Với truyền thống hơn 40 năm xây dựng và trưởng thành, đến nay Cty cổ phần Tràng An (Tràng An) đã trở thành một trong những DN sản xuất bánh kẹo hàng đầu Việt Nam. Nhiều sản phẩm của Tràng An liên tục được bình chọn “Hàng Việt Nam Chất lượng cao”, Cúp Vàng chất lượng. Thương hiệu Tràng An đã đạt danh hiệu “Sao Vàng Đất Việt” 2006, 2008. Tràng An cũng là một trong số 500 thương hiệu nổi tiếng tại Việt Nam do VCCI phối hợp với Cty nghiên cứu thị trường AC Nielsen VN khảo sát. Tràng An – “Tinh hoa bánh kẹo Việt” – đó chính là ước mơ và khát vọng xây dựng thương hiệu của Tổng Giám đốc Thạc sĩ Trịnh Sỹ và toàn thể cán bộ công nhân viên Cty cổ phần Tràng An.
Xuất thân trong một gia đình có dòng dõi tại Thanh Hóa, năm 1979, Trịnh Sỹ tốt nghiệp Đại học Bách khoa. Hơn 6 năm phục vụ trong quân ngũ, năm 1986, anh chuyển ngành về công tác tại “Xí nghiệp Kẹo Hà Nội” (nay là Cty cổ phần Tràng An), năm 1998 học tiếp cao học đại học Bách khoa. Từ vị trí Trợ lý Giám đốc, Trưởng phòng kỹ thuật, Phó Giám đốc và anh đã trở thành Tổng Giám đốc. Anh tâm sự, dù ở bất cứ nơi đâu, đảm nhiệm bất cứ công việc gì nhưng mỗi người đều phải có những ước mơ, những hoài bão, khát khao cháy bỏng và ý chí quyết tâm cao thì mới thành công.
Công nghệ đi trước
Trở thành Tổng Giám đốc Tràng An đúng vào thời điểm giao thời Cty chuyển đổi mô hình từ DN nhà nước sang Cty cổ phẩn. Điều khó khăn nhất đối với anh lúc bấy giờ chính là làm sao ổn định tổ chức, đưa DN vào hoạt động đúng với quỹ đạo của nó. Từ DN nhà nước chuyển sang hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, việc trước tiên anh xác định“Khâu then chốt là con người, khâu đột phá là công nghệ”. Là dân kỹ thuật nên anh hiểu được rằng để có thể cho ra đời những sản phẩm có chất lượng cao, hấp dẫn đối với người tiêu dùng, không còn cách nào khác là phải đầu tư, đưa công nghệ mới nhất vào sản xuất kinh doanh. Nói là làm, anh đã cùng với ban lãnh đạo Cty tích cực nghiên cứu thị trường, đưa công nghệ hiện đại vào sản xuất.
Ngay sau khi cổ phần hoá, Tràng An đã đầu tư 2 dây chuyền sản xuất kẹo sữa – Chewy Milk và “Bánh Pháp” – French Pancake trị giá hơn 10 tỷ đồng. Trong đó dây chuyền sản xuất French Pancake, loại sản phẩm kiểu bánh trứng nướng, mỏng và giòn tan như bánh quế, lần đầu tiên được sản xuất và tiêu thụ tại thị trường Việt Nam. Vừa ra mắt thị trường, “Bánh Pháp” Tràng An đã được nhiều người yêu thích bởi hương vị thơm ngon và bổ dưỡng, giá cả hợp lý. Cùng với đó, dây chuyền sản xuất Chewy Milk, dòng kẹo mang tên Hương cốm Tràng An vẫn giữ được hương vị tự nhiên của sữa tươi nguyên chất nhờ quá trình nấu trong thiết bị chân không màng siêu mỏng ở nhiệt độ thấp và thời gian tính bằng giây. Công nghệ nấu kẹo mới này tiếp tục cho ra đời kẹo Hương cốm thế hệ 2 – Luôn được đánh giá của người tiêu dùng là “Loại