Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Hoạt động của lớp và cá nhân trong tiết dạy

Tạp Chí Giáo Dục

Trong một tiết dạy, GV không chỉ đưa ra hoạt động cho từng cá nhân mà còn phải đưa ra những hoạt động chung để cả lớp hoặc từng nhóm làm việc. Ảnh: P.N.Q
Trong chương trình Lịch sử lớp 10, bài 32 “Cách mạng công nghiệp ở châu Âu” mang tính chất khái quát nên kiến thức rất nhiều đòi hỏi giáo viên (GV) phải biết đổi mới phương pháp dạy học – tổ chức những hoạt động để giờ học sinh động và có hiệu quả nhất.
Để có đồ dùng dạy học phù hợp với tiết dạy, GV phải chuẩn bị một số tài liệu, thiết bị cần thiết như tranh ảnh về những phát minh công nghiệp trong thời kỳ này, lược đồ nước Anh, tài liệu tham khảo về kinh tế – văn hóa phần lịch sử thế giới, máy chiếu Power Point kết hợp với bảng đen. Trước bài 32 là bài “Cách mạng tư sản Pháp” nên GV cần đặt câu hỏi: “Hãy nêu ý nghĩa lịch sử của Cách mạng tư sản Pháp cuối thể kỷ 18?” để kiểm tra bài cũ.
Khi dẫn dắt vào bài mới, GV nêu vai trò của các cuộc cách mạng trong lịch sử con người và so sánh sự giống nhau và khác nhau giữa cuộc cách mạng tư sản và cuộc cách mạng công nghiệp để hướng học sinh (HS) đi vào tìm hiểu những thành tựu chủ yếu cũng như hệ quả của cuộc cách mạng công nghiệp châu Âu.
Tránh tình trạng nhắc lại kiến thức đã có từ SGK và thao tác đọc – chép trên lớp, GV nên đưa ra các hoạt động của thầy và trò khi thực hiện tiết dạy. Không chỉ đưa ra hoạt động của từng cá nhân mà GV còn phải đưa ra những hoạt động chung để cả lớp hoặc từng nhóm làm việc. Để HS có kiến thức về cách mạng công nghiệp ở Anh, GV đưa ra một số câu hỏi và sau đó các em dựa vào SGK trả lời, cụ thể như: Nêu các điều kiện thuận lợi giúp Anh tiến hành cách mạng công nghiệp sớm nhất? Em hãy cho biết cách mạng công nghiệp Anh được bắt đầu và kết thúc vào thời gian nào? Hãy cho biết cách mạng công nghiệp Anh được bắt đầu từ lĩnh vực nào?… Sau khi HS trả lời, GV tổng hợp các ý kiến và giải thích. Phần ghi bảng nêu 3 điều kiện (sớm hoàn thành cách mạng tư sản, có nguồn nhân công dồi dào, sự phát triển kỹ thuật) và 5 phát minh (máy kéo sợi Gien-ni, máy kéo sợi chạy bằng sức nước, máy kéo sợi cải tiến, máy dệt chạy bằng sức nước, máy hơi nước của Giêm Oát). Sử dụng phương pháp Power Point, GV trình chiếu hình ảnh máy kéo sợi Gien-ni và các hình ảnh khác về những phát minh. Thông qua SGK, các em phân tích tính năng hạn chế của máy và nhấn mạnh ý nghĩa của việc ra đời máy hơi nước (chinh phục thiên nhiên, tăng năng suất lao động, giải phóng sức lao động, khởi đầu cho quá trình công nghiệp hóa).
Thay vì cho HS đọc SGK, GV nên nêu câu hỏi để các em tìm ý trả lời: Hãy nêu những thành tựu trong lĩnh vực luyện kim? Thành tựu trong ngành giao thông vận tải? Những phát minh về kỹ thuật hay còn gọi là cuộc cách mạng công nghiệp đã dẫn đến những thay đổi gì về kinh tế và xã hội nước Anh? Sau phần trả lời của HS, GV vừa giới thiệu tiếp các hình ảnh về đầu máy xe lửa, tàu thủy đầu tiên ở Anh vừa giải thích rõ hơn tác động của chúng đối với nền kinh tế và xã hội nước Anh.
Sang phần nội dung cách mạng công nghiệp ở Pháp và Đức, GV không cho HS ghi chép nhiều mà đưa ra các câu hỏi để thấy được thời gian và ý nghĩa của cuộc cách mạng công nghiệp xảy ra ở hai quốc gia này. Bằng các đoạn phim tư liệu, GV giới thiệu tiếp hình ảnh thủ đô Pa-ri sau cách mạng công nghiệp (hệ thống đại lộ, nhà ga, cửa hàng…) và cho các em đọc thêm một số tư liệu trong SGK để thấy được thành tựu cụ thể hơn (sản lượng luyện kim, công nghiệp hóa chất, cơ giới hóa nông nghiệp). Phần hệ quả của cách mạng công nghiệp, GV chỉ ghi cho HS một số ý trên bảng về mặt kinh tế và xã hội, giải thích rõ hơn về giai cấp tư sản và giai cấp vô sản. Từ phần hệ quả của cách mạng công nghiệp, GV liên hệ vào thực tiễn công cuộc công nghiệp hóa đất nước. Từ đó giáo dục vai trò và trách nhiệm của HS có nhiều cống hiến cho đất nước.
Nguyễn Kim Dung
(GV Trung tâm GDTX Q.3)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)