Cảm xúc về mẹ
“Mẹ có con mà không biết. Cuộc sống chật vật, cơ cực quá khiến mẹ không quan tâm đến những biến đổi của cơ thể mình. Khi biết thì con đã 7 tháng tuổi. Một bên là công việc để lo miếng cơm manh áo trang trải cho các anh chị của con, cho gia đình nhỏ bé bên sông Cầu Hạc luôn run rẩy trước đói nghèo từng giờ từng phút, một bên là sự sống của con – một sinh linh yếu ớt, vô tội chỉ ít ngày nữa cất tiếng khóc chào đời, buộc mẹ phải lựa chọn.
Mẹ đã từng đau đớn với ý nghĩ phải bỏ con, mẹ đã từng dằn vặt với quyết tâm để con không phải sinh ra, không phải chịu khổ như các anh chị của con. Nhưng rồi mẹ không đủ can đảm để chối từ con, chối từ giọt máu của ba mẹ.
Mẹ không đủ dũng cảm để chịu đựng nỗi đau hủy hoại mầm sống của chính mình. Và con chào đời trong hạnh phúc vô biên của người mẹ dám vượt lên nỗi sợ, dám đối mặt với cái khổ, dám nhìn thẳng vào mọi trở ngại cuộc đời; trong nước mắt đã khô trên má mẹ, trong nụ cười ầng ậng nước của cha.
Con yêu, con sinh ra từ những đau đớn không gọi thành lời. Có lẽ thế nên ngay từ ấu thơ, con trai mẹ tuy bé nhỏ nhưng tâm hồn thì đã cứng cáp lắm rồi. Mẹ cảm nhận được niềm vui rộn rã trong lồng ngực con mỗi khi áp mặt vào lưng mẹ để mẹ chở tới trường trên chiếc xe kẽo kẹt! Trái tim và trực giác người mẹ không dối lừa mẹ một điều: Ở con trai mẹ mang chứa một lòng dũng cảm lạ kỳ. Có lẽ số phận ngay từ đầu đã tạo cho con sự kiên cường ấy, tinh thần chiến đấu ấy!”.
Những tâm sự này về mẹ cũng chính là “bảo bối” với sức mạnh vạn năng Ý đã mang theo mình khi rời Việt Nam sang nước bạn “chiến chinh”. Để khi trở về, “bảo bối vô hình” đã biến thành chiếc Huy chương vàng trên cổ được Ý hạnh phúc chìa ra cho bạn bè mỗi người “hôn một cái” thật kêu!
Món quà của cha
“Con trai! Trước ngày con lên đường, ba muốn tặng con một món quà. Món quà làm từ chính sản vật quê mình con nhé! Món quà cha tặng con vừa có biển xanh ngắt, vừa có cát trắng muốt, lại có cả sóng vỗ rì rào. Món quà ấy sẽ theo cu Ý bé bỏng của ba vào phòng thi. Khi con gặp khó khăn, hãy áp nó thật chặt vào trái tim mình hoặc siết nó thật chặt trong lòng bàn tay… con sẽ nghe thấy tiếng mẹ, tiếng ba thì thầm bên cạnh. Con có thể mệt quá, ngủ thiếp đi nhưng món quà của ba sẽ đánh thức con dậy, tiếp cho con sức mạnh cầm bút để phủ đầy chữ số, lời giải trên những trang giấy trắng.
Món quà của ba sẽ theo con truyền đến tay bạn bè, sẽ kiêu hãnh nằm trên cổ các bạn đến từ nước Mỹ, nước Nga… Con hãy chỉ cho họ cách ngắm nhìn quê hương mình từ món quà của ba nhé! Hãy giúp bạn nghe được tiếng sóng, cảm nhận được cái mơn man mát lịm của những bờ cát trắng chạy dài, hay dòng nước ngọt ngào của những trái dừa quê hương từ quà tặng của ba. Con trai đã đoán được món quà ba tặng con chưa? 50 vòng ốc nhé! Những con ốc đẹp nhất, to nhất của miền biển Sầm Sơn.
Nhớ nhé con yêu, những vòng ốc giản dị nhưng đầy ắp hình ảnh quê hương của con trên xứ người cách biệt, xa xôi! Hãy mạnh dạn trong chuyến đi này. Ba tin, con ba sẽ về với hạnh phúc trên môi, vòng ốc ba tặng sẽ làm nên cổ tích thần kỳ – vòng ốc “vàng” con nhé!”.
Trước khi Ý xuất quân, ba Mai đã lặn lội từ Thanh Hóa lên để tặng cậu út cưng nhà mình món quà giản dị mà kỳ lạ kia. Thay cho món quà là biết bao lời muốn nói, biết bao ước nguyện, cầu mong. Và món quà Ý đem về để tặng ba Mai cũng thật đặc biệt. Cũng là món quà ba mơ ước nhất – Huy chương vàng cho con.
Cùng kỷ niệm về “chiếc xe đạp cũ”
“Suốt những năm tháng ấu thơ, mẹ chở con đi học trên chiếc xe đạp gỉ sét, cũ kỹ. Có lần mẹ hỏi con có xấu hổ với bạn bè về mẹ, về chiếc xe xấu xí của mẹ không? Con đã úp mặt vào lưng mẹ mà thủ thỉ con chỉ xấu hổ nếu học hành thua kém bạn bè. Con biết ba mẹ nghèo lắm nên việc con được tới trường, được mẹ hàng ngày đưa đón đi về, với con niềm hạnh phúc ấy lớn vô cùng.
Con chưa bao giờ xấu hổ vì ba, vì mẹ, vì cái xe già nua, cọt kẹt của nhà mình. Trong con chỉ có một khát khao được học và phải học thật giỏi. Nhìn ba lam lũ kiếm việc làm thêm, nhìn mẹ tất tả ngược xuôi rau cháo nuôi mấy chị em con, con biết món quà duy nhất con có thể tặng ba mẹ là thành tích học tập.
Con còn bé nhỏ quá. Bàn tay non nớt chỉ mới quen cầm bút. Cái đầu chỉ chữ với số. Nhưng trái tim con là ắp đầy hình ảnh ba “ngồi học” cùng con, là hình ảnh mẹ gò lưng miệt mài chở con tới lớp. Trước khi bước vào phòng thi, con thực sự thấy sức khỏe mình không ổn. Để rồi con đã ngủ thiếp đi trong phòng 20 phút. Những vòng ốc của cha, nụ cười của mẹ, ánh mắt của thầy, giọng nói cười của bạn bè dịu dàng lướt qua giấc mơ con, đánh thức con dậy. Và điều thần kỳ đã tới…”.
Ý cười rất tươi khi bị “đòi” “Nhật ký lên đường”. “Thì những dòng này thay cho Nhật ký nhé!” Ừ, những dòng nhật ký không giống ai. Cũng giống như một chàng trai không thể lẫn trong đám đông với dáng người nhỏ bé nhưng đôi mắt thì sáng ấm lạ thường, vầng trán cao và trái tim khắc thật sâu câu chuyện Mẹ – ba và chiếc xe đạp cũ. Chàng trai ấy là Hoàng Đức Ý – Huy chương vàng Olympic Toán học Quốc tế năm nay.
Khánh Yên (Chuyên san Thế Giới Học Đường)
Bình luận (0)