Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Hoãn học chữ, đi trường đời

Tạp Chí Giáo Dục

Tách mình khỏi nhịp sống thường để đi, trải nghiệm và chia sẻ trong khoảng thời gian dài nhất định, đó gọi là “gap year” – một hoạt động của giới trẻ phương Tây được không ít bạn trẻ Việt tìm đến gần đây.

Dành hẳn cả năm để trải nghiệm cuộc sống – đi du lịch, làm thiện nguyện…, nhiều bạn trẻ Việt đang thử “gap year” để trưởng thành hơn.
Nguyễn Thanh Việt (bìa trái) trong khóa học nhảy dù – Ảnh: Thùy Phương
Chút nổi loạn của tuổi trẻ!
"Dẫu đôi lúc cũng thấy chạnh lòng vì bạn bè đồng trang lứa giờ đều đã đi làm, có thu nhập rủng rỉnh… nhưng nếu cho chọn lại tôi sẽ vẫn chọn “gap year”. Bởi cuộc sống chỉ trọn vẹn khi chúng ta can đảm sống theo đam mê thật sự của mình, và biết tự chịu trách nhiệm với chính mình"
KHÔI NGUYÊN 

Tốt nghiệp trung học tại Singapore vào tháng 11-2009, Trần Bá Khôi Nguyên (sinh 1990) tranh thủ quay về thăm VN trước khi qua Mỹ học tiếp với học bổng toàn phần. Tình cờ tham gia một chuyến về miền Tây dạy học cùng Tổ chức thiện nguyện quốc tế YMCA, được tận mắt chứng kiến cuộc sống miền sông nước bình dị nhưng đầy ắp điều mới mẻ, Khôi Nguyên nhận ra cuộc sống của mình bấy lâu nay quá nhàm chán, đơn điệu bên sách vở. Bạn quyết định gửi email qua Mỹ để xin trường cho nhập học trễ một năm.

