Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Hoan hô trí tuệ Việt Nam!

Tạp Chí Giáo Dục

Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

Kỳ thi Olympic Vật lý quốc tế (IPhO) do Việt Nam đăng cai tổ chức tại Hà Nội vừa qua, 5 thí sinh Việt Nam dự thi đều giành được huy chương. Trong đó, có 4 huy chương vàng (HCV), 1 huy chương đồng  (HCĐ). (Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam 28-7-2008).

Các em đoạt HCVcủa đội Việt Nam (theo thứ tự điểm từ cao xuống thấp) là: Huỳnh Minh Toàn (Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, Đà Nẵng) đạt 37,5 điểm, Đỗ Hoàng Anh (Khối chuyên Lý, Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội) đạt 37,31 điểm, Nguyễn Đức Minh (Trường THPT Hà Nội – Amsterdam) đạt 34,63 điểm, Nguyễn Tất Nghĩa (Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An) đạt 34,05 điểm. Thí sinh còn lại là Trần Anh Vũ (THPT Dân lập Đào Duy Từ)  cũng giành  HCĐ.

Giới hạn điểm đoạt HCV của các thí sinh là từ 33-50 điểm (50 là điểm số tối đa cho cả hai phần thi lý thuyết và thực nghiệm). Điểm số cao nhất của IPhO lần này thuộc về thí sinh Long Di Tân của Trung Quốc: 44,6/50. Thí sinh đạt điểm cao nhất và thí sinh có điểm thi lý thuyết cao nhất đều thuộc về Trung Quốc. Thí sinh có điểm thực nghiệm cao nhất thuộc đội Đài Loan. Theo thống kê ban đầu thì đoàn Trung Quốc và Đài Loan giành chiến thắng tuyệt đối với 5 HCV cho cả 5 thành viên. Đặc biệt, 3 giải thưởng cao nhất của IPhO lần này cũng thuộc về 2 đội này và đội tuyển Việt Nam nằm trong top 5 đội có thứ hạng cao nhất.

Hoan hô các em. Hoan hô các thầy, cô giáo đã trực tiếp chăm lo bồi dưỡng cho các em. Hoan hô sự phát triển của bộ môn lâu nay vốn không phải là thế mạnh của Việt Nam (bởi, với cách dạy “chay” khá phổ biến hiện nay, nhiều người nghi ngại khả năng thực hành của các em).

Thành quả trên và thành quả của các kỳ thi Olympic quốc tế các môn khác trong nhiều năm trước đây, chứng tỏ trình độ trí tuệ của học sinh Việt Nam “ngang ngửa” tầm cao trên thế giới. Nếu công việc phát hiện, tuyển chọn, bồi dưỡng tài năng được thực hiện chu đáo, bài bản, thì không khó gì để Việt Nam đạt những đỉnh cao mong muốn.

Tuy nhiên, vấn đề không dừng ở đây. Đạt được đỉnh cao để làm gì? Có phải chỉ để “ăn xổi ở thì”, chứng tỏ chúng ta có “thành tích”, rồi thôi? Câu hỏi này không thể không đặt ra, nếu chúng ta theo dõi sự thành đạt của tất cả các em từng đoạt giải trong các kỳ thi Olympic quốc tế các môn khác trước đây. Các em đã đi đâu, làm gì? Bao nhiêu em trở thành những nhà khoa học thực sự và hoạt động đúng lĩnh vực chuyên môn của mình? Bao nhiêu em đã ghi được “dấu ấn Việt Nam” về khoa học kỹ thuật trên thế giới? Những em này có nằm trong kế hoạch thực hiện “chiến lược bồi dưỡng nhân tài” của Đảng và Nhà nước không?

Rồi nữa, dưới góc độ quản lý, tác động giữa “đỉnh cao” với “đại trà” như thế nào? Từ những kỳ thi này, liệu có “khuấy động” được không khí học tập của quảng đại học sinh, và từng bước có kế hoạch thiết thực, cụ thể trong việc giải “bài toán chất lượng” của tất cả các môn học hiện nay?

Công việc quản lý đòi hỏi phải có quan điểm “tiếp cận hệ thống”, vậy thì “đoạt huy chương rồi thì sao nữa?”.

C.Dân

Bình luận (0)