Cảm giác tay (chân) tê, đau nhức nhưng cứ nghĩ là bệnh xương khớp thông thường, khi vào bệnh viện thì đã muộn, vùng tê nhức bị hoại tử.
Đừng chủ quan khi tay (chân) tê, đau
Cách đây hơn năm, ông Trần Đương (ngụ đường Tân Kỳ Tân Quý, Q.Tân Phú, TP.HCM) cảm thấy mình bị tê mỏi và đau nhức ở chân trái, nghĩ là bệnh xương khớp thường gặp của tuổi già nên ông không quan tâm lắm. Một thời gian sau, các đầu ngón chân chuyển màu tím đen và chân đau nhức dữ dội, người nhà mới đưa ông vào bệnh viện. Sau khi thăm khám, BS tiến hành các xét nghiệm và đi đến kết luận, động mạch chân của ông Đương bị tắc ở nhiều vị trí. Nguy hiểm hơn, chân trái của ông Đương sẽ bị cắt bỏ (vì hoại tử nặng do máu không thể dẫn đến và nuôi sống) nếu đi bệnh viện trễ hơn vài giờ.
Cũng như ông Đương, gần đây bà Nguyễn Thị O. (ngụ xã Tân Kim, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An) bị tê và đau nhức chân nhưng cứ nghĩ là bệnh khớp nên không đi bệnh viện thăm khám. Đến khi cơ thể không thể chịu nổi những cơn đau, bà O. vào viện thì bệnh tình đã quá nặng, các đầu ngón chân bị tím đen. Bà O. được chẩn đoán tắc nghẽn động mạch hai chân. BS chỉ định phải tiến hành phẫu thuật nong, đặt sten động mạch, ghép tĩnh mạch tự thân để đưa máu xuống nuôi chân.
Vết hoại tử trên chân của một bệnh nhân được phát hiện ở giai đoạn nhẹ |
Khác với ông Đương và bà O., ở chân (dưới đầu gối) của ông Trương Văn S. (đường số 2, cư xá Đô Thành, P.4, Q.3) xuất hiện nhiều vết bầm đen, ban đầu sờ, ấn vào còn thấy đau, về sau mất cảm giác hoàn toàn. Ông S. được BS chẩn đoán tắc động mạch, máu không dẫn vào khu vực nên bị hoại tử.
BS Nguyễn Văn Thịnh, Khoa Nội tim mạch, Bệnh viện Nhân dân Gia Định cho biết, vết loét hoại tử da làm tổn thương hệ thống bảo vệ cơ bản nhất, cơ thể mất khả năng chống lại những tác động xấu từ môi trường bên ngoài, từ đó vết loét có thể gây nhiễm trùng… Theo BS Thịnh, loét hoại tử da có nhiều nguyên nhân, như biến chứng thần kinh ngoại biên của tiểu đường; Bệnh nhân tai biến mạch máu não biến chứng liệt người; Mụn nhọt gây nhiễm khuẩn gây loét hoại tử da; Loét hoại tử da do tắc động mạch. Trong đó, nguyên nhân loét hoại tử da do tắc động mạch là thường gặp nhất.
Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM từng tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhân nhập viện trong tình trạng ngón chân hoại tử do bị mắc bệnh tắc mạch máu nuôi. Thông thường, bệnh nhân vào bệnh viện là bệnh đã nặng do chủ quan, cứ nghĩ đau chân là do bệnh xương khớp thông thường, uống thuốc giảm đau sẽ khỏi.
Hút thuốc lá, nguy cơ hoại tử cao
Bệnh tắc động mạch mạn tính thường gặp ở người lớn tuổi, đặc biệt là người hút thuốc lá lâu năm, mắc một trong các bệnh như tiểu đường, tăng huyết áp và rối loạn mỡ máu. Thời gian phát đau, tê ở chân đến ngón chân tím đen rất nhanh nên khi có cảm giác đau, tê, cần đến bệnh viện để được thăm khám kịp thời, tránh bị tàn phế. Khi tay chân có cảm giác tê mỏi, bệnh nhân nên nhanh chóng vào cơ sở y tế gần nhất đủ điều kiện để chẩn đoán và điều trị, tránh để gây loét hoại tử sẽ kéo dài thời gian điều trị và điều trị rất phức tạp.
Khói thuốc lá có hơn 4.000 độc tố, trong đó có những chất làm tổn thương thành mạch máu gây viêm tắc động mạch, cản trở lưu thông máu. Phần ngón chân (tay) có màu tím đen là do thiếu ôxy và chất dinh dưỡng, dẫn đến hoại tử nhanh. Ở giai đoạn phát hiện sớm, người bệnh có cảm giác đau từng cơn, từ đau nhẹ sau tăng dần, do đó một số trường hợp chẩn đoán nhầm với nhóm bệnh về cơ xương khớp. Đến giai đoạn người bệnh thấy tê buốt ngón tay (chân), hoại tử và loét chi, dấu hiệu nhận biết cũng dễ dàng hơn, bệnh nhân đau nhức, vận động hết sức khó khăn.
Bài, ảnh: Trần Anh
Theo BS Thịnh, phụ thuộc vào nhiều yếu tố cũng như bệnh lý của từng người mà có phương pháp điều trị thích hợp. Có những phương pháp chữa trị loét hoại tử da như: Sử dụng thuốc làm tăng lưu thông mạch máu và ngăn ngừa cục máu đông; làm cầu nối động mạch phục hồi lưu thông máu và cắt thần kinh giao cảm để phần nào giảm đau và giãn mạch. Không ít trường hợp, bệnh nhân đến trễ quá dẫn đến bàn tay, bàn chân hoại tử thì phải chọn giải pháp cắt bỏ. |
Bình luận (0)