE)

Bình luận (0)