Cuối tuần qua, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM đã chính thức ra mắt mạng lưới kết nối nhà trường, chuyên gia, doanh nghiệp, cơ quan quản lý trong và ngoài nước mang tên ArtTech Fusion Hub với chức năng giải quyết các vấn đề đô thị, ngành nghề dựa trên yếu tố công nghệ – nghệ thuật, hướng đến sự phát triển bền vững.
Một hoạt động ký kết hợp tác giữa Trường ĐH Kinh tế TP.HCM và Bảo tàng nghệ thuật Ulsan (Hàn Quốc) trong khuôn khổ chương trình
Sự kiện này khởi đầu cho chuỗi hoạt động khoa học và nghệ thuật “Ready for next: Sẵn sàng chuyển đổi cho sự phát triển bền vững của cộng đồng” do chính trường tổ chức từ ngày 4 đến 11-12, với sự tham gia của nhiều ĐH và tổ chức quốc tế uy tín.
Chuỗi hoạt động này xoay quanh các nội dung học thuật, diễn đàn trao đổi, kết nối cộng đồng, sáng tạo, truyền cảm hứng. Cụ thể, có 4 hội thảo khoa học quốc tế với cách thức tiếp cận mới mẻ tri thức đa lĩnh vực; 25 phiên hội thảo chuyên sâu xoay quanh vấn đề bền vững, công nghệ, thiết kế và nghệ thuật.
Trong đó, hội thảo quốc tế chủ đề “Cuộc sống thông minh: Thay đổi lối sống hướng tới phát triển bền vững qua lăng kính nghệ thuật – công nghệ” giới thiệu các hoạt động giáo dục, nghiên cứu; tạo sự kết nối giữa một số trường ĐH trong và ngoài nước, các nhà khoa học, mạng lưới chuyên gia và các doanh nghiệp. Qua đó, thúc đẩy việc sử dụng nghệ thuật và công nghệ như một công cụ để giải quyết các vấn đề của xã hội hiện đại, hướng tới sự phát triển bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống, xây dựng một môi trường đổi mới sáng tạo.
Còn hội thảo khoa học “Khả năng phục hồi trong tương lai qua lăng kính thành phố thông minh hướng đến xây dựng thành phố thông minh” đặt trọng tâm vào hai lĩnh vực chính là sống thông minh và giáo dục thông minh với mục tiêu giới thiệu các xu hướng thiết kế, quy hoạch, phát triển và quản lý thông qua ứng dụng công nghệ. Hội thảo “Sustainable university development: Opportunity and challenge” thì tập trung trao đổi về xu thế tất yếu của việc phát triển ĐH bền vững, các trụ cột và tiêu chuẩn về bền vững, các mô hình xây dựng ĐH bền vững cũng như những cơ hội và thách thức mà trường ĐH phải đối mặt…
Cùng với đó, 2 mạng lưới kết nối cộng đồng trong và ngoài nước; 6 hoạt động sáng tạo, truyền cảm hứng nghệ thuật, các triển lãm về phát triển bền vững, công nghệ đổi mới sáng tạo, thành phố thông minh cũng được trường ra mắt trong thời gian này. Hai mạng lưới kết nối trong nước và quốc tế gồm: ArtTech Fusion Hub (nhằm tập trung các nhóm giải pháp ứng dụng công nghệ và nghệ thuật) và IFS Hub (diễn đàn quốc tế bền vững tập trung các nhóm giải pháp phát triển bền vững cho các trường ĐH, các doanh nghiệp vừa và nhỏ). Đây sẽ là nơi hội tụ của cộng đồng nhà khoa học, nhà nghiên cứu, chuyên gia trong và ngoài nước cùng thảo luận, tư vấn, lan tỏa các tri thức, công cụ đổi mới để giải quyết những vấn đề cụ thể, cấp bách của thời đại.
“Nghệ thuật sẽ giúp hoàn thiện về mặt thẩm mỹ cho sản phẩm công nghiệp, giúp kích hoạt và thúc đẩy công nghệ phát triển hơn. Ngược lại, công nghệ sẽ giúp phát triển và nâng tầm nghệ thuật. Chính vì vậy, mạng lưới ArtTech Fusion Hub ra đời sẽ thực hiện sứ mạng: Ứng dụng nghệ thuật, công nghệ như một công cụ để giải quyết các vấn đề nhằm góp phần nâng chất lượng cuộc sống; nuôi dưỡng môi trường đổi mới sáng tạo để khuyến khích tạo ra sự thay đổi và truyền cảm hứng nghệ thuật”, GS.TS Sử Đình Thành (Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP.HCM). |
Trong đó, ArtTech Fusion Hub sẽ thực hiện 3 chức năng chính gồm: Hỗ trợ giáo dục – đào tạo; nghiên cứu và thực hiện dự án địa phương; kết nối và phát triển mạng lưới. Còn diễn đàn quốc tế bền vững thì tập hợp các ĐH, viện nghiên cứu, doanh nghiệp, hiệp hội, tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước để cùng chia sẻ, nâng cao năng lực trong phát triển bền vững của các trường ĐH; đưa ra các giải pháp hỗ trợ, hướng dẫn những doanh nghiệp vừa và nhỏ hành động bền vững. Giai đoạn 2022-2025, diễn đàn này sẽ được duy trì với 3 nhóm hoạt động chính gồm: Kết nối; nghiên cứu; chia sẻ kiến thức đến cộng đồng.
“Chúng ta đang sống trong một thời đại mà sự nối kết tri thức đa lĩnh vực ngày càng quan trọng đối với việc giải quyết các vấn đề cấp bách của thế giới. Khi tích hợp công nghệ với thiết kế, nghệ thuật hứa hẹn sẽ mang đến những khả năng kỳ diệu và tạo ra những thay đổi có tác động tích cực. Đây cũng là lúc yêu cầu giáo dục ĐH phải chủ động chuyển đổi, không chỉ đào tạo ra những thế hệ kế cận có tư duy đa diện, toàn cầu và hành động vì sự bền vững mà còn thúc đẩy mối quan hệ bền vững giữa các bên liên quan; cùng đưa ra những giải pháp tích hợp để giải quyết các vấn đề trong xã hội” – đại diện nhà trường nhấn mạnh.
GS.TS Nguyễn Đông Phong (Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH Kinh tế TP.HCM) kỳ vọng rằng thông qua chuỗi hoạt động này, nhà trường sẽ phát huy hơn nữa vai trò là một trung tâm kết nối tri thức đa ngành, liên ngành và xuyên ngành nhằm tập hợp các nguồn lực, cộng hưởng, lan tỏa những giá trị tích cực; đóng góp vào bức tranh chung về phát triển bền vững của cộng đồng.
Việt Ngân
Bình luận (0)