Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Hoài Linh không sợ tin đồn giới tính

Tạp Chí Giáo Dục

“Nếu giới tính của tôi có vấn đề gì cũng chẳng ảnh hưởng đến việc tôi mang tiếng cười cống hiến cho khán giả” – danh hài thành công với những vai giả gái trải lòng.

Hoài Linh tự trang điểm cho mình.

Vì sao anh luôn tự hóa trang cho mình thay vì nhờ đến các chuyên gia trang điểm như những diễn viên khác?

– Tôi không theo khóa đào tạo trang điểm nào, chỉ học lỏm người ta làm chút vốn giắt lưng. Nhiều khi việc gấp, mình không có thời gian chờ chuyên gia trang điểm nên phải tự làm, riết rồi thành quen. Hơn ai hết mình hiểu khuôn mặt mình nhất. Tôi cũng tự trang điểm khá lâu rồi, mua sắm cả một bộ đồ nghề đầy đủ, biết được cần làm những gì để thành phụ nữ, hóa trang thế nào cho giống một ông già. Rất may, khán giả cũng hài lòng với dung nhan của tôi trên sân khấu.

Nguyên nhân nào khiến anh chọn dạng vai phụ nữ cho mình?

– Nghề chọn tôi chứ tôi không chọn nghề. Hoàn cảnh đưa đẩy tôi vào nghiệp hài lúc nào không biết. Lẽ ra tôi đã làm nhà giáo theo nghiệp gia đình.

Lúc đầu tôi không muốn đóng vai phụ nữ nhưng sau nhiều kịch bản yêu cầu nên mình cũng thử. Nam giới đóng phụ nữ có những câu nói người ta sẽ không chấp mình, hơn nữa cái hài cần yếu tố mới lạ. Tôi có ưu thế bởi vóc dáng nhỏ, vào vai phụ nữ không bị thô.

Anh tạo được thương hiệu “Hoài Linh giả gái”. Nhưng liên tục khai thác một dạng vai, anh nghĩ thế nào về việc mình sẽ làm khán giả nhàm chán?

– Mỗi vai diễn của tôi là một tính cách. Có những vai bà già đanh đá, chua ngoa, có những vai cô gái đi thi hoa hậu, lại có khi là hình tượng phụ nữ đẹp mà tôi rất thích như trong vở Ru lại câu hò. Một năm nay tôi không đóng giả gái, trừ vai diễn trong show của Đàm Vĩnh Hưng. Có những video tôi quay cách đây hàng năm, nhưng giờ người ta mới xem nên tưởng tôi chỉ chăm chăm khai thác dạng vai này. Ngoài ra, tôi cũng hay vào vai những người già nghèo khổ, bất hạnh.

Tạo dáng "Yêu nữ thích hàng hiệu".

Để vào vai một người phụ nữ thành công, anh phải làm thế nào?

– Tôi quan niệm hóa trang phụ nữ là phải đẹp, không thể lửng lơ được. Phụ nữ luôn được mệnh danh là phái đẹp. Hóa trang không tới sẽ gây phản cảm rất lớn. Vì thế tôi đầu tư rất nhiều vào quần áo, đồ make up, trang sức để làm đến nơi đến chốn. Những vai diễn của tôi có hình bóng của ba người phụ nữ mà tôi ảnh hưởng nhất là mẹ, bà nội và bà ngoại. Ngoài ra, tôi cũng bổ sung kinh nghiệm cho mình bằng việc quan sát các cô gái trên phim ảnh và giao tiếp ngoài đời.

Vậy người phụ nữ gần gũi nhất với anh là vợ – có vai trò nào trong việc này?

– Ngay từ khi bắt đầu đóng vai phụ nữ, tôi thường mặc quần áo của vợ đi biểu diễn. Vợ tôi quá quen với điều này và hiểu công việc của chồng. Thi thoảng cô ấy động viên tôi bằng những câu khen đẹp, khen giống phụ nữ hay góp ý chuyện áo ngắn, áo dài chứ không can thiệp nhiều. Bản thân tôi cũng không lấy vợ ra làm hình mẫu cho vai diễn của mình, vì cô ấy là người ít nói mà những vai phụ nữ của tôi lại toàn người nói nhiều. Vợ tôi sống đơn giản, ít trang điểm nên không thể giúp tôi trong lĩnh vực hóa trang. Tôi trang điểm còn giỏi hơn cô ấy.

Anh được khen ngợi khi vào vai giả gái nhưng chính điều đó làm nảy sinh tin đồn giới tính về anh. Anh nói gì với dư luận?

