Bài thơ Bên kia sông Đuống là tác phẩm tiêu biểu của nhà thơ Hoàng Cầm, bắt nguồn từ một hồn quê, hồn kháng chiến.
Năm ấy (1948), nhà thơ làm ở tòa soạn Báo Quân Việt Bắc do nhà văn Nguyên Hồng làm Chủ biên. Vào lúc 9 giờ đêm, nhà thơ được ông Lê Quảng Ba, Chỉ huy trưởng chiến khu 12 mời lên nghe báo cáo về tình hình chiến sự ở bên bờ nam sông Đuống. Giặc Pháp chiếm Gia Lâm, Phả Lại, quân ta hy sinh nhiều. Giặc bắt phụ nữ, thanh niên; còn dân thì bị tàn sát, đình làng bị chúng chiếm lập bộ chỉ huy, trường học bị đốt trụi. Làng Hồ trong tiêu điều vẫn chiến đấu ác liệt. Nghe báo cáo, nhà thơ bụng dạ cồn cào, xúc động, có lúc bật khóc, có lúc người run lên vì căm giận và thương cảm.
Khuya về, trong bụng như trống rỗng, nhà thơ không ngủ được. Dòng sông Đuống lại hiện lên, những hình bóng, những âm thanh ngả nghiêng theo ánh đèn dầu lắt lay trên bức vách. Rồi đột nhiên từ thôn xóm nào xa xa, vang vọng bên tai giọng hát, như than thở, như ru em, giọng phụ nữ trong trẻo, nghe rõ mồn một: “Em ơi! Buồn làm chi/ Anh đưa em về sông Đuống/ Ngày xưa cát trắng phẳng lì”. Rồi sông Đuống hiện ra trăn trở, chênh chếch, nghiêng nghiêng. Trên dòng sông lấp loáng nào tranh Đông Hồ, giấy điệp, nào hình ảnh khuôn mặt búp sen cô hàng xén, những phơ phơ tóc trắng cụ già, nào chuông chùa Bút Tháp, nào trống hội làng… Như từ bên kia sông Đuống, sắc máu của lưỡi lê kẻ thù, lác đác lá đa cứ lên tiếng gọi về đâu, về đâu? “Đám cưới chuột tưng bừng rộn rã/ Bây giờ tan tác về đâu?/ …Những em sột soạt quần nâu/ Bây giờ đi đâu, về đâu?/ …Những người thợ nhuộm/ Đồng Tỉnh, Huê Cầu/ Bây giờ đi đâu? Về đâu?”.
Hôm ấy đúng tháng tư năm 1948, nhà văn Nguyên Hồng nghe đọc Bên kia sông Đuống, chỉ mới nghe câu: “…Một dòng lấp lánh/ Nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kỳ” đã bật khóc, lúc đầu còn nhẹ nhẹ nức nở, sau thổn thức khóc như phụ nữ có điều gì mủi lòng vậy. Nhất là khi Hoàng Cầm trình diễn bằng cánh diễn cảm thuần thục như một diễn viên kịch thơ từ đầu đến cuối. Giọng nhà thơ im ắng rồi mà nhà văn Nguyên Hồng còn thút thít, đưa ống tay áo quệt nước mắt.
Vào cuối tháng 6-1948, bài thơ Bên kia sông Đuống được đăng trọn trên Báo Cứu Quốc do hai anh Như Phong và Tô Hoài phụ trách. Đến nay, đã gần 45 năm ra đời, bài thơ này vẫn sống mãi trong lòng bạn đọc: “Bao nhiêu nước mắt/ Bao nhiêu mồ hôi/ Để con lấy lại/ Bao nhiêu cuộc đời”.
Trúc Chi
Bình luận (0)