kẹo số 1 Việt Nam”. Theo nhiều chuyên gia đây là hai dây chuyền có công nghệ tiên tiến nhất thế giới, các sản phẩm được sản xuất đều đảm bảo nguyên hương vị tự nhiên và vi chất dinh dưỡng. Không dừng lại ở đó, tháng 7/2007, Tràng An lại tiếp tục đầu tư thêm 2 máy sản xuất bánh quế, công nghệ của Indonesia, đưa sản lượng bánh quế tăng lên gấp đôi. Đồng thời, Cty đầu tư thêm 4 tỷ đồng “tối ưu hoá” các dây chuyền sản xuất bánh quế, kẹo, snack… Đến thời điểm này, các sản phẩm “Bánh Pháp” và “Bánh Quế” của Tràng An được khách hàng đánh giá có chất lượng ngon hàng đầu Việt Nam. Teppy snack với ưu điểm sản xuất bằng công nghệ đùn ép và phun tẩm gia vị ở nhiệt độ thấp (không qua chiên, nướng trong dầu ở nhiệt độ cao) rất có lợi cho sức khỏe. Cũng trong năm 2007, Tràng An đã đầu tư gần 20 tỷ đồng xây dựng xí nghiệp sản xuất “Bánh mỳ kiểu Pháp”. Trong đó vốn thiết bị trên 11,3 tỷ đồng, công suất từ 1.000 – 1.350 tấn/năm. Dây chuyền đã chính thức đưa vào sản xuất đại trà từ đầu tháng 7/2007 để đảm bảo đủ hàng cung cấp cho thị trường. Bánh mì TYTI là một phát hiện mới của nhu cầu thị trường trong giai đoạn phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp hóa – hiện đại hoá – hội nhập của nền kinh tế nước nhà.
Cùng với việc đầu tư các công nghệ máy móc hiện đại, Cty cổ phần Tràng An còn vươn lên làm chủ công nghệ bằng việc nghiên cứu ứng dụng vào thực tiễn các đề tài khoa học, sáng kiến kỹ thuật. Chẳng hạn như đề tài “Nghiên cứu và cải tiến sản phẩm bánh trứng nướng trên dây chuyền Bánh Pháp” (Đề tài cấp Thành phố) đã mang lại những bước đổi mới vượt bậc về chất lượng, mẫu mã bao bì, sử dụng nguyên liệu nội thay thế, hạ được giá thành sản phẩm, nâng cao hiệu quả đầu tư cũng như nâng cao giá trị thương hiệu Tràng An trên thị trường. Hay sáng kiến “Nghiên cứu và Việt Nam hóa một số bộ phận chi tiết chính nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng trên dây chuyền sản xuất Snack – Extruder BC45 của Cộng hòa Pháp” (Sáng kiến được Liên đoàn Lao động Hà Nội trao giải) đã thay thế được một số phụ tùng nhập khẩu có giá trị cao, góp phần giảm chi phí, ổn định sản xuất, tạo sự chủ động trong khâu sửa chữa máy móc, thiết bị.
Dù ở bất cứ nơi đâu, đảm nhiệm bất cứ công việc gì nhưng mỗi người đều phải có những ước mơ, những hoài bão, khát khao cháy bỏng và ý chí quyết tâm cao thì mới thành công.
|
Tràng An cũng là một trong số DN sớm nhất áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2000 vào sản xuất. Hiện Cty đã triển khai áp dụng hệ thống quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm HACCP cho 3 dây chuyền sản xuất. Nhờ nỗ lực cải tiến và đầu tư công nghệ sản xuất tiên tiến nhất, nhiều năm liền sản phẩm bánh kẹo Tràng An luôn chiếm được lòng tin của người tiêu dùng, từ 2004 đến nay tốc độ tăng trưởng bình quân đạt trên 30%.