– Chuyện này tôi nghe hoài nhưng không quan tâm. Tôi không sống trên dư luận. Hơn ai hết, tôi tự biết mình là người thế nào. Gia đình hiểu tôi là được. Nếu giới tính của tôi có vấn đề gì cũng rất bình thường, chẳng ảnh hưởng đến việc tôi mang tiếng cười cống hiến cho khán giả. Tôi đâu làm gì xấu cho xã hội?

Tôi từng có thời gian dài sống ở Mỹ nên có cách nhìn rất thoáng. Tôi không phân biệt những người thuộc giới tính thứ ba vì đó không phải là bệnh hoạn. Có ai muốn thế đâu, họ chỉ không được quyền lựa chọn số phận cho mình. Tôi đối xử bình đẳng với mọi người, không chỉ là những người có vấn đề giới tính mà cả những người xe ba gác, bán hàng rong cũng được tôi trân trọng giàu vì bản thân tôi vốn từ nghèo khổ mà lên.

Vợ anh ứng xử thế nào trước những tin đồn này?

– Vợ tôi không làm nghệ thuật nhưng cô ấy có sự thông cảm lớn với chồng. Tôi đi hoài nhưng cô ấy không ghen vì cô ấy biết tôi từ trước đến giờ không có tính trăng hoa. Vợ tôi quán xuyến là chủ yếu chứ tôi không có thời gian chăm sóc gia đình. Cô ấy quyết định theo tôi về Việt Nam để được gần nhau dù phải phải làm lại từ đầu. Trong cuộc sống gia đình, cứ thương nhau, yêu nhau là sẽ vượt qua tất cả sóng gió. Tôi may mắn có đời sống tình cảm tương đối bình ổn, nhẹ nhàng.

Hoài Linh hóa trang thân thành một người đàn ông 70 tuổi, giả gái đi đánh ghen trong vở hài Tết "Rượt đuổi".

Thường xuyên mang tiếng cười đến cho người khác, bản thân anh tìm niềm vui cho mình ra sao?

– Những diễn viên hài luôn là người nuốt nước mắt vào trong. Tôi cũng nhiều lần như thế. Diễn viên hài lên sân khấu chỉ được phép vui trong khi bản thân mình có những uất ức nội tâm không thể giải tỏa. Trong cuộc sống tôi ít đùa giỡn lắm. Khi về nhà tôi rất nghiêm. Tuy nhiên, những lúc gia đình tụ tập, anh chị em tôi vẫn đùa chơi với nhau.

Ngoài việc hóa thân vào những vai nữ, anh còn gây sự chú ý ở việc phát âm chuẩn ngôn ngữ ba miền. Do đâu mà anh làm được điều này?

– Ngày xưa gia đình tôi đi xây dựng vùng kinh tế mới. Ở đó có tập trung dân tứ xứ. Tôi học thầy cô ba miền, chơi với những người bạn ba miền nên học được cách phát âm, từ đó áp dụng vào công việc của mình. Tôi chỉ cần tìm hiểu thêm một số từ địa phương để sử dụng khi diễn hài. Chính vì thế, khán giả vùng miền nào cũng thấy tôi gần gũi thân quen như cùng quê với họ vậy.

Mấy năm nay, anh về hẳn Việt Nam để sống và diễn. Điều gì thôi thúc anh làm như vậy?

– Ngày xưa hồi còn ở hải ngoại, một tuần tôi đi diễn một, hai buổi nhưng cát-xê cao. Về trong nước diễn đều, cát-xê không bằng bên đó nên tính ra thu nhập vẫn tương đương nhau, không có gì thay đổi. Có điều về Việt Nam tôi được đóng kịch dài, được học hỏi thêm nhiều thứ chứ không đơn thuần là tấu hài nữa.

Tên tuổi anh có sức nặng với các bầu show, trong khi con trai anh gần đây bắt đầu đi hát. Anh giúp con trai mình thế nào những ngày đầu lập nghiệp?

– Con trai tôi cũng làm nghệ thuật nhưng không theo nghề bố mà là ca sĩ hát dòng nhạc quê hương. Tôi để cho cháu chọn vì tôi quan niệm, những gì mình thích mới có thể làm tốt. Tôi muốn con mình phải tự thân vận động, tạo lập mọi thứ bằng tài năng của nó. Tôi không bao giờ dùng tên tuổi của mình giúp đỡ ai, kể cả em hay con mình vì như thế sẽ tạo cho họ tính ỷ lại. Điều đó không phải giúp mà chính mình đang kìm hãm họ phát triển.

Tôi biết con trai mình chọn dòng nhạc quê hương là vất vả cho nó, nhưng máu tôi thích nhạc quê hương. Hơn nữa, cũng hiếm người có giọng ngân nga, ngọt ngào để theo đuổi dòng nhạc này. Hát vớ va vớ vẩn thì bây giờ khó gì.

Ngọc Trần thực hiện
Ảnh:
Ngọc Trần (Theo VNE)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)