Hoạt động bán hàng đa cấp (BHĐC) được Nhà nước cho phép từ nhiều năm qua. Thế nhưng từ khi loại hình kinh doanh này có mặt tại VN thì “tiếng thơm” quá ít mà “lời ong tiếng ve” lại nhiều.
Công ty cổ phần dược phẩm Đông Phương không có giấy chứng nhận hoạt động bán hàng đa cấp nhưng vẫn tổ chức bán hàng đa cấp – Ảnh: L.TH.H.
|
Từ ngày 5-5 đến 5-6, thanh tra Sở Công thương TP.HCM đã chủ trì đoàn liên ngành tiến hành kiểm tra đột xuất việc chấp hành các quy định của pháp luật về hoạt động BHĐC đối với một số doanh nghiệp (DN). Kết quả cho thấy “sờ” đâu cũng có sai phạm.
Hoạt động không phép!
Trên 320.000 người tham gia mạng lưới BHĐC
Theo Sở Công thương TP.HCM, tính đến 30-12-2008 tổng số người tham gia mạng lưới BHĐC (số liệu báo cáo của 11/15 DN) lên tới hơn 323.000 người. Doanh thu của các DN này đạt 610 tỉ đồng. Ngoài ra còn có 11 công ty BHĐC trên địa bàn TP do một số tỉnh khác cấp giấy phép nhưng có chi nhánh tại TP.HCM. Sở Công thương TP cũng cho biết có 5-6 DN kinh doanh BHĐC không giấy phép nhưng vẫn đang hoạt động.
|
Ngày 2-6, đoàn thanh tra liên ngành đã kiểm tra Công ty cổ phần kết nối Sức Mạnh Mới (27 Dân Tộc, P.Tân Thành, Q.Tân Phú). Công ty này có giấy phép kinh doanh, sản xuất mua bán trang thiết bị y tế nhưng trên thực tế đoàn kiểm tra phát hiện công ty tổ chức kinh doanh theo phương thức BHĐC mà không có giấy chứng nhận tổ chức BHĐC của Sở Công thương TP.HCM cấp. Công ty còn kinh doanh cả máy chăm sóc sức khỏe (chưa có giấy phép đăng ký lưu hành) thuộc danh mục cấm kinh doanh theo phương thức BHĐC.
Trước đó, ngày 28-5 đoàn đã kiểm tra Công ty TNHH Sống Khỏe (385B Cộng Hòa, P.13, Q.Tân Bình). Giám đốc công ty này cho rằng công ty đã ngưng hoạt động BHĐC từ cuối năm 2007. Tuy nhiên, tại địa chỉ này công ty đang bán tám loại thực phẩm chức năng (giá bán từ 220.000-300.000 đồng/lọ). Nội dung quảng cáo có từ ngữ gây ngộ nhận cho người tiêu dùng tưởng sản phẩm là thuốc chữa bệnh.
Đặc biệt, ngày 16-5 đoàn thanh tra phát hiện Công ty cổ phần dược phẩm Đông Phương (406/60/1 Cộng Hòa, P.13, Q.Tân Bình) có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh ngành nghề là bán buôn, bán lẻ dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm, hàng may mặc nhưng lại tổ chức BHĐC 13 loại thực phẩm chức năng với giá bán rất cao. Cụ thể, trên bảng kê hàng hóa của DN này cho thấy các loại thực phẩm chức năng mua vào có giá chỉ từ hơn 35.000-88.000 đồng/hộp/30 viên nhưng giá bán thể hiện trên đơn đặt hàng lên tới 135.000-375.000 đồng, gấp 3-4 lần so với giá mua vào. Đại diện DN cho rằng vì không có tiền ký quỹ (1 tỉ đồng) nên họ không đăng ký tổ chức BHĐC! Đoàn kiểm tra đã đình chỉ hoạt động BHĐC của Công ty cổ phần dược phẩm Đông Phương, đồng thời sẽ đề nghị Sở Kế hoạch – đầu tư TP xem lại ngành nghề kinh doanh của DN này.
Bất chính và biến tướng!
Trong đợt kiểm tra vừa qua, đoàn thanh tra liên ngành cũng đã kiểm tra năm công ty BHĐC có giấy phép là Công ty Bảo Lan Thiên Sư, Công ty Thiên Ngọc Minh Uy (chi nhánh Q.6), Công ty TNHH Amway VN, chi nhánh Công ty Yagho (Q.6), Công ty TNHH mỹ phẩm Thường Xuân.
