Theo đó, các chứng chỉ hợp pháp gồm: thứ nhất chứng chỉ được cấp cho người dự thi tại Việt Nam trước 10/9/2022 (ngày Thông tư số 11 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quy định về liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài có hiệu lực thi hành); chứng chỉ được cấp cho người dự thi tại các địa điểm thi ghi trong quyết định của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ của nước ngoài tại Việt Nam sau ngày phê duyệt (danh sách cơ sở được phê duyệt liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ được công bố trên cổng thông tin điện tử của Bộ GD&ĐT và trang thông tin điện tử của Cục Quản lý chất lượng. Thí sinh có thể tra cứu danh sách các đơn vị được phép cấp chứng chỉ tại đây).
Thứ hai, chứng chỉ cấp cho người dự thi trực tiếp ở nước ngoài.
Thứ ba, chứng chỉ cấp cho người dự thi theo hình thức Home edition trước ngày 10/9/2022.
Việc xác minh chứng chỉ (mẫu và thông tin cụ thể in trên chứng chỉ) thực hiện bằng cách tra cứu tại trang thông tin điện tử chính thức của tổ chức thi cấp chứng chỉ, đơn vị liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ tại Việt Nam hoặc yêu cầu người có chứng chỉ cung cấp thông tin, minh chứng.
Năm 2022, Bộ GD&ĐT đã có văn bản yêu cầu các địa phương kiểm tra các điều kiện đảm bảo để tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài theo quy định tại Thông tư số 11/2022/BGDĐT về liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài trên địa bàn. Chỉ cho phép các tổ chức, cá nhân thực hiện việc tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài khi có quyết định phê duyệt, quyết định gia hạn liên kết tổ chức thi của Bộ GD&ĐT. Trước động thái này của cơ quan quản lý, hàng loạt các đơn vị tổ chức các kỳ thi chứng chỉ ngoại ngữ như IELTS, Aptis, Cambridge (Starters, Movers, Flyers, PET, KET), chứng chỉ HSK, HSKK (đánh giá năng lực Hán ngữ quốc tế), Nat-test (năng lực tiếng Nhật)… cũng bị thông báo hoãn việc tổ chức các kỳ thi để làm thủ tục xin cấp phép từ Bộ GD&ĐT từ tháng 9 đến tháng 11/2022. Đến ngày 11/11/2022, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã ban hành Quyết định số 3646/QĐ-BGDDT về việc phê duyệt liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ tiếng Anh Aptis. Đây cũng là mốc thời gian đánh dấu việc tổ chức thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ trở lại của các đơn vị. |
Ngay sau khi thông tin này được chuyển đến các Trường THPT, một hiệu trưởng tại Hà Nội ví von đây là một "cú phanh gấp", đồng thời cho biết: Việc Bộ GD&ĐT "phanh gấp" như thế này sẽ có tác động dây chuyền trong xã hội. Bởi hiện nay, các Sở GD&ĐT đã sắp xếp xong phòng thi, số báo danh và phiếu dự thi đã gửi đến cho thí sinh. Bây giờ tra soát lại, "thí sinh trước đó đã được miễn thi, lại phải đi thi thì xử lý thế nào?".
Hơn nữa, thí sinh khi biết được miễn thi sẽ chủ quan không tập trung ôn tập môn ngoại ngữ. Thời gian còn rất ngắn, các em thi có đảm bảo chất lượng hay không.
"Thi chứng chỉ và thi tốt nghiệp là hai thang bậc đánh giá khác nhau. Nếu thi chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế là đánh giá năng lực của học sinh thì thi tốt nghiệp THPT là đánh giá kiến thức học tập của học sinh. Nên việc "phanh gấp" thế này sẽ dẫn đến tâm lý không ổn định cho thí sinh".
Còn các trường đại học khi nhận được thông tin này cũng rất băn khoăn. Tuy Bộ GD&ĐT mới chỉ có văn bản gửi các Sở GD&ĐT nhưng khi Bộ đã không công nhận những chứng chỉ được cấp ngoài thời gian quy định trên thì các trường không thể "tự công nhận" cho thí sinh. Vì vậy, với những trường xét tuyển sớm có phương thức sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ, đã công bố điểm chuẩn cho thí sinh, rất có thể xảy ra tình huống thí sinh đỗ thành trượt.
Chính vì vậy thí sinh, các trường đều mong muốn Bộ GD&ĐT có phương án đảm bảo quyền lợi cho thí sinh một cách sớm nhất.
Theo quy chế và hướng dẫn tổ chức thi tốt nghiệp THPT 2023 do Bộ GD&ĐT ban hành hồi tháng 4, thí sinh có chứng chỉ IELTS 4.0 trở lên hoặc tương đương được miễn thi và tính điểm 10 môn tiếng Anh khi xét tốt nghiệp THPT. Hạn sử dụng chứng chỉ phải còn ít nhất tới ngày 27/6. |
Bình luận (0)