Chỉ mới hoàn thành tuần học đầu tại Trường ĐH Ngoại thương, bạn Nguyễn Gia Ngọc (sinh 1992, cựu học sinh chuyên toán THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam) đột ngột bỏ ngang việc học để đi… bán thiệp và dạy học miễn phí. “Có thể đó là chút nổi loạn của tuổi trẻ, nhưng đó cũng có thể là hành động dễ hiểu khi bạn hoài nghi về chính mình” – Ngọc chia sẻ.
Tìm đến “gap year” ngay sau khi tốt nghiệp ĐH tại Nhật, bạn Nguyễn Thanh Việt (sinh 1987) lại đăng ký đi học lặn biển, nhảy dù và… làm quản gia thay vì đi làm! “Dẫu hơi trễ nhưng tôi vẫn muốn thực hiện “gap year” vì thấy bản thân còn thiếu nhiều kỹ năng” – Việt giải thích lý do tìm đến các công việc, khóa học đầy thử thách trên thay vì đi làm như chúng bạn. Thời gian rảnh, bạn dịch sách để kiếm thu nhập.
Tương tự, cô bạn Diêm Anh Thư (sinh 1993, cựu học sinh THPT chuyên Lê Hồng Phong TP.HCM) luôn trăn trở với một câu hỏi lớn suốt thời phổ thông: “Bao năm qua mình chỉ biết quanh quẩn ở nhà, tới trường rồi đi học thêm. Mọi bước đi đều được định sẵn. Mình thật sự cần và muốn làm gì?”.
Sau khi trò chuyện cùng một số bạn trẻ tại hội thảo Vietabroader vào tháng 7-2010, Anh Thư đã dành thời gian tìm hiểu kỹ và lấy hết can đảm để “hùng biện” trước gia đình, thuyết phục cho mình thực hiện “gap year”.
Khoảng nghỉ cần thiết
“Bớt chảnh hơn”, Khôi Nguyên thẳng thắn thừa nhận sau quá trình đi “gap year”. Từng làm liên đội phó và luôn nằm trong tốp học sinh giỏi nhất Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TP.HCM), giành học bổng toàn phần hệ trung học tại Singapore, Khôi Nguyên cho biết bản thân từng rất kiêu căng. Bị mọi người góp ý, bạn dửng dưng “giỏi mà chảnh thì có gì sai”.
“Nhờ chuyến đi miền Tây, tôi nhận ra nhiều bạn trẻ dưới quê học rất giỏi, thông minh hơn mình. Cái họ thiếu chỉ là thông tin và cơ hội. Nhìn vào họ, tôi thấy cắn rứt khi nghĩ về quá khứ tự cao của mình”, đây là điều thôi thúc Khôi Nguyên quyết định dành hai năm làm “gap year”. Vét hết số tiền kiếm được từ công việc quản lý mạng, phụ bán ở nhà sách… bạn vác balô quay trở lại miền Tây dạy học cho trẻ em nghèo, đi cứu trợ đồng bào bị lũ quét ở Tây nguyên, tổ chức quyên góp đồ và lên núi, tận tay phát cho người dân Hà Giang những đợt hạn hán…
Một năm làm “gap year” cũng là khoảng thời gian ý nghĩa với Anh Thư. “Thông qua việc tham gia nhiều hội thảo kỹ năng, cùng chung tay tổ chức một số hoạt động xã hội… với bạn bè khắp nơi, thế giới quan trong tôi theo đó cải thiện hẳn. Điều này cũng giúp tôi rất nhiều trong việc tự định hướng con đường để đi” – cô bạn tân sinh viên ĐH Franklin & Marshall (Mỹ) nhìn nhận.
Theo Anh Thư, một năm dừng lại để suy ngẫm, nhìn lại bản thân, để tìm tòi và thử sức ở nhiều lĩnh vực khác nhau… là cần thiết cho người trẻ. “Đứng trước tuổi 18, giới trẻ thường ít người biết bản thân phù hợp với ngành nghề gì. So với việc bỏ ra bốn năm để học một nghề rồi phát hiện mình không thích hợp, sau đó phải gắn bó cả đời với nó thì việc “gap year” một năm không phải là cái giá quá đắt” – Anh Thư nói.
Chuẩn bị qua Anh học cao học vào đầu tháng 8-2012, Thanh Việt hiện vẫn mê mải với những chuyến “phượt” xuyên Việt, tiếp tục đăng ký những khóa học “độc” chỉ nhằm thỏa mãn đam mê của bản thân. Nếu như khóa học lặn ba tháng ngoài biển giúp Thanh Việt hiểu được lý do đục, trong của con nước, cách hô hấp và giữ nhiệt cơ thể dưới nước; khóa học nhảy dù giúp trui rèn bản lĩnh, khắc phục chứng sợ độ cao… thì khóa huấn luyện cho vị trí quản gia của một khu resort lại giúp bạn biết nhã nhặn, tiết chế cái tôi… Thanh Việt cứ đi và cóp nhặt từng điều tưởng chừng như nhỏ nhặt như thế để hoàn thiện chính mình.
Gia Ngọc lại tìm thấy ý nghĩa cuộc sống từ những điều tưởng chừng như bình dị nhất. Niềm vui của bạn hiện chỉ đơn giản là đi bán thiệp và bán hết hàng; đi dạy, thấy học trò tiến bộ từng ngày; tham gia tổ chức các hội thảo dành cho giới trẻ nhưng không nhận lương… Bạn thừa nhận: “Những việc trên giờ như là hơi thở, ngày nào không làm là không chịu được”. Dẫu đã nhận được học bổng từ ĐH Saint John’s (Mỹ) cho niên khóa 2012-2016, Gia Ngọc vẫn chần chừ, luyến tiếc với những dự án tình nguyện tại VN.
CÔNG NHẬT (TTO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)