Con người là nhân tố quyết định
Anh Sỹ cho rằng, doanh nhân phải có tầm nhìn chiến lược, có niềm tin vào con người, có phong cách sâu sát tỉ mỉ và khi đã thống nhất chủ trương thì chỉ đạo quyết liệt để thực hiện bằng được. Đó là một trong những nhân tố góp phần làm nên thành công của doanh nhân cũng như DN. Nói về con người trong một DN, anh quan niệm: một DN muốn phát triển mạnh trước hết là phải có một bộ khung mạnh. DN được ví như một cái cây, thân khoẻ, gốc rễ phải tươi tốt, sau đó đến các cành lớn, cành nhỏ và những chiếc lá… Có quan niệm rõ ràng như vậy nên trong công tác cán bộ anh đã mạnh dạn đầu tư, lựa chọn bộ khung cho DN mình có đủ đức, đủ tài. Lựa chọn được cán bộ tốt nhưng làm sao để giữ chân họ cũng là một vấn đề đáng phải bàn và anh đã tìm được hướng đi cho DN mình đó là thực hiện triệt để “cơ chế” trách nhiệm đi đôi với quyền lợi. Anh cho rằng cơ chế này đã tạo ra động lực thúc đẩy mỗi cán bộ nhân viên đem hết tâm huyết của mình để phục vụ DN. Tuy nhiên, một vấn đề cũng đang làm anh trăn trở đó là chế độ đãi ngộ của các DN hiện vẫn đang trong giai đoạn giao thời giữa cơ chế quản lý kinh tế cũ với cơ chế mới, ngay cả khi DN đã thực hiện cổ phần hoá, lãnh đạo DN cũng không được toàn quyền quyết định các khoản thu nhập cho cán bộ nhân viên trong Cty, đặc biệt đối với những cán bộ về Cty sau thời điểm cổ phần hoá. Chính những điều này đã xảy ra tình trạng chảy máu chất xám đối với các DN trong nước. Anh tâm sự, người công nhân có 1/3 thời gian gắn bó với DN, bên cạnh đời sống vật chất, DN phải luôn hỗ trợ về mặt tinh thần. Đối với mỗi người, giá trị của tinh thần đặc biệt quan trọng, người lao động có niềm vui sao cho niềm vui được nhân lên, người lao động có nỗi buồn sao cho nỗi buồn được chia sẻ, tạo sự yên tâm cho mỗi cán bộ, công nhân viên làm việc tại Tràng An. Chính những điều này đã gắn kết những người lao động của Tràng An thành một khối đoàn kết vững chắc.
Uy tín từ thương hiệu
Có chí làm quan, có gan làm giàu. Đã là doanh nhân, ai cũng mong muốn làm giàu nhưng cần làm giàu chính đáng, có văn hoá trong kinh doanh, cạnh tranh sao cho đối thủ phải tâm phục, khẩu phục. Anh tâm sự, trong bối cảnh cạnh tranh đầy khốc liệt, các DN bánh kẹo VN không chỉ cạnh tranh với các sản phẩm ngoại nhập, mà còn cạnh tranh tại chính các DN VN với nhau. Không cùng một vạch xuất phát, những đơn vị mới thành lập, những cơ sở gia công đã ngang nhiên ăn cắp mẫu mã sản xuất hàng giả, hàng nhái, trốn thuế… gây thiệt hại không chỉ cho DN mà ngay cả người tiêu dùng.
Đánh giá được vai trò, ý nghĩa của thương hiệu trong việc xúc tiến thương mại, anh cùng với ban Giám đốc Cty đã có sự quan tâm đặc biệt tới việc xây dựng và phát triển thương hiệu cho sản phẩm, đặc biệt là kể từ sau khi cổ phần hoá DN. Hàng năm Cty đều trích khoảng 3% doanh thu để đầu tư cho phát triển thương hiệu. Đầu năm 2007, Cty cũng đã xây dựng bộ “Nhận diện thương hiệu” mới của Tràng An, từ logo, nhãn hiệu, bao bì, giấy tờ, biển hiệu… Cùng với việc nâng cao chất lượng sản phẩm, việc đầu tư nghiên cứu để cho ra đời những kiểu dáng, bao bì với những chi tiết phức tạp sẽ bảo vệ một cách tốt nhất cho những sản phẩm của mình, tránh được hàng giả, hàng nhái.