Theo ông Võ Lê Bích Đồng – phó chánh thanh tra Sở Công thương TP.HCM, hầu hết các công ty BHĐC có giấy phép được kiểm tra đều có vi phạm. Phổ biến là không cung cấp đầy đủ tài liệu cho người tham gia BHĐC; quảng cáo, khuyến mãi không đăng ký, không xin phép cơ quan chức năng; một số đơn vị không áp dụng mua lại hàng hóa đã bán cho người tham gia khi đã hết hợp đồng; không công bố quy tắc hoạt động của DN… Sở Công thương đã xử lý, phạt tiền trung bình mỗi DN 20-30 triệu đồng.
Ông Võ Lê Bích Đồng cho biết đoàn thanh tra đã phát hiện có sự biến tướng trong phương thức kinh doanh đa cấp sang mô hình kinh doanh đa cấp bất chính (mô hình kim tự tháp). Cụ thể, có DN bắt người tham gia phải mua tài liệu khởi đầu với giá bán rất cao. Có khi còn quy định người tham gia BHĐC muốn được hưởng hoa hồng cao hay các lợi ích kinh tế khác thì phải tiêu thụ một số lượng hàng hóa nhất định trong một thời gian ngắn. Để mạng lưới phát triển, thu hút ngày càng đông nhà phân phối, các DN thường nâng giá bán cao gấp nhiều lần so với giá thực để chi trả tiền thưởng, hoa hồng cho nhà phân phối, gây thiệt hại cho người tiêu dùng.
Ngoài ra, có một số DN trong nước nhưng thực tế là chi nhánh BHĐC của nước ngoài và người đứng đầu DN thường là nhà phân phối của DN ở nước ngoài. Có khi người đứng đầu DN chỉ là người đứng tên giùm trên giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho DN ở nước ngoài…
Nhiều bất cập
Theo ông Võ Lê Bích Đồng, hoạt động BHĐC là phương pháp tiếp thị để bán lẻ hàng hóa thông qua mạng lưới người tham gia BHĐC gồm nhiều cấp, nhiều nhánh khác nhau. Tuy nhiên, trên thực tế có hiện tượng DN vừa kinh doanh theo phương thức đa cấp, vừa kinh doanh theo phương thức thông thường, cùng sử dụng chung một hệ thống sổ sách kế toán nhưng trong quy định về xử phạt vi phạm hành chính không có nội dung xử phạt đối với hành vi này.
Các DN BHĐC thường chọn mặt hàng thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, hàng điện tử, thiết bị trị liệu, thiết bị luyện tập chủ yếu có nguồn gốc, xuất xứ ở nước ngoài để kinh doanh. Trong đó có một số thực phẩm chức năng và thiết bị trị liệu, thiết bị luyện tập khó phân biệt với thuốc chữa bệnh và thiết bị y tế (những mặt hàng cấm kinh doanh theo phương thức BHĐC). Các DN đã lợi dụng sự khó phân biệt này để thổi phồng, quảng cáo gấp nhiều lần, dụ dỗ người tiêu dùng.
Điều đáng lưu ý, nghị định của Chính phủ chỉ giao thẩm quyền xử phạt hành vi kinh doanh đa cấp bất chính cho Cục Quản lý cạnh tranh. Vì thế, khi phát hiện DN vi phạm, địa phương không xử phạt được mà phải có văn bản gửi Cục Quản lý cạnh tranh báo cáo để cục này đi kiểm tra, xác minh lại từ đầu, sau đó mới tiến hành xử phạt! Điều này gây khó khăn cho cơ quan quản lý tại địa phương và địa phương cũng không biết Cục Quản lý cạnh tranh có đi kiểm tra không, đã xử phạt chưa. Ngay cả hành vi không công bố quy tắc hoạt động của DN và người tham gia hoạt động BHĐC được hiểu như thế nào cũng chưa có quy định rõ ràng, cụ thể (niêm yết tại trụ sở, thông tin trên trang web của DN hay trên phương tiện truyền thông đại chúng…).
LÊ THANH HÀ (TTO)
Bình luận (0)