Lục cúng hoa đăng nguyên bản vẫn còn được các nhà sư ở chùa Huế lưu giữ – Ảnh: Văn Thanh
|
Bộ hồ sơ được các cán bộ khoa học của trung tâm thực hiện hơn một năm với các nghiên cứu điền dã, thu thập tài liệu, phỏng vấn nghệ nhân, nghệ sĩ… từng biểu diễn điệu múa này; phỏng vấn các nhà sư ở các chùa am hiểu về điệu múa, ký âm tất cả các bài bản của điệu múa, mời một số chuyên gia cùng nghiên cứu và cung cấp thông tin…; so sánh đối chiếu các nguồn tư liệu nhằm tìm ra bài bản đầy đủ và chính xác nhất.
Lục cúng hoa đăng là điệu múa xuất phát từ Thiền môn, được triều Nguyễn đưa vào cung đình phục vụ trong các ngày lễ Vạn thọ, Thánh thọ, Tiên thọ… Hiện nay, tuy Lục cúng hoa đăng vẫn đang được biểu diễn cùng với Nhã nhạc tại Nhà hát Duyệt Thị Đường để phục vụ khách du lịch, nhưng các bài múa và một số trình thức đã bị thay đổi; các bài sám, bài tán được rút ngắn, nhiều động tác múa hiện đại được đưa vào không đúng, diễn viên hát không rõ lời, âm nhạc nhanh hơn khiến cho “tán” “tụng” mất dần chất thiền.
Bộ hồ sơ khoa học trên hoàn thành là cơ sở để phục dựng nguyên bản điệu múa Lục cúng hoa đăng, đồng thời là tiền đề để tiếp tục nghiên cứu, phục dựng các điệu múa cung đình khác nhằm tiến tới đề nghị UNESCO công nhận các điệu múa cung đình Huế là di sản thế giới.
Bùi Ngọc Long (Theo TNO)
Bình luận (0)