Ở khu vực Đà Nẵng, có đến ba ngôi chùa cùng mang tên Linh Ứng. Lâu đời nhất là ngôi Linh Ứng tự nằm trên ngọn Thủy Sơn trong cụm Ngũ Hành Sơn, tương truyền được xây dựng từ thế kỷ thứ XVI.
Kế đến là ngôi chùa Linh Ứng trên núi Bà Nà, hoàn thành vào năm 2004, nổi bật với pho tượng Phật trắng toát cao 27m cheo leo bên sườn núi. Trẻ tuổi nhất, lớn nhất và hoành tráng nhất là Linh Ứng tự ở bãi Bụt, Sơn Trà, được khởi công vào năm 2004, hoàn thành vào ngày 30/7/2010.
Tôi đến Linh Ứng tự ở bãi Bụt, Sơn Trà khi chiều muộn vì nghe nói nơi đây sẽ đẹp và lạ hơn vào buổi tối. Vừa leo hết dãy bậc thang để lên khoảng sân trước chùa, ngay lập tức một khung cảnh trời nước mênh mang hiện ra trước mắt tôi. Có thể nói, xét về mặt tầm nhìn và phong thủy, Linh Ứng tự có vị trí độc nhất vô nhị ở khu vực Đà Nẵng. Chùa nằm trên một ngọn đồi, lưng dựa vào rừng nguyên sinh bạt ngàn, mặt hướng ra biển lớn. Đứng trước sân chùa, nhìn về tay phải là đèo Hải Vân mờ mờ trong mây, là dòng sông Hàn thơ mộng uốn lượn, là thành phố Đà Nẵng nhà cửa nhấp nhô. Nhìn về tay trái là sóng nước mênh mông, xa xa cù lao Chàm như một tấm bình phong án ngữ…
Bãi Bụt – bãi biển nằm e ấp giữa những sườn đồi, giữa những rừng cây trước chùa – được xem là một trong những bãi biển đẹp nhất của khu vực Sơn Trà. Tên gọi của bãi được đặt dựa trên một truyền thuyết xa xưa. Tương truyền, người dân trong vùng thường thấy Phật Bà Quan Âm hiện ra nơi đây, trên tay ẵm một đứa bé. Ngày nay, bãi Bụt là điểm hẹn của các tour du lịch sinh thái, của những du khách yêu vẻ đẹp biển rừng hoang sơ.
Linh Ứng tự rộng đến 12 ha, được xem là ngôi chùa quy mô bậc nhất của thành phố Đà Nẵng, gồm nhiều hạng mục: chính điện, Quan Âm Phật đài, nhà tổ, giảng đường, tăng đường, thư viện, vườn tượng các vị La Hán… Dạo bước trong khuôn viên rộng rãi của chùa, khách hành hương nào cũng bị hấp dẫn bởi những nét kiến trúc vừa hiện đại, vừa cổ kính, thanh tịnh nơi đây.
Điểm nổi bật nhất của Linh Ứng tự là tượng Quan Thế Âm lộ thiên – pho tượng Phật cao nhất Việt Nam hiện nay. Tượng cao 67m, đường kính tòa sen dưới chân là 35m. Trong lòng tượng có 17 tầng, mỗi tầng thờ nhiều tượng Phật với nhiều dáng vẻ khác nhau. Trên phần mão của tượng Quan Thế Âm còn có một tượng Phật Thích Ca cao 2m. Đến gần pho tượng, du khách không khỏi trầm trồ khen ngợi tài năng điêu khắc của các nghệ nhân. Tượng to mà không thô, các đường nét nhẹ nhàng, uyển chuyển, cân đối. Quan Thế Âm một tay bắt ấn tam muội, một tay cầm bình cam lộ, đôi mắt hiền từ hướng ra biển, sống động như thật… Những ai lần đầu đến Đà Nẵng, từ rất xa đã nhìn thấy pho tượng, lung linh giữa trời mây sông nước.
Tôi lang thang trong khu vườn tượng La Hán khi mặt trời khuất núi, khách hành hương cũng đã vãn. Các pho tượng La Hán đủ hình dáng, đủ tư thế, an nhiên tắm mình trong ánh trăng đầu hôm. Xa xa, thành phố Đà Nẵng đã bắt đầu lên đèn, nhộn nhịp, sôi động và đầy sức sống. Không gian Linh Ứng tự vẫn tĩnh lặng với tiếng sóng vỗ, tiếng gió rì rào, tiếng chuông chiều ngân nga, chút mùi nhang trầm lẩn khuất…
Nguyên Hà / Phụ Nữ
Bình luận (0)