Đăng ký bảo hộ Sở hữu trí tuệ (SHTT) đã và đang trở thành yêu cầu cấp thiết cho các DN VN trong phát triển và hội nhập. “Các sản phẩm, dịch vụ của DN VN sẽ không thể đứng vững trên thị trường trong nước và bước vào thị trường thế giới nếu không được đăng ký bảo hộ SHTT”. Nhận thức được vai trò quan trọng của SHTT, từ năm 1992 đến nay, Tràng An đã đăng ký nhãn hiệu và kiểu dáng công nghiệp cho hơn 40 sản phẩm của mình. Với việc đưa ra thị trường những sản phẩm có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp và giá thành phù hợp, những năm qua, Cty cổ phần Tràng An đã không ngừng phát triển lớn mạnh và trở thành một trong những DN bánh kẹo hàng đầu VN. Tràng An đã khẳng định được vị trí dẫn đầu, với 5 sản phẩm làm nên tên tuổi Cty, đó là kẹo “Hương cốm”, “Teppy Snack”, “Bánh Pháp”, “Bánh quế” và bánh mỳ TYTI “kiểu Pháp”. Năm nay Tràng An dự kiến sản xuất đạt 5.500 tấn sản phẩm, đạt doanh thu vượt xa kế hoạch đề ra 165 tỷ. Thương hiệu Tràng An đã trở thành thương hiệu uy tín, sản phẩm chất lượng cao, đứng vững trên thị trường trong và ngoài nước như một phần gắn bó với sự tinh tế, nét thanh lịch của người Tràng An – Hà Nội.
Hiện nay, Tràng An có trên 70 đại lý và 3 nhà phân phối sản phẩm, trải khắp đất nước nhưng tập trung chủ yếu ở miền Bắc và Bắc Trung bộ. Sản phẩm bánh kẹo Tràng An được xuất sang các nước Đông Âu, Mông Cổ, Malaysia, Đài Loan, Trung Quốc… Mặc dù số lượng chưa nhiều nhưng cũng mở ra hướng phát triển mới cho công ty.
Phác hoạ về Tràng An trong 10, 15 năm năm tới, Tổng Giám đốc Trịnh Sỹ tự hào nói rằng: chúng tôi sẽ phấn đấu trở thành một Cty lớn về chế biến thực phẩm. Bánh kẹo là gốc, sau đó phát triển sang các ngành hàng thực phẩm khác. Để trở thành Group bánh kẹo, năm nay Tràng An đã đầu tư xây dựng nhà máy bánh kẹo Tràng An.2 tại Thị xã Cửa Lò – Nghệ An với tổng số vốn giai đoạn 1 là 32,5 tỷ đồng, bắt đầu sản xuất chính thức từ 2009. Trong tương lai chúng tôi sẽ phấn đấu có Tràng An.3, Tràng An.4… trong đó có một Cty phân phối sản phẩm chung của các nhà máy bánh kẹo Tràng An trên cả nước. Cty hiện đang triển khai một dự án mang tính chiến lược, đó là di chuyển cơ sở sản xuất của DN ra KCN tại Hà Tây (thực hiện trong giai đoạn 2008 – 2010), chuyển đổi mục đích sử dụng đất tại khu nhà máy cũ ở Nghĩa Đô, Hà Nội và đa dạng hóa sản xuất kinh doanh.
Cty cổ phần Tràng An đã giành được nhiều danh hiệu cao quý: Đó là “Hàng Việt Nam chất lượng cao”; “Sao Vàng Đất Việt”; “Cúp Thăng Long”; “Thương hiệu nổi tiếng Việt Nam”; “Cúp Vàng thương hiệu, nhãn hiệu”; “Quả Cầu Vàng”… Sản phẩm bánh kẹo Tràng An được công nhận là một trong 10 sản phẩm chủ lực của Thủ đô Hà Nội 2007; Tổng Giám đốc Trịnh Sỹ được trao giải thưởng “Nhà quản lý giỏi Hà Nội 2007”; “Doanh nhân Tâm – Tài”…
|
Hoàng Hà (dddn)
Bình luận (0)